Liên quan đến những thông tin trên, chiều 23/8 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã trả lời báo chí khẳng định, việc tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp là một chủ trương đúng đắn và các bộ, ngành phải nghiêm túc thực hiện, nhưng không được tách rồi giữa thông thoáng với buông lỏng quản lý
Ông Phong cũng nhấn mạnh: “Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Vì vậy, chắc chắn không thể đánh đổi sức khỏe để lấy kinh tế”.
Về lĩnh vực an toàn thực phẩm, Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng đã có 5 nội dung chỉ đạo rất cương quyết như: Kết luận số 11 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về ATTP trong tình hình mới; nghị quyết số 43 của Quốc hội về đẩy mạnh chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm; chỉ thị số 34 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới, chỉ thị số 13 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; chỉ thị số 17 về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên vừa rồi, có rất nhiều ý kiến trong đó có ý kiến trái chiều cho rằng, nên bỏ thủ tục công bố chất lượng sản phẩm
Thậm chí, mấy ngày qua, một số phương tiện truyền thông nêu ra “1 thanh socola phải cần 13 giấy phép”. Tuy nhiên, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết, sau khi có thông tin, kiểm tra lại thì hoàn toàn không phải thế.
“Nếu doanh nghiệp nhập khẩu về 13, 15 hay 30 nguyên liệu hoặc phụ gia thực thẩm để sản xuất nội bộ ra 1 sản phẩm thì không cần công bố từng loại nguyên liệu mà chỉ cần công bố sản phẩm cuối cùng”.
“Khi nhà sản xuất mua nguyên liệu để sản xuất thì phải mua những loại nguyên liệu đã được công bố chất lượng sản phẩm và sau đó chỉ cần kê khai vào bảng nguyên liệu để công bố chất lượng sản phẩm cuối cùng”.
Còn ngược lại, nếu doanh nghiệp nhập về để bán ra thị trường các phụ gia hay nguyên liệu đó thì dứt khoát phải công bố.
Nói đến chi phí phải đánh giá đúng hiệu quả
Trước một số thông tin cho rằng, chi phí cho kiểm định sản phẩm hàng hóa tiêu tốn hàng nghìn tỷ và hàng triệu ngày công, ông Phong cho rằng, khi tính đến chi phí phải đánh giá đúng hiệu quả kinh tế mà hoạt động đó mang lại. Nếu không công bố đầy đủ mà chỉ đưa ra các số liệu chung chung sẽ chỉ là bài toán kinh tế nửa vời.
“Doanh nghiệp nói tốn kém như vậy, nhưng làm việc đó hiệu quả bằng số 0 hay có lợi cho sức khỏe, cho xã hội gấp nhiều lần? Nếu tốt thì có chi nhiều hơn nữa chúng ta vẫn phải làm", ông Phong nói.
Ông Phong cung cấp thêm thông tin, Phó Giáo sư Trần Đáng trước đây còn làm Cục trưởng Cục vệ sinh an toàn thực phẩm đã có nghiên cứu với một số tổ chức y tế thế giới và ra kết quả: Chi 1 đồng cho an toàn thực phẩm thì tiết kiệm được 48 đồng tiền điều trị và dự phòng bệnh.
Chưa nên cho doanh nghiệp tự công bố sản phẩm trong thời điểm hiện nay
Nhiều ý kiến cho rằng, nên để doanh nghiệp tự công bố sản phẩm và tiến hành hậu kiểm như các nước Nhật bản, Singapore và một số nước Châu Âu đang thực hiện. Ông Phong cho rằng, làm được như vậy là rất tốt, rất tiên tiên tiến nhưng không thể so sánh điều kiện Việt Nam hiện nayvới những nước đó được.
Muốn làm được như vậy cần hai yếu tố là: Ý thức chấp hành pháp luật tốt và nguồn lực phục vụ hậu kiểm phải bảo đảm. Tuy nhiên, cả hai điều kiện đó thực tế Việt Nam chưa đáp ứng được
Thứ nhất, về ý thức chấp hành pháp luật ở Việt Nam không thể bằng các nước như Nhật Bản, Singapore và một số nước Châu Âu. Ở các nước đó, không thể có hiện tượng bơm tạp chất vào tôm, rau hai luống, lợn hai chuồng, không thể có chất phụ gia cho vào thực phẩm...
Thứ hai, về nguồn nhân lực cũng không thể so sánh được. Trong khi Nhật Bản có tới 12 ngàn nhân viên thanh tra y tế, mỗi năm bỏ ra lượng chi phí khổng lồ để mua mẫu… Còn chúng tôi, tới bây giờ đã là quý 3 của năm 2017, mới được tạm ứng hơn 20% kinh phí về an toàn thực phẩm của năm 2016.
Vì vậy, chúng ta vẫn phải tiến hành hai phương thức vừa tiền kiểm và hậu kiểm giống nhiều quốc gia: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia...
Không có chuyện gây khó khăn cho doanh nghiệp trong khâu làm thủ tục
Cục trưởng An toàn thực phẩm khẳng định, Cục không gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục, hồ sơ liên quan tới chất lượng sản phẩm.
Quy định công bố nêu rõ, với thực phẩm chức năng là 30 ngày, thực phẩm bình thường là 15 ngày và thực phẩm có quy chuẩn là 7 ngày. Sau thời gian trên, Cục An toàn thực phẩm phải trả lời doanh nghiệp có đạt hay không để cấp phép.
“Có nhiều trường hợp, chúng tôi không thể thể cấp giấy phép được do hồ sơ sai, không đảm bảo các quy định. Thí dụ như đối với sản phẩm nhập khẩu mà doanh nghiệp không cung cấp được chứng nhận phân phối tự do trên thị trường nước sở tại, hoặc như thực phẩm chức năng mà doanh nghiệp quảng cáo chữa ung thư thì chúng tôi không thể cấp được. Kiến nghị của doanh nghiệp rất nhiều, cái nào đúng thì Cục sẽ tiếp thu để sửa đổi”, ông Phong khẳng định.
Với tình hình thực tế hiện nay ở Việt Nam, đại đa số các ý kiến cho rằng, chưa thể ngay lập tức cho phép các doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm. Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, sản phẩm kém chất lượng thậm chí là gây hại cho sức khỏe con người thì ai chịu trách nhiệm?
Cuối cùng, ông Phong cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Mọi thông tin phát biểu để tư vấn chính sách, hoạch định chính sách, quản lý, thực thi pháp luật phải chính xác, khách quan, tránh phiến diện, tránh bị lobby...".
Bình luận