Sáng 26/12, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và các đơn vị liên quan. Phiên tòa được mở do có kháng cáo của nhiều bị cáo, bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trước ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) đã bồi thường được hơn 600 tỷ đồng. Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết phải bồi thường cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS số tiền 1.364 tỷ đồng, phải truy nộp 500 tỷ đồng thao túng chứng khoán.
Như vậy, tổng số tiền mà ông Quyết phải khắc phục là hơn 1.800 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm ghi nhận gia đình bị cáo đề nghị dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả cho ông Trịnh Văn Quyết.
Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết kháng cáo xin giảm nhẹ mức án phạt tù và xem xét, giảm trách nhiệm bồi thường dân sự.
Cũng giống như anh trai, 2 em gái của bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga đều kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bản thân, đồng thời đề nghị tòa cấp phúc thẩm không buộc phải bồi thường, khắc phục hậu quả.
23/50 bị cáo trong vụ án cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, xin gỡ bỏ phong tỏa về tài sản hoặc kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Hiện có khoảng 30 luật sư đăng ký tham gia phiên tòa để bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết có 7 luật sư bào chữa; bị cáo Trịnh Thị Minh Huế có 2 luật sư bào chữa…
Trước đó, chiều 5/8, TAND TP Hà Nội công bố bản án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.
HĐXX sơ thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 21 năm tù về cả hai tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán. Cùng bị kết án về 2 tội danh này, Trịnh Thị Minh Huế bị tòa tuyên phạt 14 năm tù, Trịnh Thị Thúy Nga bị áp dụng 8 năm tù.
HĐXX nhận định, trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu. Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị tòa án xác định là người thực hành tích cực, nhận chỉ đạo từ anh trai để thực hiện hành vi sai phạm, giúp sức cho Quyết thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn… Các bị cáo khác giữ vai trò đồng phạm giúp sức.
Nội dung vụ án cho thấy, từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.
Các bị cáo sau đó thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu là AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá cổ phiếu tăng, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo “xả bán” cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), các công ty thuộc Tập đoàn FLC và người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, để thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, qua đó nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.
Tiếp đó, các bị cáo tạo lập hồ sơ, đề nghị chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros.
Niêm yết cổ phiếu thành công, Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu Công ty Faros để chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của nhà đầu tư.
Theo nhận định của HĐXX, Trịnh Văn Quyết đã phân công các bị cáo khác thực hiện nhiệm vụ, thực hiện chuỗi hành vi sai phạm, cố ý, từ việc mua Công ty Green Belt (tiền thân của Công ty Faros), góp vốn khống, nâng vốn khống đến việc sử dụng sàn HoSE làm phương tiện để bán cổ phiếu rồi chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
HĐXX cấp sơ thẩm đánh giá, những sai phạm nêu trên là đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo thực hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền từ các nhà đầu tư. Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán.
Bình luận