Trả lời VTC News, ông Lê Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Maxko Việt Nam, một doanh nghiệp chuyên cung cấp nguyên liệu ngành đồ uống cho biết, doanh nghiệp này đã bắt đầu tăng tốc độ sản xuất để gia tăng sản phẩm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
“Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu về các loại thực phẩm pha chế đồ uống tăng khoảng 40-50%. Do đó, trước Tết khoảng gần hai tháng, chúng tôi sẽ tăng lượng nguyên liệu đầu vào và gia tăng sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Hơn thế nữa, người Việt thường có tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi". Do đó, muốn được thảnh thơi vào những ngày đầu năm thì chúng tôi cũng phải tăng gia sản xuất để có lượng hàng lưu trữ đủ phục vụ nhu cầu ngay sau tết. Chính vì vậy mà trong khoảng thời gian cuối năm này, chúng tôi thường chủ động tăng 100% sản lượng, đảm bảo lượng hàng hóa cao gấp đôi ngày thường”, ông Mạnh nói.
Ông Trần Hữu Trường, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Chiko Food cũng cho biết, hiện tại doanh nghiệp này đang hoàn thiện các khâu cuối cùng trong kế hoạch tăng tốc cuối năm để bắt đầu tăng sản lượng theo đúng kế hoạch.
“Chúng tôi đang tổng hợp danh sách khách hàng, tính toán số lượng tiêu thụ từng mã hàng, thông báo kế hoạch hàng Tết tới cửa hàng tiêu thụ, sau đó sẽ đặt hàng nguyên liệu sản xuất dự trù đối với từng mã sản xuất. Chậm nhất là đến 15/12 chúng tôi sẽ bắt đầu tăng tốc", ông Trường thông tin.
Trong khi đó, đại diện một chuỗi thực phẩm sạch tại Hà Nội chia sẻ, đơn vị này đã phối hợp với các nhà cung cấp và có sự chuẩn bị rất kỹ càng cho hàng Tết.
“Năm nay chúng tôi tập trung tăng nguồn hàng về bánh kẹo, trái cây và một số các đặc sản vùng miền”, vị đại diện nói. Cũng theo vị này, hàng hóa tại chuỗi này hầu như không tăng giá vào dịp Tết, ngoại trừ một số mặt hàng nhập khẩu, nhiều khả năng giá sẽ tăng lên đôi chút.
Dự đoán tổng lượng hàng hóa dịp Tết sẽ tăng 30 - 50%, nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã chuẩn bị kỹ, tính toán dự trù nguồn hàng từ các trang trại. Một số doanh nghiệp thực phẩm cho biết, họ đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên đến 250 - 300% để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài làm việc với nhà cung cấp để chuẩn bị lượng hàng thiết yếu, các nhà phân phối cũng dự đoán và chuẩn bị đa dạng thêm các chủng loại thường được tiêu thụ nhiều dịp Tết Nguyên đán.
Giám đốc Trung tâm MM Mega Market Thăng Long Nguyễn Văn Ngọc lại dự đoán sức mua Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tăng từ 10-20% so với Tết Nguyên đán 2022 nên hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20 - 30% so với dịp Tết 2022 và tăng 40-50% so với những tháng bình thường. Riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt tăng đến 100%.
Theo ông Ngọc, người tiêu dùng thường bắt đầu mua sắm ít nhất 4 tuần trước khi dịp Tết chính thức bắt đầu, từ 15/12/2022 tới 21/1/2023 đơn vị sẽ trưng bày hàng Tết để người dân linh hoạt thời gian mua sắm, không bị dồn vào những ngày cận Tết.
Tương tự, Giám đốc Khu vực miền Bắc Saigon Co.op Lê Văn Liêm thông tin, hệ thống siêu thị Co.op Mart đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng chục nghìn tấn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn quốc trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Đăng Phú - Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan (TP.HCM) - cho biết để đảm bảo nguồn cung cho thị trường dịp Tết Quý Mão, từ tháng 6/2022, doanh nghiệp đã triển khai dự trữ nguyên vật liệu nên thuận lợi khi bước vào mùa sản xuất cao điểm. Ông Phú nhận định nhu cầu sẽ tăng nên đơn vị dự kiến cung ứng ra thị trường 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 30% so với cùng kỳ 2022 và 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết hơn 710 tỉ đồng, tăng 10% so với năm ngoái.
Một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt, trứng gia cầm cũng đã hoàn tất khâu chuẩn bị tại trại chăn nuôi và trại liên kết từ giữa tháng 10/2022 để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường từ nay đến Tết. Công ty TNHH Ba Huân đã tăng đàn gà, vịt với số lượng tăng 10 – 20%. Nhà máy sản xuất tăng 20% sản lượng hàng so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của 10,75 triệu người sinh sống, làm việc tại Hà Nội, trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngành Công Thương Hà Nội dự kiến dự trữ lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với thực hiện Tết năm 2022).
Trong đó, xác định nhóm hàng cần bảo đảm nguồn cung cầu trong dịp Tết gồm: Mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết (gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gà, trứng vịt, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi.
Cụ thể, Hà Nội dự trữ 96.700 tấn gạo, 19.300 tấn lợn hơi, 6.400 tấn thịt gia cầm, 5350 tấn thịt bò, 129 triệu trứng gia cầm, 107.000 tấn rau củ, 5300 tấn thủy sản, 5300 tấn thực phẩm chế biến, 52.000 tấn trái cây các loại…
Đáng chú ý, ngành Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất nhiều mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố theo kế hoạch. Tăng thêm tối thiểu ít nhất 30%, bảo đảm không để xảy ra thiếu hụt hàng hóa dịp cuối năm. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm với các tỉnh, thành đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Để đưa hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, Hà Nội yêu cầu toàn bộ hệ thống bán lẻ vào cuộc. Cụ thể, huy động hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố dịp Tết bao gồm kênh bán hàng truyền thống (28 trung tâm thương mại, 132 hệ thống siêu thị, 453 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi) và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn.
Trong khi đó, Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm của người dân thường tăng cao vào quí 4 hàng năm, đặc biệt là vào dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.
Để phục vụ nhu cầu này, TP.HCM đã có kế hoạch từ chuẩn bị hàng hóa từ sớm, với hàng hàng chục ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho mùa Tết. Trong đó, có 5.253 tấn lương thực, 2.031 tấn đường, dầu ăn 2.356 tấn, thịt gia súc 5.603 tấn, thịt gia cầm 8.481 tấn, trứng gia cầm 54,4 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.485 tấn, rau củ quả 9.255 tấn, thủy hải sản 297 tấn…
Bình luận