Vấn đề này được các Đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận tổ sáng 5/6 về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
Đại biểu Nguyễn Văn Dương (đoàn Tiền Giang) nhấn mạnh, chung cư chính là lời giải cho nhu cầu nhà ở tại đô thị lớn. Luật này có tác động rất lớn nên cần đánh giá tác động kỹ lưỡng. Người dân sở hữu chung cư cần đảm bảo 2 quyền là sở hữu và sử dụng. Trước đây quy định sở hữu lâu dài nên khó khăn khi cải tạo chung cư cũ, giờ có thời hạn nên nhiều tâm lý trái chiều gây lo lăng.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 3/2023, dự thảo luật trình Quốc hội lần này đã bỏ phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, các nội dung bổ sung trong dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu nêu ra về tính cụ thể, khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn, cần phải được tiếp tục rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện.
Ông Nguyễn Văn Dương cho rằng, dự thảo sau khi tiếp thu ở khoản 1 điều 60 lại gây khó khăn và khó hiểu hơn khi quy định: “Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế nhà chung cư theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền (gọi chung là tuổi thọ công trình). Thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế phải được ghi rõ trong văn bản thẩm định thiết kế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng”.
Theo đại biểu, điều này gây tâm lý lo lắng cho người mua khi không biết thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế đó là 50 năm, 70 năm hay 90 năm.
Dự thảo cũng chưa rõ tiêu chí chung cư hư hao bao nhiêu căn hộ, bao nhiêu tầng thì thực hiện việc kiểm định, đánh giá chất lượng công trình. Ngoài ra, nếu thời hạn kiểm định sớm hơn hồ sơ thiết kế thì việc hỗ trợ, bồi hoàn thế nào...
Đại biểu Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế phân vân về việc chưa nói đến sở hữu nhà chung cư vĩnh cửu hay có thời hạn. Theo tinh thần của luật này thì nêu khái niệm sở hữu thì sở hữu vĩnh viễn. Tuy nhiên, nhà chung cư có tuổi đời 50-60-70 năm tùy theo tiêu chuẩn. Điều này dẫn đến mâu thuẫn khi cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
“Muốn cải tạo thì chủ đầu tư phải lập phương án bồi thường, bây giờ giá nào? Nếu như định giá theo thị trường nhưng một số căn hộ người ta không chấp nhận thì thế nào? Thực tế đã có rồi. Tất nhiên ta có phương án tái định cư tại chỗ và mặt bằng giá tương đối bằng nhau để thuyết phục nhưng vẫn có những nhà trong khu căn hộ đặt vấn đề giá cả cao hơn thì xử lý ra sao?” – ông Lê Trường Lưu nêu câu hỏi.
Phản ánh thực trạng hàng loạt nhà tập thể xuống cấp nghiêm trọng và Nhà nước phải bỏ ngân sách sửa chữa hoặc đàm phán với dân để xây dựng lại, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đặt vấn đề, nhà chung cư do DN đầu tư để bán không rõ sau bao nhiêu năm thì sửa.
“50 năm nữa ông doanh nghiệp ấy không còn trên đời, con cháu chúng ta ở trong căn hộ đó mà xuống cấp thì ai sửa? Luật phải có nhiều phương án, như cho bán với thời hạn 30 năm hay bao nhiêu năm thôi” - ông nói.
Đại biểu này cũng đề xuất khi bán phải trích bao nhiều phần trăm mỗi năm, người ở trong chung cư phải đóng góp thế nào để sau 20 đến 30 năm có nguồn sửa chữa, tránh việc “DN không còn ở đây nữa rồi Nhà nước lại phải bỏ một đống tiền ra sửa, vì dân khổ thì Nhà nước phải làm”.
Bình luận