Theo báo cáo được công bố hôm 11/2, ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh mối liên hệ giữa Covid-19 (nCoV) và các virus corona được tìm thấy ở dơi, cụ thể là các loài dơi lá mũi. Loài dơi này sống tập trung ở phía Nam Trung Quốc, châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Ngoài ra, các nghiên cứu huyết thanh học được thực hiện trên một số người dân vùng nông thôn sống gần môi trường sống tự nhiên của dơi cho thấy tỷ lệ dương tính với virus corona trên dơi là 2,9%. Con số này cho thấy rủi ro lây nhiễm virus corona trên dơi với con người.
Tuy nhiên, một điểm rõ ràng trong báo cáo của WHO là họ vẫn chưa thể tìm ra con đường lây truyền Covid-19 sang người kể từ khi đợt dịch bùng phát.
Dơi hiếm khi được bán tại các chợ Trung Quốc nhưng được săn lùng và bán trực tiếp cho các cửa hàng. Theo WHO, giả thuyết có khả năng nhất hiện nay là một động vật trung gian đóng vai trò lây truyền Covid-2019 sang người.
Các chuyên gia đang cố gắng xác định loại động vật này để ngăn chặn các đợt bùng phát tương tự trong tương lai với cùng một loại virus. Điều này cũng giúp tăng hiểu biết về virus cũng như cách thức chúng lây truyền từ động vật sang người, qua đó cung cấp kiến thức để mỗi người tự bảo vệ mình.
Dịch SARS được cho là bắt nguồn từ dơi, sau đó truyền qua động vật trung gian là cầy hương sang người năm 2002-2003. Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu Chia sẻ Dữ liệu Cúm (GISAID) chỉ ra bộ gene Covid-19 (nCoV) giống 80% với virus SARS nhưng khác hẳn với virus MERS.
Bình luận