• Zalo

Dư luận góp phần lớn gây ngộ nhận học sinh không bao giờ sai, không được phạt

Ý kiếnThứ Ba, 23/02/2021 15:14:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Sức ép của dư luận, truyền thông lên người thầy khiến phụ huynh ngộ nhận con họ không sai và luôn là đối tượng cần được bảo vệ, giáo viên không có quyền trừng phạt.

Phản hồi bài viết "Đau xót chi bằng cảnh thầy cô thấy trò hư không dám răn, trò hỗn phải giả điếc" của cô giáo Phan Tuyết, nhiều độc giả bày tỏ sự đồng cảm với các giáo viên khi phải chịu quá nhiều sức ép từ chính ngành Giáo dục, từ phụ huynh và cả dư luận, truyền thông, dẫn đến tâm lý phòng thủ, không dám nghiêm khắc dạy dỗ trẻ. Và hậu quả là truyền thống tôn sư trọng đạo bị mai một, ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp trò hỗn láo với thầy cô, thậm chí xúc phạm, hành hung, như vụ nam sinh tát cô giáo khiến cộng đồng choáng váng mấy ngày qua.

Độc giả "Người Trăn Trở" viết đầy tâm huyết: "Không biết từ bao giờ, xã hội này trở nên cực đoan đến vậy. Hễ có hiện tượng gì thiếu tích cực là mạng xã hội lại lên đồng với những chửi bới, chì chiết, thậm chí hết sức vô văn hóa. Cụm từ mà người ta thường nghe thấy nhiều nhất là 'giáo dục thối nát'. Người ta nói y như mình là ông trời, đứng ngoài cuộc để phán xét. Họ không hề nghĩ đến việc chính họ đang là tác nhân, có đóng góp quan trọng vào sự 'thối nát' đó. Họ cũng có con cái., cháu chắt đang đi học, cũng cần sự đầu tư giáo dục từ cả 2 phía: Gia đình và nhà trường. Chúng ta thấy rất rõ, có gia đình nào nền nếp, cha mẹ là những người tốt, quan tâm dạy bảo uốn nắn mà con cái hư đâu?

Không thể phủ nhận 'thánh đường' giáo dục đang bị nhuốm màu thị trường, chất lượng cán bộ quản lý và người thầy nhiều nơi rất có vấn đề. Tuy nhiên, có thể thấy sự băng hoại đạo đức có phần đóng góp rất lớn của dư luận và truyền thông. Sức ép dư luận lên ngành Giáo dục, lên người thầy đã khiến học sinh và phụ huynh ngày càng ngộ nhận rằng họ luôn là đối tượng cần được bảo vệ, giáo viên không có quyền trừng phạt, họ làm gì cũng đúng, giáo viên làm gì cũng sai".

Cũng bức xúc về thực tế này, một độc giả ẩn danh bình luận: "Cái quyền của học sinh quá cao còn của giáo viên thì dường như không có. Ông bà ta đã từng có câu 'Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi', ấy thế mà bây giờ từ phụ huynh đến các cơ quan ban ngành đều ép giáo viên phải cho ngọt cho bùi, phải 'ghét' mới đau chứ". 

"Quá dễ dãi với học sinh với những từ mỹ miều như 'tôn trọng nhân cách'... và hậu quả là nề nếp tôn sư trọng đạo không còn. Ngày càng nhiều phụ huynh và học sinh coi thường thầy cô giáo", Hoài Phương nêu ý kiến.

Dư luận góp phần lớn gây ngộ nhận học sinh không bao giờ sai, không được phạt - 1

Video nam sinh Hà Nội tát giáo viên gây phẫn nộ dư luận những ngày qua. (Ảnh cắt từ clip)  

Rất nhiều độc giả khác cũng bày tỏ sự đồng tình với tác giả Trần Tuyết và sự lo lắng về tình trạng băng hoại đạo đức thể hiện trong môi trường giáo dục, trong cách ứng xử với giáo viên.

Ẩn danh: Do người đứng đầu cả thôi. Nếu hiệu trưởng, Trưởng phòng Giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục... có bản lĩnh, đủ phẩm chất và năng lực lãnh đạo - quản lý, dám làm dám chịu trách nhiệm thì giáo dục Việt Nam sẽ tốt hơn nhiều.

Trường Tồn: Tất cả đều do sự nuông chiều của dư luận, của cha mẹ và người nhà học sinh. Khi bị cô la mắng hay phạt dùng thước đánh vào bàn tay, vào mông... thì mấy ông bà nhảy lên đòi kiện này kiện kia, rồi "con tôi ở nhà tôi còn không dám đánh mà mấy người lại đánh" hay "tôi đưa con tôi vào học chứ không phải để mấy người đánh"... Riết rồi bọn trẻ coi mình là tất cả, giáo viên chỉ là cho có thôi. Những đứa trẻ ngoan thì ngoan, còn những đứa phá phách, đánh nhau, chửi thề thì vẫn vậy. Trẻ hư do cha mẹ.

Ẩn danh: Còn đâu nữa công cha nghĩa mẹ ơn thầy! Thật đau lòng.

09663xxxx: Tôi cũng là giáo viên, mệt mỏi lắm và cũng chẳng biết nói gì

Ẩn danh: Thầy cô quá nhiều trách nhiệm nhưng không có quyền lực thật sự gì. Đây là lỗi bắt đầu từ lãnh đạo chính quyền và ngành.

Dân: Các giáo sư, tiến sĩ ngành giáo dục đào tạo hãy tìm lời giải bài toán này.

Nguyễn Hoàng: Cứ cho các ông dạy thử ở lớp vài tuần và chịu áp lực như giáo viên đi, rồi sẽ thấy. Tất nhiên đã chọn nghề giáo là ai cũng yêu thương học sinh, có yêu thương mới la rầy, dạy dỗ, nếu không thì mackeno, vui cả mọi người, đỡ gặp tai nạn nghề nghiệp!!!

Hữu Như: Làm nghề nhà giáo bây giờ khổ thật, bị trói đủ kiểu. Tôi phản đối quy định giáo viên không được phê bình học sinh trước trường lớp. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định này, sao không đưa một quy định nữa là giáo viên (và nhà trường) có quyền từ chối nhận, dạy những học sinh như thế này. Như thế mới gọi là bình đẳng trước pháp luật chứ?

Ẩn danh: Bài viết của cô giáo Trần Tuyết rất đúng với thực tế. Cảm ơn bạn đã nói lên nỗi niềm bao giáo viên khác. Biết làm sai với lương tâm, nhưng nhắm mắt làm vì miếng cơm manh áo.

An Nhiên: Lúc con còn đi học, sợ thầy cô hơn sợ ba mẹ nữa, đúng thì được tuyên dương, sai sẽ bị phạt, cứ thước gỗ khẽ tay, ngay cả đứa ngổ ngáo nhất lớp cũng sợ thước của cô. Đau đấy nhưng rồi cũng hết, có để lại thương tích gì đâu. Còn bây giờ la thôi cũng không có quyền, vậy sự nghiệp trồng người chỉ còn đúng mỗi nhiệm vụ truyền đạt kiến thức. Sự răn đe, uốn nắn không còn, sự tôn trọng của trò đối với thầy cô không còn (không phải toàn bộ nhưng nó chiếm số lượng không hề nhỏ). Quá nhiều bất cập cho ngành giáo dục.

Bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

M.N
Bình luận
vtcnews.vn