Liên quan đến việc UBND xã Cẩm Yên (huyện Thạch Thất, Hà Nội) chặt toàn bộ cây xanh hai bên đường liên thôn trong đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, PGS.TS Đặng Văn Hà – Phó viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất (Đại học Lâm nghiệp) đã có những chia sẻ với PV VTC News.
- Mấy ngày nay, dư luận xôn xao về việc chính quyền xã Cẩm Yên chặt toàn bộ cây xanh của người dân trồng ven đường liên thôn với lý do để thông thoáng vỉa hè? Quan điểm của ông về việc làm này?
Theo tôi, việc dẹp vỉa hè và chặt cây xanh là 2 chuyện khác nhau. Tôi không đồng ý với cách làm này của chính quyền xã Cẩm Yên. Chính quyền quyết liệt trong dẹp vỉa hè, lấy lại sự công bằng cho người tham gia giao thông là đúng nhưng việc chặt hàng chục cây xanh vì cho rằng đó là lấn chiếm vỉa hè thì không được.
Hầu hết khi trồng cây trên vỉa hè người ta đều xây bồn để bảo vệ cây. Nếu nói lý do là dân xây bồn cây lấn chiếm vỉa hè, gây cản trở giao thông thì ở trung tâm thành phố Hà Nội cây trên vỉa hè sẽ bị chặt hết.
Trong quá trình dẹp vỉa hè, cơ quan chức năng có thể phá bỏ những công trình lấn chiếm diện tích vỉa hè hoặc thu giữ hàng hóa người dân bày ra buôn bán trên vỉa hè. Còn ở xã này, người dân trồng cây xanh để lấy bóng mát, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Trong khi đó, người dân tự trồng cây xanh cũng giúp Nhà nước bớt được một số tiền.
Hiện nay, Nhà nước cũng khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia quy hoạch trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ cây xanh đô thị. Nhà nước cũng có trách nhiệm đầu tư, phát triển cây xanh công cộng nhằm mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng.
- Vậy trong trường hợp này, chính quyền xã cần có cách làm thế nào để không gây bức xúc cho người dân?
Theo tôi, chính quyền xã rất lạ trong việc thực hiện quá máy móc chiến dịch dẹp vỉa hè. Ở đâu cũng vậy, vỉa hè cần có bóng mát và tạo cảnh quan đô thị, đó là nhu cầu của người dân.
Người dân trồng cái cây hơn chục năm nay lại bảo người ta lấn chiếm vỉa hè. Nếu bây giờ chính quyền bảo dân trồng là để lấn chiếm vỉa hè, vậy sau khi chặt đi chính quyền có biện pháp trồng cây xanh để phục vụ cuộc sống của người dân không?
Nếu mà ở đâu cũng vậy thì cả nước này, những cây trên vỉa hè sẽ bị chặt gần hết.
PGS.TS Đặng Văn Hà
Còn chính quyền kiên quyết cho đó là vi phạm, lấn chiếm thì vấn đề này xuất phát từ việc buông lỏng quản lý, không chấn chỉnh ngay từ đầu.
Chắc ở đất nước này chỉ có mỗi xã này làm thế thôi. Nếu mà ở đâu cũng vậy thì cả nước này, những cây trên vỉa hè sẽ bị chặt gần hết.
Tôi cũng xin nói thêm, nếu chính quyền xã muốn chặt cây, ngoài việc phải tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến của người dân, chính quyền xã cũng cần xin phép và phải được cấp giấy phép, vì trong Nghị định 64 của Chính phủ đã quy định rất rõ, nếu vi phạm có thể bị xử phạt.
- Như vậy, chính quyền tự ý chặt cây xanh khi chưa xin phép cơ quan quản lý Nhà nước về cây xanh đô thị có thể vi phạm pháp luật?
Tôi nhận thấy việc chặt hạ này có dấu hiệu vi phạm luật pháp, cụ thể là vi phạm Nghị định số 64/2010/NĐ-CP, ngày 11/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ nhất, vi phạm về điều kiện được phép chặt hạ cây xanh: Điều 14 quy định 3 trường hợp được chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị, bao gồm: Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.
Đặc biệt, cây xanh không ảnh hưởng đến hệ thống điện và một số hệ thống ngầm khác thì không được chặt.
Thứ hai, vi phạm quy trình, thủ tục chặt hạ: Khoản 4, Điều 14 ghi rõ, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị bao gồm: Đơn đề nghị nêu rõ vị trí chặt hạ, dịch chuyển; Kích thước, loại cây và lý do cần chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị; Sơ đồ vị trí cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển; Ảnh chụp hiện trạng cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển.
Xin cảm ơn ông!
Video: Hàng loạt cây xanh ở Hà Nội mới trồng đã chết khô
Bình luận