• Zalo

Tàu Trung Quốc neo ở đá Ba Đầu không đánh bắt cá

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 26/03/2021 19:01:40 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo một báo cáo phân tích từ các ảnh vệ tinh, hơn 200 tàu Trung Quốc đã đến khu vực đã Ba Đầu từ tháng 12 năm ngoái và không đánh bắt cá.

Simularity, công ty có trụ sở tại Mỹ đăng các hình ảnh vệ tinh cho thấy một số lượng lớn tàu cá Trung Quốc đã “neo đậu, đến và đi” trong khu vực bãi Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Năm từ giữa tháng 12/2020.

“Trong khoảng 23-24/3/2021, Simularity đếm được khoảng 200 tàu tại đá Ba Đầu, trong số đó phần lớn có thể là tàu cá, một số có thể là tàu hải cảnh Trung Quốc”, theo báo cáo dài 20 trang của công ty.

Tàu Trung Quốc neo ở đá Ba Đầu không đánh bắt cá - 1
Tàu Trung Quốc neo ở đá Ba Đầu không đánh bắt cá - 2
Tàu Trung Quốc neo ở đá Ba Đầu không đánh bắt cá - 3

Các hình ảnh vệ tinh được công ty phần mềm Mỹ sử dụng. (Ảnh: Philippines Star)

Công ty phần mềm này kiểm tra hình ảnh vệ tinh mới tại Biển Đông mỗi tuần, ghi lại các động thái quan sát được của tàu Trung Quốc. Theo đó, những hình ảnh vệ tinh từ 12/2020 cho thấy các tàu Trung Quốc neo đậu sát nhau, kéo thành hàng dài đến 200m, nên việc đánh cá là bất khả thi.

“Số tàu neo đậu giảm nhẹ đầu tháng 2, nhưng số tàu ra vào khu vực vẫn khá đáng kể”, theo Simularity.

Hôm 21/3, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. gửi công hàm phản đối Trung Quốc sau khi nước này xác nhận 220 tàu Trung Quốc, được cho là tàu dân quân, xuất hiện ở đá Ba Đầu ngày 7/3.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines dù vậy khăng khăng rằng các tàu này chỉ “trú tạm” vì biển động và không có tàu dân quân nào tham gia cả.

Bộ Ngoại giao Philippines vài ngày sau ra tuyên bố kêu gọi Bắc Kinh rút các tàu khỏi khu vực.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về Ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia biển và là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập bởi Công ước.

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết. 

Phương Anh(Nguồn: Phil Star Global)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp