Nội dung 400m vượt rào nam (môn điền kinh) chứng kiến sự kiện hiếm gặp ở Olympic vào ngày 3/8 vừa qua. Cả hai VĐV Karsten Warholm (Na Uy) và Rai Benjamin (Mỹ) đều phá kỷ lục thế giới ở phần thi chung kết. Tuy nhiên, chỉ Warholm (về nhất) có niềm vui trọn vẹn với tấm huy chương vàng.
Niềm vui và nỗi buồn
Đôi chân Karsten Warholm gần như không còn cảm giác ngay sau khi anh cán đích. Dường như chân chạy người Na Uy bị tích tụ axit lactic - hiện tượng gây khó chịu cho các VĐV hàng đầu thế giới.
Nhưng lúc này, Warholm không còn cảm thấy đau. Anh chinh phục thành công giấc mơ Olympic, sau "một cuộc đời chỉ chạy và chạy" như những chia sẻ sau chung kết.
Kết quả nội dung thi 400m vượt rào nam xứng đáng đi vào lịch sử Olympic. Warholm, VĐV được đào tạo để thi 10 môn phối hợp, đã phá kỷ lục thế giới của chính mình ở nội dung 400m vượt rào nam với thành tích 45 giây 84.
VĐV Rai Benjamin của Mỹ về nhì với thành tích 46 giây 17, vượt qua kỷ lục cũ của Warholm. Anh cũng phá kỷ lục thế giới, nhưng không thể giành huy chương vàng. Sự thật ấy khiến Benjamin bật khóc.
Warholm và Benjamin từng so tài trong trận bán kết 400m vượt rào vào hôm Chủ nhật (1/8), với chiến thắng giành cho Warholm, nhưng đây là chiến thắng rất sát nút khi VĐV Na Uy chỉ nhanh hơn đối thủ chưa đến 0,1 giây. Cả hai tiết kiệm năng lượng cho chung kết, nơi thứ hạng chỉ được phân định ở những khoảnh khắc có giá trị vài phần trăm giây.
"Tôi không thể ngủ suốt đêm qua", Benjamin nói. Không chỉ VĐV Mỹ, mà đối thủ Warholm cũng lo lắng, dù luôn tỏ ra tự tin ở cách thể hiện bên ngoài. Warholm luôn lên dây cót tinh thần cho mình bằng cách vỗ ngực trước mỗi lượt chạy, để lại những vết đỏ trên cơ thể.
Đó là cách VĐV người Na Uy tự tạo ra uy thế và sự tự tin cho bản thân. Dù vậy, trước hôm thi chung kết, Warholm thừa nhận bản thân có đôi chút sợ hãi.
Có thành tích tốt nhất ở bán kết, Warholm được phép tự chọn đường đua. Anh chọn làn số 6, ngay cạnh làn số 5 của Benjamin. Warholm luôn thích một khúc cua vừa phải trên đường chạy, nhưng điều đó đồng nghĩa VĐV này không thể quan sát kình địch Benjamin trong phần lớn cuộc đua.
Tất cả những gì Warholm có thể kiểm soát là nỗ lực của bản thân. "Tôi muốn thi đấu hết mình để tạo ra căng thẳng cho những VĐV khác", Warholm nhấn mạnh.
Áp lực từ Warholm đã gián tiếp khiến hai đối thủ là Alison dos Santos (Brazil) và Abderrahman Samba (Qatar) mắc sai lầm. Đây là những đối thủ ở làn chạy số 7 và số 8, đều ở trong tầm có thể quan sát của Warholm.
VĐV Kyron McMaster (Quần đảo Virgin thuộc Anh) tự nhủ phải giữ bình tĩnh trước những chân chạy hàng đầu như Warholm và Benjamin. "Nếu bạn cố đuổi theo họ, điều ấy chẳng khác nào tự sát", McMaster nói.
Benjamin đã có khởi đầu rất tốt, trước khi mắc sai lầm ở rào chắn thứ tư. Anh gặp sai sót trong khâu kỹ thuật dẫn đến chậm đà. "Đây là điều không thể tha thứ", Benjamin nói.
Dù vậy, VĐV người Mỹ vẫn nỗ lực để không bị loại khỏi vòng tranh chấp huy chương. Anh thi đấu tốt ở chặng cuối, trước khi Warholm bùng nổ với nguồn năng lượng dự trữ khủng khiếp.
VĐV người Na Uy về đích đầu tiên. Khi thành tích hiện lên bảng tỷ số, Warholm phấn khích hét lớn và xé toạc chiếc áo thi đấu của mình. "Tôi đã chiến đấu đến chết vì tấm huy chương vàng", Warholm nói.
Đường đua lịch sử
Kỷ lục thế giới ở nội dung 400m vượt rào nam đã tồn tại 29 năm qua (do Kevin Young (Mỹ) lập tại Barcelona 1992 với thông số 46 giây 78), nhưng Warholm phá kỷ lục này đến hai lần chỉ trong 5 tuần.
Không chỉ Warholm và Benjamin, các VĐV còn lại cũng thi đấu rất xuất sắc trong hôm chung kết ngày 3/8. Alison dos Santos, VĐV giành huy chương đồng, về đích với thời gian 46 giây 72. Anh có thành tích tốt thứ tư trong lịch sử chạy 400m vượt rào nam.
Về đích thứ tư, nhưng McMaster cũng thi đấu ấn tượng khi lập kỷ lục quốc gia. McMaster không thất vọng vì để lỡ cơ hội giành huy chương. Năm ngoái, sau khi Olympic bị hoãn, VĐV này đã tính đến chuyện giải nghệ. Dù vậy, McMaster đã tìm lại đam mê đúng lúc để góp mặt ở chung kết.
Theo McMaster, được chia sẻ sân khấu với những VĐV nhanh nhất trong lịch sử ở Olympic không phải là chuyện nhỏ. Thay vì so bì thành tích, VĐV của quần đảo Virgin cảm thấy biết ơn vì điều đó.
Thành tích ấn tượng của các VĐV tại Olympic Tokyo được cho là đến từ cải tiến trong công nghệ. Giày thi đấu của Warholm có gắn một tấm carbon lót trên những chiếc đinh. Theo Warholm, đây là thành quả hợp tác nghiên cứu giữa Puma và đội đua Công thức 1 Mercedes-AMG. Giày của Benjamin cũng được trang bị công nghệ của Nike.
"Tôi có một đôi giày tuyệt vời. Điều quan trọng là phải tạo ra những chiếc giày mang lại sự tin cậy, nên chúng tôi cố gắng làm cho giày của mình càng mỏng càng tốt", Warholm khẳng định. VĐV người Na Uy nhấn mạnh đường đua 400m nam là trải nghiệm tuyệt vời, không chỉ vì bản chất cuộc đua, mà còn vì nỗ lực không ngừng nghỉ của các VĐV.
Trong số 7 VĐV về đích sau Warholm, có tới 5 kỷ lục quốc gia được thiết lập. Mỗi VĐV có thể trở thành ngôi sao ở thế hệ của mình, nếu như họ không đến từ cùng một thế hệ.
Sự tiếc nuối như những giọt nước mắt của Benjamin là có thật, song hơn cả tấm huy chương, 8 VĐV dự thi vượt rào đã tạo nên một trong những cuộc đua hấp dẫn nhất lịch sử Olympic.
Bình luận