Thông tin trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi phát biểu khai mạc cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, chiều 3/10.
Điểm lại một số thành tựu, kết quả trong phát triển hạ tầng chiến lược thời gian qua, Thủ tướng cho biết, về hàng không, công trình Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến cơ bản hoàn thành trong năm 2025, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2025, nhà ga T2 Nội Bài cũng dự kiến về đích đúng tiến độ.
"Về đường cao tốc, đến nay đã hoàn thành hơn 2.000 km, đang thi công 1.700 km và sẽ khởi công thêm 1.400 km thời gian tới. Về đường sắt, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc", Thủ tướng đề cập.
Các dự án cảng biển lớn tại Lạch Huyện (Hải Phòng), Liên Chiểu (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và cảng Cần Giờ (TP.HCM), người đứng đầu Chính phủ thông tin, dự án đang được thúc đẩy.
Cùng với đó là các dự án hạ tầng điện, sóng, đặc biệt là dự án đường dây điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã hoàn thành trong thời gian thần tốc chỉ hơn 6 tháng.
Thủ tướng nhấn mạnh, các dự án hạ tầng đã tạo không gian phát triển mới, giúp hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, làm tăng giá trị của đất đai, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm chi phí lotistics, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đánh giá thời gian qua, các doanh nghiệp xây dựng có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng trong triển khai các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách…
Các doanh nghiệp cũng có đóng góp tích cực trong khắc phục hậu quả COVID-19, hậu quả thiên tai, bão lũ… Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả đạt được, những đóng góp của các doanh nghiệp xây dựng với sự phát triển của đất nước.
Theo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ tổ chức cuộc làm việc để lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp về kinh nghiệm triển khai các dự án; việc huy động nguồn vốn cho các dự án; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách như liên quan mỏ nguyên vật liệu thông thường cho các dự án.
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực, vượt qua giới hạn của chính mình và đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các đối tác nước ngoài, từ đó tiếp tục tham gia triển khai, xây dựng các dự án lớn khác của đất nước trong thời gian tới.
"Chính phủ luôn đồng hành, lắng nghe, thấu hiểu với các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, trên tinh thần 'cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng, cùng phát triển', lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước, trong đó có sự phát triển của các doanh nghiệp", Thủ tướng nói.
Bình luận