Sự bùng phát dịch Covid-19 giết chết hơn 1.300 người và khóa chặt thành phố trung tâm của Trung Quốc đã khiến hàng ngàn người nước ngoài bị mắc kẹt trong bối cảnh chính quyền áp đặt các biện pháp kiểm dịch chưa từng có.
“Chúng tôi muốn quay về nhà. Chúng tôi không thể chịu đựng hơn được nữa”, - Gaurab Pokhrel, một sinh viên người Nepal theo học chương trình tiến sĩ ở Vũ Hán và là 1 trong số 200 người từ đất nước này chưa được đưa về nước.
Anh cho biết thực phẩm đang thiếu dần và sinh viên nước ngoài phải mua tranh với người dân địa phương tại số ít những cửa hàng còn mở cửa.
Tính đến ngày 10/2, 27 người nước ngoài ở Trung Quốc đã bị nhiễm virus, 22 người trong số họ đang bị cách ly – các quan chức cho biết. 2 trong số đó đã chết – 1 người Mỹ và 1 người Nhật Bản.
Trong khi nhiều người đã được đưa trở về nước trên những chuyến bay do chính phủ của họ thuê, thì một nhóm người khác kém may mắn hơn vẫn đang ở lại Vũ Hán, thích nghi với cuộc sống hoặc tìm cách thoát ra.
Họ chia sẻ với AFP về hoàn cảnh của họ thông qua điện thoại, email, tin nhắn văn bản và mạng xã hội.
Ruqia Shaikh, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ người Pakistan mắc kẹt tại Đại học Kinh tế và Luật Trung Nam của Vũ Hán, cho biết hầu hết sinh viên trong trường đều ở trong ký túc xá và xem tivi.
Cô cho biết trường đại học đang cung cấp cho sinh viên các mặt hàng thiết yếu, nhưng với giá gấp đôi bình thường.
“Chúng tôi chán ăn cùng một loại thực phẩm – cơm và rau luộc – hết bữa này đến bữa khác. Hoạt động thể chất duy nhất chúng tôi có là đi dạo trên sân thượng và điều đó khiến chúng tôi có nguy cơ gặp nguy hiểm”, - Shaikh cho biết.
“Tuần trước tôi đã đến Walmart. Đó là lần đầu tiên tôi đi ra ngoài trong nhiều tuần. Thật đáng sợ. Kể từ khi về đến ký túc xá, tôi đã đếm từng ngày cho đến khi tôi chắc chắn rằng mình có nhiễm virus”, - cô kể lại.
Không có kế hoạch được đưa về nước
Shaikh cho biết thêm rằng, mặc dù nhiều sinh viên Pakistan muốn về nước, nhưng họ cũng lo lắng về những điều đang chờ họ khi trở về nước.
“Chúng tôi lo lắng không biết chính quyền sẽ đối xử với chúng tôi như thế nào khi chúng tôi quay trở lại Pakistan – một số sinh viên đã về nước nói với chúng tôi rằng họ được đối xử không được tốt lắm”, - cô nói.
Chính quyền Pakistan cho biết hơn 500 sinh viên từ nước này đang ở Vũ Hán, nhưng họ chưa công bố bất kỳ kế hoạch nào về nỗ lực đưa công dân về nước.
Không giống như nhiều quốc gia, Islamabad vẫn duy trì các chuyến bay đến và đi từ các thành phố khác ở Trung Quốc. Bộ Y tế nước này đảm bảo rằng, tất cả các hành khách đều được sàng lọc, kiểm tra kỹ càng khi hạ cánh ở Pakistan.
Yemen cũng không có kế hoạch đưa 115 công dân của mình ra khỏi thành phố bị nhiễm virus.
Fahd al-Tawili, một người Yemen 31 tuổi đang bị cách ly tại Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc, cho biết anh đang rất hoang mang.
“Mọi người đang được sơ tán trừ chúng tôi. Mới đây nhất là những người Sudan. Khi chúng tôi được phép ra ngoài, số ít những cửa hàng còn mở cửa rất đông người và chúng tôi phải xếp hàng chờ đợi trong một thời gian dài để mua những mặt hàng khan hiếm”, - al-Tawili nói.
Al-Tawili cho biết chính phủ Yemen không nghe thấy những lời cầu khẩn của họ, trong khi viện trợ tài chính đã hứa với những người có học bổng lại không được gửi đi.
Một sinh viên Yemen khác, 23 tuổi, học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, cho biết sinh viên đang sống trong “nỗi hoang mang vì lo sợ bị lây nhiễm”.
Bangladesh tuần trước đưa 312 người, chủ yếu là sinh viên, về nước và đã lên kế hoạch chuyến bay thứ hai cho 171 người khác cho đến khi các phi công của hãng hàng không quốc gia Biman từ chối bay vì sợ bị nhiễm virus.
“Không có phi hành đoàn nào muốn đến đó. Các phi hành đoàn từng đến đó trước đó cũng không muốn đi”, - Bộ trưởng Ngoại giao AK Abdul Momen trả lời báo giới hôm 8/2.
Ông nói rằng chính phủ đang cố gắng thuê một chuyến bay do Trung Quốc điều hành, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công.
Pháp còn để lại một nhóm từ 30 đến 50 công dân ở Vũ Hán sau khi đưa về nước hàng trăm người trên 3 chuyến bay trước đó.
Tổng lãnh sự Pháp tại thành phố này, ông Olivier Guyonvarch, cho biết còn một số người muốn rời đi, nhưng Paris không có kế hoạch gửi một chiếc máy bay khác đến.
“Chúng tôi không có cách nào để đưa các bạn ra ngoài”, - ông Guyonvarch kể lại những gì ông đã nói với họ.
Những người khác lại chọn cách ở lại trong nhà để giảm thiểu rủi ro nhiễm virus khi ra ngoài.
Công dân người Australia Edwin Reese cho biết vợ anh đang ở trong thành phố và anh không muốn cô rời đi.
Video: Cuộc sống ở Vũ Hán sau 2 tuần bị phong tỏa.
“Nếu cô ấy ở lại nơi cô ấy ở, họ có một khu vườn nhỏ với trái cây và rau quả ... mọi thứ mà họ cần. Tại sao họ lại phải ra ngoài đường và đặt mình vào tình thế nguy hiểm? Chỉ có điên mới làm điều đó”, - anh nói.
Bình luận