Đà Nẵng vận động ngư dân phân loại và mang rác về bờ

Chuyển đổi xanhThứ Tư, 14/12/2022 07:30:00 +07:00
(VTC News) -

Ngư dân là một trong các đối tượng quan trọng cần được tuyên truyền, nâng cao nhận thức tiến tới vận động thay đổi hành vi trong việc xả thải rác ra môi trường.

Rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa từ các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản đã và đang góp phần trực tiếp vào việc gây ô nhiễm môi trường sống của các sinh vật biển, làm suy thoái đa dạng sinh học, và gây nhiều tác động khó lường. Do đó, ngư dân là một trong các đối tượng quan trọng cần được tuyên truyền, nâng cao nhận thức tiến tới vận động thay đổi hành vi trong việc xả thải rác. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm đối tượng khó chuyển dịch, cần có kế hoạch tiếp cận và vận động bài bản, cũng như sự tham gia của các đơn vị chức năng có liên quan tại địa phương.

Ngư dân, tiểu thương, doanh nghiệp cùng chống rác thải nhựa

Trên cơ sở Kế hoạch phối hợp giữa Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) và WWF-Việt Nam về việc phối hợp triển khai các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” đã tổ chức 02 lớp tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về rác thải nhựa đại dương và hướng dẫn phân loại rác cho 150 ngư dân thuộc các phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây và phường Xuân Hà vào ngày 26/8/2022.

Sau khi tổ chức tập huấn, Dự án tiếp tục làm việc với phòng Kinh tế để xây dựng nội quy và vận động ngư dân tham gia cam kết về việc phân loại và mang rác về bờ.

Trong giai đoạn sắp tới Dự án cũng hỗ trợ trang bị các vật dụng cần thiết (như vợt lưới thu gom rác, túi đựng rác) cho 325 tàu và thuyền thúng trên địa bàn quận để hỗ trợ cho nhóm đối tượng này thực hành các nội dung đã cam kết.

Đà Nẵng vận động ngư dân phân loại và mang rác về bờ - 1
Đà Nẵng vận động ngư dân phân loại và mang rác về bờ - 2

Truyền thông, vận động ngư dân trên địa bàn phân loại và mang rác về bờ.

Ngoài đối tượng hướng tới là các ngư dân, Dự án cũng vận động các tiểu thương thông qua mô hình "Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa". 

Chợ dân sinh là một trong những nguồn phát sinh lượng lớn rác nhựa một lần, đặc biệt là túi nilon. Theo đó, Dự án đã phối hợp với Hội LHPN quận tổ chức các buổi truyền thông nâng cao nhận thức cho tiểu thương tại các chợ trên địa bàn quận về vấn đề rác thải nhựa với mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”. Đồng thời vận động các tiểu thương ký cam kết giảm sử dụng túi ni lông với 200 tiểu thương (chợ Tân An và Tam Thuận) tham gia ký cam kết. Bên cạnh đó là các hoạt động vận động hội viên Hội LHPN đi chợ bằng túi dùng nhiều lần để giảm bớt nhu cầu sử dụng túi nilon tại chợ.

Nguồn phát sinh rác thải (bao gồm rác thải nhựa) từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp HORECA (Khách sạn, nhà hàng, quán cà phê) luôn chiếm một tỉ lệ lớn trong tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh, đặc biệt là tại các thành phố du lịch như Đà Nẵng. Do đó, việc truyền thông vận động sự tham gia của các doanh nghiệp vào các hoạt động giảm thiểu rác thải nói riêng, cũng như công tác bảo vệ môi trường nói chung luôn được quan tâm dành nhiều nguồn lực.

Xác định đây là nhóm đối tượng khó tiếp cận, chưa có nhiều sự quan tâm đối với các hoạt động liên đến các hoạt động về môi trường, Dự án đã tổ chức 01 buổi Hội thảo Tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa và nâng cao chất lượng dịch vụ trong các doanh nghiệp trên địa bàn quận Thanh Khê vào ngày 22/10/2022.

Trong thời gian tới, Dự án tiếp tục phối hợp với các ban ngành liên quan của Quận tiếp tục thúc đẩy và vận động sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nòng cốt vào chương trình giảm thiểu rác thải nhựa thông qua việc ký và thực hiện các cam kết về giảm thiểu rác thải nhựa tại nguồn.

Ngăn chặn thất thoát rác trên sông

Sông Phú Lộc là sông điều hoà nằm ở hạ lưu của rất nhiều tuyến kênh và cống chạy qua các khu dân cư đông đúc của các quận Thanh Khê, Liên Chiểu và các khu vực lân cận, nên thường tiếp nhận nguồn nước thải và rác thải của các khu vực trên. Khu vực này được ghi nhận là một trong những điểm nóng về ô nhiễm, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà thực tế còn gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt trên kênh Phú Lộc do ô nhiễm nguồn nước và thiếu oxy.

Trước tình trạng đó, Dự án đã phối hợp với Phòng TN&MT và Trung tâm Xây dựng và Thúc đẩy phát triển bền vững (BUS) thực hiện các nghiên cứu và khảo sát chi tiết về hiện trạng ô nhiễm rác thải tại khu vực này.

Các kết quả ước tính ban đầu cho thấy khối lượng CTR thất thoát trên sông Phú Lộc với chiều dài khoảng 2km trong 3 ngày khảo sát là 94,48kg, trong đó tỷ lệ RTN thất thoát chiếm cao nhất 36,45% (khoảng 34,44kg) trên tổng khối lượng CTR được kiểm toán.

Tại khu vực cửa sông, khối lượng CTR bị thất thoát trong thời gian khảo sát liên tục 24h là 64,9kg/ngày. Trong đó, khối lượng RTN thất thoát là 25,35 kg/ngày (chiếm 39,06% trên tổng khối lượng CTR được kiểm toán). Thành phần chủ yếu là nhựa 1 lần, túi ni lông, bao bì hỗn hợp nhiều lớp…

Đà Nẵng vận động ngư dân phân loại và mang rác về bờ - 3
Đà Nẵng vận động ngư dân phân loại và mang rác về bờ - 4

Điểm nóng rác thải tại khu vực sông Phú Lộc trước và sau khi dọn dẹp.

Để hỗ trợ Thanh Khê xử lý dứt điểm tình trạng này, Dự án tiếp tục kết nối tổ chức các đợt tham vấn với các bên liên quan như: UBND phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Xí nghiệp môi trường quận Thanh Khê, Trạm xử lý nước thải Phú Lộc…, và đề xuất các giải pháp để thu gom rác thải thất thoát. Nhiều phương án/giải pháp đã được nghiên cứu, thảo luận và đề xuất áp dụng với thứ tự ưu tiên.

Điển hình như tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các hoạt động “ngày chủ nhật xanh”, “con đường xanh” cho người dân (tiểu thương chợ hải sản, hộ buôn bán nhỏ lẻ, hộ ngư dân…) nhằm tuyên truyền người dân đổ rác đúng nơi quy định, tại khu vực vợ hải sản, khu vực ven sông và cửa sông.

Triển khai các hoạt động thu gom, xoá bỏ các điểm nóng rác thải đặc biệt là các điểm nằm ở khu vực ve sông, ben biển. Bổ sung các thiết bị lưu chứa rác tại các địa điểm phù hợp. Xây dựng mạng lưới camera giám sát và tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với người dân trong việc giám sát xả thải không đúng quy định tại khu vực dân cư, ven sông.

Phối hợp thực địa thí điểm mô hình bẫy rác (thu gom bằng phao quây) tại cầu Phú Lộc (đường Dũng sĩ Thanh Khê) sau khi tham vấn với các đơn vị liên quan. Hiện nay Dự án đã và đang tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn (BUS) và Phòng TN&MT xây dựng kế hoạch chi tiết để xin phép các cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện.

Cũng từ kết quả khảo sát về hiện trạng quản lý và phát sinh rác nhựa tại khu vực sông Phú Lộc, ghi nhận 20 điểm nóng phát sinh rác thải trong đó 8 điểm thuộc địa bàn quận Thanh Khê và 12 điểm thuộc địa bàn quận Liên Chiểu.

Dự án đã kết nối và chia sẻ những thông tin, dữ liệu này tới Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng và UBND 2 quận Thanh Khê và Liên Chiểu đề nghị các bên liên quan phối hợp và chủ động tăng cường công tác quản lý, dọn dẹp các điểm nóng để hạn chế tối đa việc thất thoát rác ra môi trường. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và tới nay thì tất cả các điểm nóng đã được dọn sạch. Đặc biệt là ghi nhận điểm nóng tại khu vực đường Nguyễn Văn Huề với lượng rác tồn đọng lên tới 3716,2 kg, trong đó có 854,726kg rác thải nhựa.

Công tác theo dõi giám sát và xử lý các hành vi vứt rác, bỏ rác không đúng nơi quy định cũng được đẩy mạnh trên địa bàn. UBND các phường: Thạc Gián, Vĩnh Trung, Chính Gián, Thanh Khê Đông thường xuyên phối hợp tổ quy tắc ra quân giám sát các gia đình tại mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ nếu phát hiện tình trạng vứt rác, bỏ rác không đúng nơi quy định sẽ tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trên.

Ngoài ra, UBND các phường, các đơn vị thường xuyên trao đổi hình ảnh hoạt động của tổ dân phố về PLRTN, hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định của các hộ dân trên nhóm zalo “Nghiêm thu VSMT Thanh Khê” nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kiểm tra, xử lý.

Sự chung tay, đồng thuận và tham gia rất chủ động và tích cực của nhiều bên liên quan như các Cơ quan/ban ngành đoàn thể địa phương, các tổ chức, và đặc biệt là cộng đồng dân cư tại 10/10 xã/phường là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quá trình quản lý rác thải nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, rất nhiều mô hình và sáng kiến hiệu quả và sáng tạo đã và đang được triển khai và áp dụng trên địa bàn Quận như: Mô hình Trường học giảm rác thải, Chợ dân sinh giảm rác thải, Xóa điểm nóng và giám sát ô nhiễm…

Tuy nhiên việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải rắn trên địa bàn vẫn còn nhiều tồn tại cần sớm nghiên cứu và tháo gỡ, đặc biệt là nhóm rác thải hữu cơ và nhóm rác nhựa giá trị thấp. Việc xây dựng và phê duyệt Kế hoạch hàng năm còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả triển khai thực hiện. Một số nhóm chủ thể (đặc biệt là các Doanh nghiệp) còn chưa thực sự chủ động và quan tâm nhiều đến các chương trình, hoạt động liên quan đến quản lý rác thải.

THẢO NGUYÊN
Bình luận
vtcnews.vn