• Zalo

Đại biểu Quốc hội: Cứ nói khơi khơi nước mắm có thạch tín thì ai cũng sợ

Kinh tếThứ Sáu, 21/10/2016 18:37:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, việc nói chung chung về hàm lượng thạch tín trong nước mắm khiến người dân cảm thấy lo lắng, sợ hãi vì không phải ai cũng hiểu cụ thể như những nhà khoa học.

Xung quanh vụ công bố 67% nước mắm có arsen tổng (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép đang gây nhiều ý kiến trái chiều, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đã nêu quan điểm về vấn đề này.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) khi có thông tin cần bàn bạc thống nhất, gửi thông tin đến các cơ quan chức năng. Sau đó, nếu Hội này có phát ngôn thì phải rất thận trọng, phản ánh đúng sự thật.

pham khanh phong lan

 

- Bản thân bà và gia đình đang dùng nước mắm truyền thống hay nước mắm công nghiệp?

Thực sự mà nói, cá nhân tôi vẫn ủng hộ nước mắm truyền thống hơn nước mắm công nghiệp. Khi xã hội tiến đến hiện đại hóa, công nghiệp hóa, thì rõ ràng sản xuất công nghiệp đôi khi chiếm ưu thế hơn.

Sản xuất công nghiệp có lợi thế về thời gian, chi phí để có thể tiếp cận đến người tiêu dùng với giá rẻ nhất, chắc chắn khi làm thủ công thì giá thành không thể cạnh tranh được.

Bản thân nước nắm truyền thống cũng đã có quy chuẩn hóa. Trên nhãn hiệu cũng nêu nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nguyên liệu, thành phần.

Vì thế, đừng vì cạnh tranh không lành mạnh, kết luận vội vàng có thể "giết chết" ngành truyền thống của nước nhà khi mà nước ta quá nổi tiếng về sản xuất nước mắm. Đối với sản phẩm xuất khẩu là nước mắm truyền thống, chứ đâu phải là nước mắm công nghiệp.

Nếu giờ không ăn nước mắm thì ăn gì. Tôi khẳng định, tôi không sợ. Tôi vẫn ăn nước mắm truyền thống như thường.

Còn chuyện những cơ sở sản xuất thủ công có đảm bảo đúng quy trình truyền thống, chất lượng không thì đấy là ý thức của người sản xuất và phải có sự kiểm soát của cơ quan quản lý.

Video: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bác bỏ thông tin của Vinastas về nước mắm

- Phải chăng kết luận của Vinastas như vừa qua là vừa chung chung và vội vàng?

Chúng ta phải có sự hài hòa. Tôi cho rằng sẽ vội vàng nếu như chúng ta đánh giá hàm lượng arsen tổng để bảo rằng nước mắm truyền thống độc hại. Điều đó là chưa đúng.

Việc xới lên sự việc vừa rồi cũng là một sự kiện, cú hích để đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước là Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phải có động thái quyết liệt, có câu trả lời chính thức nhanh hơn để cho người dân an tâm, biết sử dụng sản phẩm nào an toàn.

nuoc mam

 Nước mắm được đánh giá là "ông hoàng bà chúa" trên mâm cơm người Việt  

 
Còn cứ nói khơi khơi theo Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng đưa ra, nghe đến ai cũng sợ

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

Còn cứ nói khơi khơi theo Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng đưa ra, nghe đến ai cũng sợ. Trong giới làm khoa học, người ta mới hiểu. Thạch tín cũng có 5 - 6 loại, có loại cho phép, có loại không cho phép.

- Việc các Vinastast khảo sát và đưa ra kết luận chung chung như thế có đáng tin không, thưa bà?

Tôi cho rằng, người dân phải hết sức thận trọng. Tôi khẳng định lại, mẫu trên thị trường có rất nhiều, không chỉ cơ quan Nhà nước mà các cá nhân khi cảm thấy lo ngại thì có thể mua sản phẩm, đem đến một trung tâm, đơn vị có chức năng kiểm nghiệm để phân tích.

Nhưng khi có kết quả, trên các mẫu đều chú thích là chỉ có giá trị cho mẫu gửi mà không có giá trị chung cho toàn bộ.

Ở phía cơ quan quản lý Nhà nước, nếu chúng tôi lấy mẫu thì có sự khách quan hơn. Nếu như cá nhân, đơn vị lấy mẫu thì không loại trừ khả năng có đối thủ cạnh tranh, tác động.

Chỉ cơ quan quản lý Nhà nước được giao nhiệm vụ thì qua quá trình lấy mẫu trên thị trường sẽ lấy mẫu khách quan. Khi mẫu không đạt chất lượng thì phải lấy thêm một số mẫu cần thiết theo đúng tiêu chuẩn khoa học.

Nếu chỉ lấy mẫu trên một vài sản phẩm của đơn vị sản xuất thì chỉ có tác dụng trên một số mẫu đó thôi.

Chưa kể trong trường hợp xét nghiệm nước mắm mà kết luận như thế là quá vội vàng.

Video: Nước mắm có thạch tín: Độc hay không độc

- Trong trường hợp này, bà có lời khuyên gì cho người tiêu dùng?    

Tôi khẳng định là phương tiện thông tin hiện đại hơn trước đây nên chỉ cần một số vụ việc thì thông tin đến cộng đồng rất nhanh. Việc lo ngại cho sức khỏe của mình, gia đình, cộng đồng, xã hội là rất chính đáng.

Ở đây, ai cũng hiểu, bên cạnh một số người táng tận lương tâm, người ta trộn chất cấm, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vì lợi nhuận thì vẫn còn một số người dân một nắng hai sương, làm rất an toàn.

Chúng ta cần tự bảo vệ mình, nói không với thực phẩm bẩn và nói không bằng cách hãy sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Khi thấy cái gì quá rẻ thì cần đặt dấu hỏi.

Khi góp ý về Luật Dược, tôi cũng nói cần cơ quan như FDI của Hoa Kỳ để bảo vệ người dân trong nước và thực phẩm phải được kiểm soát như dược phẩm, mỹ phẩm.

Bây giờ, chúng ta nói nhiều quá, cơ quan nào cũng có quyền, khi phát hiện sản phẩm thực phẩm vi phạm thì phụ thuộc quá nhiều cơ quan có thể xử phạt mang tính răn đe; "Cha chung không ai khóc”, trong khi nguồn lực mình có.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn