Khói xe là “thủ phạm” chính gây ô nhiễm không khí
Hà Nội những ngày cuối tháng 12, bầu trời cả ngày mù mịt như sương sớm, chỉ số ô nhiễm không khí thường xuyên ở mức rất xấu theo ghi nhận của Chi cục bảo vệ môi trường.
Hồi tháng 10, khi chất lượng không khí ở mức xấu, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội nêu ra 12 nguyên nhân chính khiến Hà Nội ô nhiễm không khí, trong đó khí xả thải từ ô tô, xe máy bị “kết tội” đầu tiên. Trong khí thải của các phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong có các thành phần như carbon monoxit, oxit nito, lưu huỳnh dioxit, hơi xăng dầu, bụi PM 10, bụi đường và nhiều loại chất khác, có thể gây ngạt thở và các bệnh về đường hô hấp.
Không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đã có những nghiên cứu chỉ ra sự ảnh hưởng của động cơ đốt trong với môi trường, bên cạnh các nguồn gây ô nhiễm không khí khác. Xe sử dụng động cơ diesel thậm chí bị cấm tại một số thành phố ở Đức, nơi được coi là cái nôi của ngành công nghiệp ôtô châu Âu. Phương tiện thân thiện môi trường dần được nhiều chính phủ quan tâm, cũng là khi các hãng xe bắt tay phát triển xe điện, từ ôtô đến xe máy.
Nhiều tên tuổi mới khi đặt chân vào ngành công nghiệp ôtô - xe máy đã chọn phương tiện chạy điện để bắt đầu, điển hình như Tesla. Tại Việt Nam, Vingroup khi mở thương hiệu VinFast cũng công bố về việc sản xuất ôtô điện, xe bus công cộng chạy điện và xe máy điện.
Những chiếc xe máy điện đầu tiên của VinFast đã lăn bánh trên đường từ cuối năm 2018. Hãng xe Việt cho thấy sự đầu tư nghiêm túc, bài bản nhằm tạo ra những chiếc xe máy điện chất lượng cao, có độ tin cậy, an toàn cho người sử dụng khi rót số vốn ban đầu khoảng hơn 1,5 tỷ USD cho nhà máy tại Hải Phòng, với công suất ban đầu 250.000 xe mỗi năm.
Với quy mô thị trường đang ở mức 3 triệu xe máy bán ra mỗi năm, trong đó xe điện chỉ chiếm một phần rất nhỏ, có thể thấy người tiêu dùng vẫn chưa nhìn nhận đúng mức về ảnh hưởng của khí thải giao thông tới môi trường và tầm quan trọng của xe điện. Chỉ đến khi tình trạng ô nhiễm không khí lên mức báo động đỏ những tháng vừa qua, xe điện mới thực sự được xem là một giải pháp hữu hiệu giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tương lai của xe điện
Ngoài các ưu điểm cốt lõi như không phát sinh khí thải, không gây tiếng ồn khi vận hành, xe máy điện hiện nay có thể di chuyển liên tục quãng đường khoảng 80 km cho một lần sạc đầy, ở tốc độ khoảng 30-50 km/h, rất phù hợp với việc di chuyển trong nội đô. Thách thức về giá thành và hệ sinh thái trạm sạc, đổi pin cũng đang được các nhà sản xuất từng bước giải quyết nhằm mang lại sự tiện lợi tối đa cho người sử dụng.
Về giá thành, hiện các mẫu xe điện chính hãng cũng có giá phù hợp với số đông. Chẳng hạn hai dòng xe Impes, Ludo mới ra mắt của VinFast cũng chỉ có giá tương đương với các sản phẩm thương hiệu Trung Quốc được bán trôi nổi trên thị trường. Hãng xe thương hiệu Việt cũng đã xây dựng hệ thống hàng nghìn trạm đổi pin trên toàn quốc tại các cửa hàng tiện lợi và các cơ sở của đối tác, giúp cho việc thay pin cũng dễ dàng như đổ xăng cho xe máy.
Các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô - xe máy nhận định thị phần cho xe điện sẽ còn mở rộng trong những năm tới, do chính phủ và người dân đều ý thức rõ tác hại của ô nhiễm không khí trong những năm gần đây. Không chỉ VinFast, một số hãng xe máy Nhật cũng bắt đầu để ý đến thị trường xe điện, tuy giá thành sản phẩm ở giai đoạn hiện tại cao hơn nhiều so với hãng xe Việt.
Nhìn ra thế giới, một số nước lân cận đã có chính sách phát triển riêng cho loại phương tiện thân thiện với môi trường từ khá lâu. Những năm 1990, Đài Loan ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển xe điện thay cho những mẫu xe máy hai thì ô nhiễm. Giai đoạn 1998-2005 là thời điểm bùng nổ của xe máy điện tại Đài Loan, khi số lượng xe lưu thông tăng vọt từ 40.000 chiếc lên hơn 10 triệu chiếc.
Năm 1996, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu cấm xe máy truyền thống tại các thành phố lớn vì ô nhiễm không khí. Kết quả nghiên cứu cho thấy, xe điện giảm lượng khí thải carbon dioxit khoảng 98% so với xe dùng động cơ đốt trong. Hiện tại, Trung Quốc có hơn 200 triệu xe máy điện. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, xe điện là mảnh đất màu mỡ trị giá khoảng 300 tỷ đến 500 tỷ USD cho đến năm 2030 tại các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Có thể thấy, xe điện sẽ là giải pháp giao thông đô thị của tương lai, và xu hướng này diễn ra trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, miếng bánh thị phần xe điện vẫn còn nhiều khi vấn đề ô nhiễm không khí ngày càng được quan tâm. Song song với nỗ lực hoàn thiện hệ sinh thái và cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm từ nhà sản xuất, chính quyền và người dân cần nhìn nhận xe điện như một lựa chọn tất yếu mang lại chất lượng cuộc sống cao hơn cho chính bản thân và cộng đồng.
Bình luận