• Zalo

Đại gia đình "người rừng" và chuyện lạ về một bản chỉ có 3 hộ

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 10/07/2015 06:43:00 +07:00Google News

Họ sống hoàn toàn biệt lập giữa rừng già, ít giao du với thế giới xung quanh và điều đặc biệt thú vị, là họ có tập tục mua đàn ông về làm chồng.

(VTC News) - Họ sống hoàn toàn biệt lập giữa rừng già, ít giao du với thế giới xung quanh và điều đặc biệt thú vị, là họ có tập tục mua đàn ông về làm chồng.


Kỳ 1: Đi tìm bản chỉ có 3 ngôi nhà

Giang Chí là đỉnh núi cao gần 2.000m, cao nhất của tỉnh Tuyên Quang. Đứng ở bến đò hồ thủy điện Na Hang thuộc xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình), nhìn thấy đỉnh Giang Chí ẩn hiện trong mây mờ, lấp ló phía sau những dãy núi hùng vĩ. Trên đỉnh Giang Chí, từng có một bản người Dao, sinh sống ở đó mấy trăm năm.

Những người Dao di cư từ Hà Giang sang từ nhiều đời trước và sống cuộc sống cô lập giữa rừng. Chính quyền đã giúp họ hạ sơn từ mấy năm nay, nhưng vài gia đình đã quay lại vì không quen với cuộc sống nóng nực ở vùng thấp. Họ đã quen hưởng thụ khí hậu mát mẻ của mùa hè và thích thú với cảnh tượng băng tuyết mùa đông.

Sau một ngày cuốc bộ ròng rã từ phía xã Sinh Long (thuộc huyện Na Hang), tôi và thợ săn Nông Văn Huy (người bản Nà Tông, xã Thượng Lâm, Lâm Bình), cũng chinh phục thành công đỉnh Giang Chí, nơi ít người đến được, kể cả cán bộ của huyện, xã. Trên đỉnh núi mờ sương, chỉ còn lại vài nóc nhà, vài người già sinh sống.

Bản Nậm Thuổng chỉ có 3 nóc nhà 

Sau một ngày ở lại đỉnh Giang Chí thăm thú, thì tôi đề xuất đi một hướng khác để về huyện Lâm Bình. Thầy cúng Lý Thức Tình, người Dao dắt tôi và anh Nông Văn Huy ra vách núi rồi chỉ về phía tây, nơi có những mỏm núi thấp hơn, được bao bọc bởi màu xanh thẫm của đại ngàn nghiến. Thầy cúng Tình kể nhiều chuyện ly kỳ về lối đi ấy.

Nơi đó, có những thung lũng hoa gạo đẹp mê hồn, có những cây nghiến ngàn tuổi cỡ chục người ôm, những hang đá chứa hàng vạn con dơi mà dân bản Giang Chí ăn chán chê không hết… Thậm chí, vừa đi vừa nghe tiếng vượn hót trên đầu, cũng có thể chạm mặt hổ - loài mãnh chúa rừng xanh thi thoảng vẫn "à uôm" vang từ phía dưới lên tận đỉnh Giang Chí mờ sương.

Vốn thích khám phá những con đường mới, nên tôi đề xuất đi hướng này. Thầy cúng Lý Thức Tình bảo, cứ đi từ sáng đến trưa, thì sẽ đến bản Nậm Thuổng, nơi có mấy hộ gia đình sinh sống, cứ ở đó ăn nghỉ nhờ, rồi hỏi đường đi tiếp.

Gà, lợn ở Nậm Thuổng chẳng khác gì thú rừng 

Anh Nông Văn Huy, vốn là thợ săn, từng lang bạt khắp đại ngàn Lâm Bình, Na Hang săn thú, rồi sau này bỏ cung nỏ thành người của dự án bảo tồn loài voọc quý bảo: "Tôi đi khắp các cánh rừng, trèo lên hầu hết đỉnh núi Lâm Bình, sao chưa nghe thấy cái tên bản Nậm Thuổng bao giờ? Mà dưới kia chỉ toàn rừng rậm, đường đi chẳng có, sao lại có người ở?".

Thầy cúng Lý Thức Tình bảo: "Bản Nậm Thuổng là có đấy. Cái bản đó vốn có cùng thời với bản Giang Chí, nhưng rồi dân cư ở đó cứ teo tóp dần đi. Có gia đình bị bệnh chết cả nhà, có gia đình bị cọp dữ ăn thịt không còn ai, có nhà thì di cư đi nơi khác, nên giờ chỉ còn vài hộ sinh sống thôi. Ngay cả cán bộ có khi còn không biết đến sự tồn tại của họ đâu. Cậu cứ theo lối mòn mà đi, đến thung lũng có những cây hoa gạo khổng lồ, thì đến chỗ họ ở".

Đi với anh Nông Văn Huy, người có 30 năm lần lục trong những cánh rừng nghiến khổng lồ, sẽ không sợ bị lạc, nên tôi háo hức lên đường. Cuốc bộ liên tục trên những vách đá tai mèo từ tờ mờ sáng, đến khi mặt trời đứng bóng, đưa ánh sáng xuyên qua kẽ lá ken dày của đại ngàn, thì một thung lũng hiện ra giữa những quả núi sừng sững.

Thung lũng Nậm Thuổng 

Thung lũng ấy vốn trồng ngô, đã được thu hoạch, chỉ còn trơ gốc. Như vậy là có dấu hiệu của sự sống giữa đại ngàn âm u mênh mang tưởng như chẳng có dấu chân người. Xung quang thung lũng có những cây gạo khổng lồ trổ hoa đỏ rực cả một vạt rừng. Theo như mô tả của thầy cúng Lý Thức Tình, thì đây chính xác là bản Nậm Thuổng.

Đi xuyên qua thung lũng, thì gặp một cái bẫy kỳ lạ: Những cái cọc được cắm lộn xộn xung quanh một vạt đất được đào bới. Cây luồng khá lớn được cắm xiên xuống lòng đất. Tôi nghĩ mãi không hiểu đây là thứ gì, thì anh Huy mới giải thích đó chính là bẫy bắt rắn.

Rắn hổ chúa ở rừng Lâm Bình rất nhiều, có những con to bằng bắp chân, nặng đến 20kg. Chúng ở trong những cái hang rất sâu, có thể đến cả chục mét, xuyên vào trong lòng núi. Thông thường, đó là hang do dúi, tê tê, don, nhím… đào xuyên lung tung, thông với nhau thành một hệ thống rất phức tạp.

Bẫy rắn hổ chúa 

Để đào được hết hang, bắt được con rắn, sẽ rất vất vả, nên người ta đã nghĩ ra kiểu bẫy này. Khi xác định trong hang có rắn, thì họ chỉ cần bịt tất cả các ngóc ngách lại, rồi lấy đoạn luồng đã đục thủng các vách ngăn chọc sâu vào miệng hang. Khi con rắn đói, mò ra, chui vào ống luồng thì bị nhốt luôn.

Thời gian con rắn chui ra khỏi hang có thể kéo dài đến cả tháng, thậm chí là cả mùa đông. Những chiếc cọc được cắm xung quanh, là để các loại thú không húc bật ống luồng khỏi miệng hang. Cách chỗ bẫy rắn không xa, là đống tro tàn nguội lạnh, xung quanh vương vãi xương rắn và cái đầu rắn to tướng thối rữa. Như vậy, đã có một con rắn lớn bị tóm và bị nướng ăn tại chỗ.

Đi xuyên qua thung lũng, thì lối đi bị chặn bởi hàng rào xếp bằng luồng. Trèo qua hàng rào chặn thú rừng và vật nuôi ấy, là bản Nậm Thuổng như lời tả ông thầy cúng Lý Thức Tình sống trên đỉnh Giang Chí. Bản Nậm Thuổng nằm dưới thung lũng, có cả cây mận, cây mơ, nhưng chỉ có 3 nóc nhà túm tụm vào nhau.

Nhà cửa cũ kỹ, rêu mốc 

Những ngôi nhà bằng gỗ, mái cũng lợp gỗ rêu mốc, phủ cỏ gianh bên trên nằm im lìm giữa đại ngàn, bao quanh bởi những cây cổ thụ rợp bóng. Lợn, gà chạy long nhong khắp thung lũng, ủi đất thành đống lớn, đống bé. Loài gà sống giữa rừng nhìn khá lạ mắt, có túm lông mọc ở chân. Lợn thì mõm dài, nhe nanh và lông rậm như lợn rừng.

Giữa sân nhà là một con dốc thoai thoải. Mấy đứa trẻ con ngồi trên chiếc "xe hơi" bằng gỗ, rồi trượt vèo vèo trên con dốc. Xe lao mạnh quá, đâm vào gốc cây, ngã lộn tùng phèo, nhưng bọn trẻ vẫn chẳng hề hấn gì, cười như pháo rang. Xe chạy hết dốc, chúng lại khênh xe lên đầu dốc rồi lại thả. Đầu chiếc xe còn có cả móc buộc dây thừng, mà theo chúng thì để buộc vào trâu, kéo đi dọc nương ngô.

Cây báng dùng để nấu rượu mọc rất nhiều ở Nậm Thuổng 

Mặt trời buổi trưa rực rỡ, nhưng trong nhà tối om. Bước chân vào trong nhà, mắt chưa quen với bóng tối, nên nhìn cái gì cũng nhờ nhờ. Phía góc bếp là một người đàn ông mặt mũi nhem nhuốc, nhưng có làn da trắng, ngồi bất động bên bếp lửa, thi thoảng lại châm thuốc lào rít mạnh phát ra tiếng "ọc ọc" rất dài.

Thấy người lạ vào nhà, người đàn ông này nở nụ cười rất tươi, rồi tiếp tục châm thuốc lào hút, mặc kệ người lạ. Ngồi nói chuyện với anh ta, thì cứ mỗi phút anh ta lại châm thuốc lào hút một lần. Anh Nông Văn Huy nói tiếng Dao, thì anh chàng này lại nói tiếng Kinh, dù chữ được chữ mất. Hóa ra, anh ta ít nói, có lẽ ít gặp người lạ, chứ không phải không biết tiếng.

Hỏi tên, thì anh ta xưng là Hoàng Cằn U, hỏi tuổi mới biết sinh năm 1986, đã có 3 con, con lớn năm nay đã 12 tuổi.

Cả ngày Hoàng Cằn U ngồi uống rượu và hút thuốc lào 

Chưa kịp hỏi han gì nhiều, Hoàng Cằn U đã rót cho mỗi vị khách một bát sành rượu và đề nghị uống hết. Uống xong, U lại rót tiếp và lại chạm bát. Khách từ chối, thì U uống một mình. Hoàng Cằn U bảo, đây là rượu U tự nấu. Thứ rượu ấy nồng nồng, rất khó uống.

Anh Huy bảo, đó là rượu báng, được nấu từ lõi cây báng, trông như cây cau, nhưng thân to hơn người ôm. Họ còn có cách tạo rượu rất thú vị từ cây báng mà không cần nấu. Chỉ cần đục một cái lỗ xuyên vào ngọn cây, đến tận lõi, rồi đổ men vào. Lõi cây báng sẽ rữa ra, lên men, tạo ra rượu. Người ta hứng rượu rỉ ra từ thân cây và uống luôn.

Còn tiếp…


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn