• Zalo

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông: Hoàn thành 94%, dự án vẫn ì ạch

Kinh tếThứ Năm, 20/07/2017 11:36:00 +07:00Google News

Theo kế hoạch, dự kiến tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) sẽ đưa vào khai thác thương mại trong Quý I/2018, nhưng có thể sẽ chậm tiến độ do thiếu vốn.

Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đầu tháng 10/2017, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đóng điện để vận hành thử toàn trên hệ thống nhưng đến thời điểm này tiến độ vẫn rất ì ạch.

Trong báo cáo mới đây tại buổi làm việc mới đây của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải, dự án đường sát trên cao Cát Linh Hà đông đã hoàn thành hơn 94% khối lượng xây lắp, trong đó phần hạ tầng chạy tàu đã cơ bản hoàn thành. Về mua sắm thiết bị và đoàn tàu, hiện tại đã đóng xong 13 đoàn tàu tại Bắc Kinh và chuyển 1 đoàn tàu trưng bày tại ga La Khê.

Tuy nhiên, sau sự kiện mở cửa tham quan đầu tàu và nhà ga La Khê, người dân thấy dự án được tiếp tục xây dựng với tiến độ rất ì ạch.

1_142357

 Sau đợt mở cửa thăm quan đầu tàu và nhà ga La Khê, dự án tiếp tục thi công rất ì ạch vì thiếu vốn.

Thông tin về việc này tại buổi làm việc, ông Lê Kim Thành - Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, cho biết, hiện nay dự án đang thiếu vốn nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa yêu cầu các đơn vị kiến nghị với Chính phủ thúc đẩy nhanh việc giải ngân cho Dự án.

Trước đó, hồi tháng 5/2017, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã ký Hiệp định cho vay bổ sung 250 triệu USD. Tuy nhiên, do các thủ tục chưa hoàn tất, các bên vẫn chưa thống nhất ý kiến nên chưa thể giải ngân. Bộ Giao thông vận tải sau đó cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính hỗ trợ các thủ tục cho khoản vay bổ sung này.

Video: Cận cảnh tàu mẫu đường sắt trên cao

Ông Thanh đề nghị, Bộ Giao thông vận tải có văn bản báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính để thống nhất với Eximbank Trung Quốc, ký hợp đồng vay vốn và triển khai giải ngân trong tháng 7/2017 cho Dự án.

Dự án có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD (gồm 169 triệu USD vay ưu đãi, lãi suất 3% và 250 triệu USD vay ưu đãi bên mua 4%), vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.

Đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD). Thủ tục vay vốn bổ sung đối với phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD, dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 3 nhưng đến nay, phía Trung Quốc mới tiếp tục đồng ý cho vay.

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn