Chỉ cần bỏ ra chút vốn là các quán giải khát vỉa hè với đủ loại thức uống từ mía đá, trà đá, trà chanh, nước trái cây giá “bình dân” có thể sống khỏe. Thế nhưng những dịch vụ giải khát kiểu này luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm bởi không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thực phẩm.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam.
Gọi là giải khát vỉa hè thì người nghe có thể hiểu ngay đây là những hàng quán nằm sát đường đi lại nơi có các phương tiện giao thông, con người qua lại thường xuyên. Những sản phẩm thực phẩm bày bán không bao gói trong điều kiện môi trường như vậy thì không thể đảm bảo vệ sinh.
Có nhiều loại nước giải khát vỉa hè được treo bảng biển là “sạch” như mía sạch, đá sạch, dừa sạch... Vậy tiêu chí nào để khẳng định đó là những sản phẩm giải khát sạch?
Đã gọi là đồ uống vỉa hè thì chắc chắn không thể sạch. Chỉ nói riêng về món nước mía, thậm chí cả những điểm bán nước mía được treo bảng “ nước mía siêu sạch” mà nhiều người lựa chọn để giải nhiệt cũng không thể nói là sạch được. Đơn giản như mía sau khi được cạo sạch lớp vỏ ngoài, rồi đựng cho vào một cái xô hoặc dựng vào một chỗ nào đó mà không có bất kỳ cái gì để che đậy.
Đương nhiên xe cộ đi lại bắn tung bụi bẩn, khói xe độc hại sẽ bám vào từng khúc mía. Đó là chưa nói đến việc trong quá trình ép mía cũng thực hiện giữa thanh thiên bạch nhật chẳng có gì che phủ máy ép nên nếu ai nói rằng nước mía được sản xuất trong điều kiện, môi trường như vậy mà gọi là sạch thì rõ ràng người ta đã quá lạm dụng từ sạch, đánh lừa người tiêu dùng.
Thành phần không thể thiếu cho nước mía là đá cũng chưa chắc chắn là đá sạch vì biết đâu nước để làm đá lại không phải là nước sạch. Còn với các loại nước trái cây khác từ nước mơ, nước dâu, nước sấu, chè đỗ đen, hay cả nước nhân trần, trà đá cũng đừng nghĩ rằng đã sạch vì môi trường không khí nhiều bụi bẩn, cộng với lượng xe cộ, người qua lại thường xuyên trong khi các hàng quán này nằm ngay vỉa hè thì không thể không tránh khỏi bụi bẩn.
Nhiều người cho rằng phần lớn các loại nước giải khát vỉa hè thường được pha từ phẩm màu, hương liệu, đường hóa học... Vậy các chất tạo màu, tạo mùi, tạo ngọt này có thể gây độc, gây các bệnh cho người sử dụng hay không, thưa bà?
Với các loại nước ngọt vỉa hè, với mục đích làm tăng lợi nhuận có thể người ta dùng các loại đường hóa học để pha chế. Chẳng hạn đường hóa học Acesulfame kali, Sucralose, Aspartame, hay Saccharin dù được cho phép sử dụng nhưng cũng chỉ ở một ngưỡng nhất định.
Tuy nhiên nhiều cở sở kinh doanh thấy rằng loại đường này giúp tạo độ ngọt gấp hàng trăm lần trong khi giá thành so với đường mía thấp hơn nhiều nên người ta sẵn sàng sử dụng để mang lại lợi nhuận cao hơn, bất chấp sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Hơn nữa nhiều người còn nghĩ rằng, đồ uống vỉa hè cũng không phải là thức uống thường xuyên nên vẫn vô tư sử dụng.
Ngoài ra với loại đường hóa học Sodium cyclamate - đây là chất không có trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng ở Việt Nam. Chất này đã được tìm thấy trong ô mai, xí muội , ảnh hưởng xấu đến gan, thận thậm chí gây ung thư nhưng không loại trừ người ta vẫn sử dụng cho các loại thực phẩm khác.
Với các loại nước pha chế từ các loại đường hóa học tôi cũng xin nhấn mạnh lại là những thứ này không có dinh dưỡng không tạo calo, năng lượng... Nếu trẻ em uống những sản phẩm này chắc chắn không làm bổ béo cho cơ thể mà còn có nguy cơ gây bệnh tật cho cơ thể.
Ngoài ra hiện nay rất nhiều loại nước uống có nhiều màu sắc quá đậm và có trường hợp dùng nhầm phẩm màu công nghiệp. Chính vì thế cách tốt nhất là không nên lựa chọn những sản phẩm nước uống có màu sắc quá lòe loẹt, bởi vì kể cả những phẩm màu cho phép cũng không bổ ích gì cho sức khỏe.
Thường gặp nhất đó là các bệnh lý về đường tiêu hóa như: đau bụng, tiêu chảy. Thực tế có những vụ ngộ độc thực phẩm do thực phẩm vỉa hè nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong, đó là chưa kể việc các loại hóa chất không rõ nguồn gốc, thậm chí độc hại cho sức khỏe người sử dụng về lâu dài có thể dẫn tới ung thư.
Theo thống kê của Chương trình phòng chống ung thư quốc gia, 35%- 40% bệnh ung thư có nguyên nhân do dùng thực phẩm không an toàn.
Bà có nói nước đá là một trong những thứ không thể thiếu trong các sản phẩm đồ uống vỉa hè. Tuy nhiên chỉ tính riêng ở Hà Nội hiện chỉ có hơn 40 cơ sở sản xuất nước đá tinh khiết đã công bố chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Với một số lượng như vậy liệu có đủ để đáp ứng cho một thị trường rộng lớn trên 6 triệu dân dùng hàng ngày trong những ngày hè nóng bức này hay không?
Tôi nghĩ là không. Những ngày nắng nóng đầu hè, nhu cầu sử dụng nước đá tăng đột biến từ các quán giải khát, cà phê, bia, quán nước vỉa hè đâu đâu cũng cần tới nước đá .
Trong khi tại nhiều quán trà đá, quán cóc mà đặc biệt là ở xung quanh bến xe sử dụng rất ít đá viên tinh khiết mà đa số dùng đá cây đập vụn cho vào hộp xốp bảo quản. Theo quy định những loại đá cây này chỉ được dùng để ướp thực phẩm.
Với những người bán thì dùng tay trần bốc đá cho vào cốc còn người mua vô tư uống mà không quan tâm đến vệ sinh, miễn làm sao cho thỏa cơn khát. Rõ ràng trong điều kiện như vậy cả đá và cả thức uống để không đảm bảo vệ sinh và nguy cơ mắc các bệnh đường ruột là điều khó tránh khỏi.
Trong thời điểm mùa hè oi bức nhu cầu giải nhiệt tăng cao người dân cần làm thế nào để bảo vệ sức khỏe trước những nguy cơ từ các thực phẩm không an toàn. Có nhất thiết phải mang nước của gia đình đi theo để sử dụng hay không, nhất là với trẻ nhỏ, cha mẹ có cần phải cho trẻ mang theo nước của mình đến trường hay không?
Nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm đường phố, nhất là ăn uống tại các hàng quán vỉa hè. Với trẻ nhỏ, nếu như nhà trường không có nước tinh lọc đảm bảo an toàn thì cha mẹ cũng nên cho trẻ mang theo theo nước uống khi đi học.
Với người lớn cũng đừng nên quá dễ dãi trong việc lựa chọn các thức ăn, đồ uống vỉa hè vì nguy cơ ngộ độc thực phẩm là với tất cả mọi người. Trong thời điểm mua hè oi bức, tốt nhất nên lựa chọn cho mình cách giải nhiệt an toàn, chẳng hạn đi một quãng đường xa có thể chuẩn bị sẵn một bình nước mơ muối, chanh muối...
Các loại đồ uống này không chỉ giúp giải khát trong những ngày nắng nóng mà còn bổ sung lượng muối đã mất do ra nhiều mồ hôi, rất tốt cho cơ thể.
Theo SK&ATTP
Bình luận