• Zalo

Doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ người tiêu dùng?

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Tư, 30/11/2022 16:04:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo nhận định của chuyên gia, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự sống còn của các doanh nghiệp, nhà sản xuất.

Nhận thức được điều này, nhiều doanh nghiệp coi đây là chiến lược để đầu tư, phát triển bền vững.

Bảo vệ người tiêu dùng là bảo vệ chính doanh nghiệp

Lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp khẳng định, bảo vệ người tiêu dùng cũng là bảo vệ chính doanh nghiệp, vì thế đây phải là sự quan tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển. 

Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm với người tiêu dùng. Ngoài cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, chất lượng thì doanh nghiệp cần tìm cách ổn định giá cả, sao cho có lợi nhất cho người tiêu dùng. 

“Nếu doanh nghiệp muốn phát triển thì cần phải bảo vệ người tiêu dùng. Đây là vấn đề cấp thiết, nhưng chúng ta phải đi từng bước, phải có lộ trình rõ ràng chứ không thể làm tắt một cách nhanh chóng. Vì nếu không có sự chuẩn bị thì dễ gây ra sự đổ vỡ”, ông Phục nói.

Doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ người tiêu dùng? - 1

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một trong những biện pháp để doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

“Chẳng hạn doanh nghiệp chúng tôi sản xuất tôm sạch để cung cấp cho những tổ chức mua hàng rất nổi tiếng thì phải thực hiện đúng chuẩn mực quốc tế. Nhưng hiện có một số doanh nghiệp cạnh tranh bằng cách làm ăn chụp giật, làm đủ chiêu trò để kiếm lời và có thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ rẻ hơn. Đó là những hành vi vi phạm việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Phục dẫn chứng.

Trong khi đó, ông Trần Sĩ Trực, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại & Sản xuất Hoàng Mai, ông chủ của thương hiệu bánh kẹo Richy cũng cho rằng, người tiêu dùng là đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi trong xã hội nên cần được bảo vệ mọi lúc, mọi nơi. Điều quan trọng, chính họ lại là những người nuôi sống doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp có nguồn thu. Nếu người tiêu dùng tin tưởng, doanh nghiệp đó sẽ phát triển và ngược lại, nếu bị khách hàng tẩy chay, doanh nghiệp sẽ khó mở rộng thị trường và phát triển bền vững. 

“Việc doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước hết là nghĩa vụ, đồng thời là một trong những công cụ hữu hiệu để khẳng định thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh của chính doanh nghiệp mình”, ông Trực nói.

Cần giải pháp đồng bộ để bảo vệ khách hàng

Theo ông Trần Sỹ Trực, đối với mỗi doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm, chất lượng sản phẩm luôn đóng vai trò mấu chốt, vì thế, cần quán triệt rằng việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng của sản phẩm đầu ra phải là nguyên tắc tối thượng. Bởi chỉ cần khâu sản xuất sơ ý một chút thôi sẽ ảnh hưởng đến biết bao nhiêu người tiêu dùng khác. 

Ông Trực cho biết thêm, ở doanh nghiệp của ông, trước khi được tuyển dụng, người lao động được tuyên truyền, phổ biến rất rõ về các quy định này. Các vị trí chủ chốt cũng được tập huấn, đào tạo và thực hành thường xuyên về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Doanh nghiệp luôn xác định ngày càng phải nâng cao chất lượng sản phẩm và xuất khẩu ra nước ngoài. Và muốn bước vào các thị trường lớn, doanh nghiệp phải đáp ứng hai yêu cầu cơ bản. Đó là tìm hiểu luật lệ, luật chơi, đặc thù của thị trường, quốc gia đó và yêu cầu thứ hai là đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của nước họ cũng như của quốc tế. 

“Do đó, doanh nghiệp phải có biện pháp trang bị và nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng cho cán bộ, nhân viên trong công ty, trước hết là bộ phận chăm sóc khách hàng; thực hiện bảo hành hàng hóa, giải quyết khiếu nại, thông qua cán bộ chuyên trách pháp luật của doanh nghiệp hoặc sự giúp đỡ của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và của các hội bảo vệ người tiêu dùng”, ông Trực nói.

Sau khi xác định được tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp cần cụ thể hóa quy định của Nhà nước trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, coi đó như một công cụ cạnh tranh sắc bén và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng được biết.

“Chính sách của doanh nghiệp nên hướng tới các tiêu chí như cam kết thực hiện đúng các quy định pháp luật về thông tin, ghi nhãn, bảo đảm an toàn, cung cấp thông tin đầy đủ chính xác cho người tiêu dùng; cam kết sẵn sàng bảo hành và đổi lại hàng, trả lại tiền nếu hàng hóa dịch vụ không đảm bảo chất lượng như thông tin quảng cáo; cam kết giải quyết thỏa đáng các yêu cầu của khách hàng liên quan đến sản phẩm hàng hóa do mình cung cấp trong một khoảng thời gian cụ thể”, ông Trực đề xuất.

Anh Khâu Hải Nam, lãnh đạo một doanh nghiệp may mặc nhỏ và vừa tại Hà Đông (Hà Nội) thì cho rằng, ngoài nâng cao chất lượng hàng hóa xây dựng thương hiêu, doanh nghiệp cần tập trung vào việc tiếp nhận và xử lý các yêu cầu của người tiêu dùng theo cam kết của doanh nghiệp đã công bố với cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan truyền thông báo chí, cũng như các thông tin về sản phẩm và dịch vụ do doanh nghiệp đã công bố hoặc quảng cáo. Bộ phận này cũng nên tham gia đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng do Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương phát động.

Theo anh Nam, việc có được bộ phận chuyên trách thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một điều lý tưởng. Bởi lẽ, làm được như vậy doanh nghiệp sẽ giải đáp được các thắc mắc của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

"Thông qua bộ phận này, doanh nghiệp có thể khám phá nhu cầu tiềm ẩn của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa sản phẩm. Từ đó yêu cầu bộ phận nghiên cứu và phát triển cải tiến mẫu mã theo yêu cầu thị trường, nhằm thu hút thêm khách hàng tiềm năng, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp cần xác định các hội bảo vệ người tiêu dùng vừa là đối tác, cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, vừa tham gia phản biện để hoàn thiện các chính sách của doanh nghiệp. Do đó, cần mời các hội tham gia tư vấn và giúp đỡ", anh Nam nói.

Doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ người tiêu dùng? - 2

Doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu cần bắt đầu từ bảo vệ người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

Với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thực hiện chức năng tư vấn tiêu dùng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng là một kênh có khả năng tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, có sức cạnh tranh của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng. Các doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ với các hội trong việc tuyên truyền kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tư vấn hướng dẫn kiến thức tiêu dùng cho người tiêu dùng về ngành hàng của mình. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể phối hợp chặt chẽ với hội trong việc giải quyết các yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng.

Do vậy, không chỉ bản thân các doanh nghiệp, mà các cơ quan chức năng của Nhà nước cũng nên làm mạnh hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp làm ăn không chân chính, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. “Ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp thì vai trò của cơ quan Nhà nước là rất quan trọng. Chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được thực thi một cách hiệu quả nhất”, anh Nam nói.

Đề án "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng" giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng dựa trên những kế thừa và kết quả của giai đoạn 2018 - 2020, đồng thời hướng đến các mục tiêu dài hạn trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà Đảng và Nhà nước đã đạt trong những năm vừa qua.

Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) là đơn vị chủ trì.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khi đề án được triển khai thực hiện, không chỉ các doanh nghiệp tham gia đề án được hưởng lợi mà người tiêu dùng cũng như cộng đồng cũng sẽ có những lợi ích không nhỏ. Cụ thể, doanh nghiệp được tuyên truyền phổ biến về chương trình và bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp vì người tiêu dùng; được hướng dẫn, hỗ trợ điều chỉnh hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao thang điểm được đánh giá theo quy định tại bộ tiêu chí, từ đó doanh nghiệp được người tiêu dùng ghi nhận, tin tưởng.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn