• Zalo

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines tức giận khi các nước lên tiếng về Biển Đông

Tin tức Biển ĐôngThứ Năm, 25/03/2021 21:44:01 +07:00Google News
(VTC News) -

Đại sứ quán Trung Quốc chỉ trích các đại sứ nước ngoài tại Philippines vì đã lên tiếng về Biển Đông và cáo buộc những gì họ nêu là "sai trái".

Châu Âu, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh là những nước mới nhất bày tỏ quan ngại về việc bùng phát căng thẳng ở Biển Đông, gia tăng sức ép đối với các hành động gần đây của Trung Quốc trong khu vực biển này.

Các nước đưa ra tuyên bố quan ngại chỉ vài ngày sau khi Mỹ, Australia và Nhật Bản cáo buộc "các hành động gây bất ổn" có thể phá hoại hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines tức giận khi các nước lên tiếng về Biển Đông - 1

Hình ảnh cho thấy tàu Trung Quốc ở rạn đá Ba Đầu ở Biển Đông ngày 7/3. (Ảnh: EPA)

Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông do sự hiện diện liên tục của hàng trăm tàu Trung Quốc gần đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái khiến các chuyên gia cảnh báo rằng đây có thể là "khúc dạo đầu" cho việc Trung Quốc chiếm đóng một thực thể hàng hải khác ở Biển Đông.

Philippines sau khi phát hiện sự lai vãng của các tàu Trung Quốc ngày 7/3 đã gửi công hàm phản đối. Cơ quan chức trách Philippines tin rằng các tàu cá Trung Quốc do lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc điều khiển, hiện diện liên tục trong khu vực và không có dấu hiệu của “hoạt động đánh bắt cá thực sự”.

Hôm 25/3, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Philippines Luc Vernon nhấn mạnh rằng khối này "không thể cho phép các nước đơn phương phá hoại" pháp quyền ở Biển Đông.

"Tại cuộc gặp Bộ trưởng EU-ASEAN, ông Josep Borell đã nói 'Chúng tôi không thể cho phép các nước đơn phương phá hoại luật pháp quốc tế và an ninh hàng hải ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển hòa bình của khu vực'. EU ủng hộ trật tự dựa trên quy tắc UNCLOS", ông Vernon trích dẫn ông Borell, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU.

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách châu Á Nigel Adams cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự trong cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr, nói rằng Vương quốc Anh chia sẻ những quan ngại của Philippines ở Biển Đông, "bao gồm cả những hành động làm gia tăng căng thẳng ở đó".

Đại sứ Canada tại Philippines Peter MacArthur cho biết: “Canada phản đối các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả ngoài khơi Philippines, làm leo thang căng thẳng và phá hoại sự ổn định của khu vực cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines (DFA), New Zealand cũng kêu gọi duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông trong cuộc họp với các thành viên ASEAN.

Bên cạnh đó, New Zealand kêu gọi các bên tự kiềm chế, hợp tác để xây dựng lòng tin trong khu vực, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Trung Quốc cáo buộc các nhà ngoại giao đưa ra "bình luận vô trách nhiệm" và nêu "sự thật sai trái".

Nước này khẳng định hàng trăm tàu cá gần đá Ba Đầu là đang ở trong khu vực "trú ẩn" trước điều kiện biển động và tiếp tục phủ nhận sự tồn tại của lực lượng dân quân hàng hải.

Trả lời câu hỏi của phóng viên yêu cầu bình luận về sự xuất hiện của tàu Trung Quốc tại khu vực đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thời gian gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Cần phải nhắc lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia biển và là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập bởi Công ước".

Bà Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về Ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực", người phát ngôn nói thêm.

Phương Anh(Nguồn: Rappler)
Bình luận
vtcnews.vn