Nhiều ý kiến tranh cãi xuất hiện khi Công Phượng xuất hiện trong danh sách 25 cầu thủ đề cử cho danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2019. Dành gần như cả năm 2019 để ngồi dự bị, tiền đạo sinh năm 1995 có xứng đáng nằm trong danh sách này?
12 tháng, 9 lần đá chính
Công Phượng khởi đầu năm 2019 đầy hứa hẹn với phong độ cao tại Asian Cup. Trên đất UAE, cầu thủ gốc Đô Lương thi đấu trọn vẹn 5 trận của tuyển Việt Nam, để lại dấu ấn với 2 bàn thắng.
Ở trận ra quân với Iraq, Công Phượng ghi 1 bàn, góp công lớn khiến đối thủ đốt lưới ở bàn còn lại. Ở trận gặp Jordan, Công Phượng ghi bàn gỡ hoà quý như vàng khiến trận đấu kéo đến loạt luân lưu (Việt Nam thắng 4-2). Trận gặp Nhật Bản, Công Phượng dù không ghi bàn, nhưng vẫn chơi rất tốt, nhiều lần khiến hàng thủ toàn sao châu Âu của đối phương chao đảo.
Đà thăng tiến của Công Phượng chấm dứt sau quyết định chuyển sang Incheon United chơi bóng. K-League là "đất độc" với cầu thủ chơi bóng thiên về cảm hứng và kỹ thuật như Công Phượng.
Sau 4 tháng, "đứa con của bầu Đức" kết thúc hợp đồng với Incheon, để lại sau lưng 3 lần đá chính, 0 bàn thắng, 0 kiến tạo. Suốt 4 tháng, Incheon cũng không ghi bàn nào khi Công Phượng góp mặt trên sân.
Chuyển sang Sint-Truidense, sự việc còn diễn ra theo chiều hướng tăm tối hơn. Sau khi góp mặt khoảng 30 phút cuối trong thảm bại 0-6 của đội nhà trước Club Brugge, Công Phượng "biến mất" khỏi danh sách đăng ký, không được ngồi dự bị.
Việc ngồi ngoài quá lâu khiến Công Phượng mất cảm giác chơi bóng, mất luôn vị thế ở ĐTQG. Từ King's Cup đến vòng loại World Cup, tuyển Việt Nam đá 7 trận, Công Phượng chỉ 1 lần ra sân từ đầu. Đó là trận thắng 1-0 trước Malaysia - cuộc so tài Công Phượng cũng không có dấu ấn, bị thay ra giữa chừng.
Không thể phủ nhận Công Phượng vẫn có vai trò riêng, là quân bài chiến thuật trong tay HLV Park Hang Seo, nhưng xuyên suốt 10 tháng sau Asian Cup, số trận ra sân chưa đầy một bàn tay của chân sút này cho thấy Phượng đang lạc lối, có đóng góp gần như không đáng kể về mặt chuyên môn cho mọi CLB mà cầu thủ này góp mặt.
Cứ xuất ngoại là hay hơn?
Công Phượng là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử bóng đá nước nhà chơi bóng ở 3 quốc gia ngoài biên giới Việt Nam. Cụ thể, Phượng thi đấu tại Nhật Bản (Mito Hollyhock), Hàn Quốc (Incheon) và Bỉ (Sint-Truidense). Xét về kinh nghiệm chơi bóng quốc tế ở cả ĐTQG và CLB, Công Phượng là một trong những cái tên dồi dào nhất.
Song, không phải cứ xuất ngoại là hay, nổi trội hơn các cầu thủ thi đấu trong nước. Bộ khung tuyển Việt Nam hiện tại với Duy Mạnh, Ngọc Hải, Tiến Dũng ở hàng thủ, Hùng Dũng, Trọng Hoàng ở hàng tiền vệ hay Tiến Linh, Quang Hải, Văn Toàn ở hàng tấn công đều hay và ổn định hơn Công Phượng, xét trên mặt bằng cống hiến cho ĐTQG trong 6 tháng gần nhất.
Tất cả đều chưa từng xuất ngoại, chỉ trau dồi ở V-League, còn Công Phượng sa sút nhiều từ khi xuất ngoại chơi bóng.
Sang nước ngoài thi đấu vẫn là giấc mơ và mục tiêu với rất nhiều tuyển thủ QG, nên mọi so sánh đều khập khiễng. Nếu còn ở lại HAGL, Công Phượng sẽ thi đấu, đóng góp nhiều hơn, thậm chí mức độ đóng góp có thể bằng hoặc hơn Văn Toàn, Minh Vương, Tuấn Anh mùa vừa qua - những cầu thủ cũng có tên trong danh sách đề cử Quả bóng vàng.
Hoặc giả dụ Quang Hải, Hùng Dũng cũng sang Hàn Quốc hay Bỉ chơi bóng, các tuyển thủ này cũng có tới hơn 90% ngồi dự bị như Công Phượng.
Tuy nhiên, xuất ngoại chơi bóng là lựa chọn của cá nhân cầu thủ cùng CLB. Không ai "ép" Công Phượng phải đi. Vì thế, đặt trên hệ quy chiếu so sánh chuyên môn đề cử Quả bóng vàng, mọi cầu thủ đều phải công bằng. Không thể coi cầu thủ xuất ngoại đương nhiên "sang" hơn cầu thủ chơi ở V-League, nhất là khi cầu thủ ấy được CLB nước ngoài mua có thể không phải vì yếu tố chuyên môn!
Cũng như danh sách triệu tập ĐTQG, danh sách bầu bóng vàng luôn gây tranh cãi, ở thế giới còn vậy, huống chi là Việt Nam - nơi các công cụ đánh giá cầu thủ một cách lý tính, khách quan còn chưa phát triển, đồng thời yếu tố chuyên môn mang tính rất tương đối. Có rất nhiều cầu thủ hay, nhiều đóng góp không có mặt, nhưng hay ở mức nào, đóng góp ở mức nào, vẫn rất khó định lượng.
Bình luận