• Zalo

Dự án đường sắt trên cao liên tục lùi tiến độ: Lãnh đạo quận sốt ruột lên tiếng

Thời sựThứ Tư, 08/04/2015 07:45:00 +07:00Google News

ãnh đạo quận Hà Đông sốt ruột vì nhà thầu dự án đường sắt trên cao thi công chậm ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại, gây nguy hiểm người dân

(VTC News) - Lãnh đạo quận Hà Đông sốt ruột vì nhà thầu dự án đường sắt trên cao thi công chậm ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại, gây nguy hiểm người dân khi đi qua tuyến đường Nguyễn Trãi.

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 7/4, ông Vũ Ngọc Phụng – Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông chia sẻ xung quanh tiến độ xây dựng dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.

Ông Phụng cho biết, bản thân ông và nhiều người dân rất sốt ruột vì dự án này được các nhà thầu triển khai thi công quá chậm.

“Quận Hà Đông có mỗi tuyến đường huyết mạch đó, việc nhà thầu thi công chậm ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của người dân, gây nguy hiểm cho mọi người khi đi qua đây”, ông Phụng nói.

 Ông Vũ Ngọc Phụng – Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông trao đổi với báo chí.

Do đó, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông kiến nghị các đơn vị liên quan cần phải đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án.

“Tôi đề xuất lãnh đạo Hà Nội, Ban Tuyên giáo cùng các cơ quan báo đài có biện pháp tác động để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Chứ thế này thì chậm quá, chậm quá”, ông Phụng ngán ngẩm chia sẻ với phóng viên.

Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13 km khổ 1.435 mm. Toàn tuyến đường sắt đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, quận Hà Đông.

Video: Giàn giáo công trường đường sắt trên cao sập đè bẹp ô tô


Dự án này được đầu tư từ nguồn vốn vay của Trung Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư ban đầu gần 8.770 tỉ đồng (552,86 triệu USD). Tuy nhiên, tính tới năm 2014, chi phí đã được điều chỉnh đội thêm 339,06 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu, nâng tổng mức đầu tư dự án lên gần 892 triệu USD.

Đáng chú ý, dự án này được triển khai từ năm 2009, tới nay đã chậm tiến độ 2 năm so với kế hoạch ban đầu nhưng vẫn chưa hoàn thành. Năm 2014, tại công trường thi công tuyến đường sắt này đã xảy ra 3 vụ tai nạn khiến 1 người chết, ít nhất 3 người bị thương, 1 chiếc ô tô bị hư hỏng gần như hoàn toàn.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn