• Zalo

Bài học sâu sắc của Thể thao Việt Nam sau thất bại Olympic Tokyo 2020

Olympic Tokyo 2020Thứ Tư, 04/08/2021 10:56:48 +07:00Google News
(VTC News) -

Kết thúc Olympic Tokyo 2020, Đoàn Thể thao Việt Nam không giành được huy chương nào và đây được xem là một kỳ "ra khơi" chinh phục biển lớn thất bại.

Vậy nguyên nhân nào khiến Thể thao Việt Nam không có thành tích như mong đợi ở Olympic Tokyo 2020 và bài học rút ra sau thất bại này là gì.

- Ông đánh giá thế nào về thất bại của Thể thao Việt Nam ở Olympic Tokyo?

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Trước hết phải làm rõ khái niệm thế nào là niềm hy vọng. Tôi cho rằng, giới truyền thông động viên các vận động viên nhiều quá, làm cho những người yêu mến thể thao kỳ vọng nhiều quá vào những vận động viên ấy. Trên thực tế, từ góc nhìn của những người có chuyên môn, người ta không hy vọng gì về việc giành huy chương.

Trước khi Đoàn Thể thao Việt Nam tham gia tranh tài ở Olympic Tokyo 2020, tôi cũng đã trả lời trên truyền thông. Có thể thấy, với điều kiện như bây giờ việc giành huy chương là không có yếu tố nào đảm bảo. Bởi công tác chuẩn bị của ta chưa tốt, vì chiến lược chuẩn bị cho lực lượng vận động viên tham gia Olympic phải được chuẩn bị trong nhiều năm, ít nhất là một chu kỳ Olympic đối với những vận động viên rất xuất sắc. Đối với những vận động viên trẻ thì cần phải 8-10 năm, thậm chí còn lâu hơn, khoảng 12-14 năm.

Bài học sâu sắc của Thể thao Việt Nam sau thất bại Olympic Tokyo 2020 - 1

Rowing Việt Nam thi đấu không thành công tại Olympic Tokyo 2020.

Chiến lược của Việt Nam là tập trung một số vận động viên xuất sắc một số môn, để cố gắng vượt qua vòng loại Olympic, nhưng trong quá trình chuẩn bị thì việc đầu tư cho những người vận động viên lên trình độ Olympic đầu tư cũng không đáp ứng được việc ấy.

Đầu tư ở đây là vấn đề về dinh dưỡng, vấn đề khoa học kỹ thuật và vấn đề chữa trị chấn thương. Thêm nữa là phải mời được các thầy giỏi, các vận động viên được tập huấn những trung tâm thể thao tốt và được thi đấu cọ xát quốc tế. Việc đầu tư cho những việc ấy không đủ nên nền tảng phát triển của thể thao thành tích cao Việt Nam chưa ổn định.

- Olympic Tokyo diễn ra trong bối cảnh rất khó khăn vì đại dịch COVID-19, các vận động viên của Việt Nam bị gián đoạn trong tập luyện, tập huấn và thi đấu cọ xát quốc tế. Đây có phải là một trong những nguyên nhân thất bại của Thể thao Việt Nam hay không?

Trong 2 năm qua có vấn đề phát sinh là đại dịch COVID-19, nhưng đại dịch chỉ là một yếu tố khách quan trực tiếp.

Đại dịch khiến các vận động viên của chúng ta là không được tập huấn và thi đấu các cuộc thi quốc tế. Các cuộc thi trong nước phải hủy bỏ, việc tập luyện để ảnh hưởng, gián đoạn, một số các vận động viên xuất sắc đi nước ngoài về phải cách ly trước và sau khi đi mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, việc chữa trị chấn thương cho vận động viên chưa đến nơi đến chốn, khi lên đường đi thi đấu chấn thương của các vận động viên vẫn chưa khỏi hẳn. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 chỉ là một phần, vấn đề cơ bản là công tác chuẩn bị cho lực lượng tham gia Olympic chưa đảm bảo do đầu tư kinh phí chưa đủ.

- Theo ông, đâu là nguyên nhân lớn nhất khiến Thể thao Việt Nam dù nằm trong tốp 3 khu vực Đông Nam Á trong nhiều kỳ đại hội gần đây lại bết bát ở đấu trường Olympic Tokyo nói riêng và sân chơi này nói chung?

Đầu tiên cần phải khẳng định là trình độ vận động viên của chúng ta chưa cao. Nhiều người sẽ hỏi là có những người đã từng vô địch Olympic, từng vô địch thế giới, có những người từng vô địch châu Á sao ông lại bảo chưa cao?

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế là những vận động viên giỏi của chúng ta rất ít. Và số lần đạt được huy chương vẫn ít, đặc biệt là khi đem so với sự ổn định của vận động viên các nước khác thì mình vẫn kém.

Bài học sâu sắc của Thể thao Việt Nam sau thất bại Olympic Tokyo 2020 - 2

Ánh Viên bơi thua xa thành tích của chính mình ở SEA Games.

Trình độ vận động viên Việt Nam còn thấp, cách xa với tầm Olympic trong khi trình độ của vận động viên các nước đến Olympic đều là những nhà thể thao xuất sắc của thế giới. Họ là nhà vô địch thế giới nhiều lần, vô địch Olympic nhiều lần. Nghĩa là những người đến Olympic là những người trình độ cao nhất và chúng ta thua kém nhiều về trình độ nên việc trình độ thấp thì không thể thắng được những người trình độ cao là đương nhiên.

Bên cạnh đó, việc chịu ảnh hưởng khách quan từ đại dịch Covid-19 cũng là khó khăn với Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch là toàn cầu, các nước khác người ta cũng bị đại dịch, nhưng họ có nền thể thao phát triển ổn định và trình độ vận động viên cao, nên họ vẫn duy trì được còn lực lượng vận động viên chúng ta quá mỏng, về trình độ ở Olympic thì còn cách xa các đối thủ nên mới có việc thua cách biệt ở những môn như Taekwondo.

Ở môn đua thuyền, chúng ta chỉ đứng 15/18 đoàn vận động viên tham dự. Trong khi đó tại môn bơi lội, Huy Hoàng đã thi đấu rất nỗ lực, nhưng vẫn không thể lọt vào chung kết. Trường hợp của Ánh Viên đứng xếp hạng gần cuối ở những nội dung tranh tài, điều đó phản ánh thực tế về trình độ của các vận động viên Việt Nam.

Trình độ là do một hệ thống nhiều năm trong công tác huấn luyện và đầu tư chứ không phải đến Olympic này và mấy tháng dịch bệnh nên đổ lỗi. Đó là do trình độ của chúng ta thấp lại thi đấu ở chỗ có nhiều người trình độ cao nên có sự chênh lệch lớn và chúng ta không có khả năng giành huy chương.

- Nhiều ý kiến cho rằng, các niềm hy vọng huy chương của chúng ta ở Olympic Tokyo 2020 đã chơi không đúng sức nên mới thất bại. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Truyền thông nói rằng, các vận động viên thi đấu không đúng sức mình là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại. Điều này là không phải. Thi đấu đúng sức hay không là một khái niệm rất rộng.

Một vận động viên có thể thắng ở cuộc thi đấu vô địch châu lục, khi đối thủ không xuất sắc. Ví dụ như vận động viên Hoàng Thị Duyên có thể nâng được mức tạ 216 kg hoặc 223 kg ở cuộc thi khác mà ở Olympic Tokyo 2020 chỉ được có 208 kg như thế là thua chính mình. Vấn đề thua chính mình và thắng chính mình hay không nó còn phụ thuộc vào việc chúng ta đấu với ai. Trong cuộc đấu với những lực sĩ giỏi luôn rất căng thẳng vì tâm lý vận động viên căng thẳng nên họ không thể vượt lên được.

Bài học sâu sắc của Thể thao Việt Nam sau thất bại Olympic Tokyo 2020 - 3

Hoàng Thị Duyên đứng hạng 5, không giành được huy chương.

- Ngoài Hoàng Thị Duyên thì Thạch Kim Tuấn cũng thi đấu không thành công ở Olympic Tokyo 2020, theo ông vấn đề của Tuấn có phải do tâm lý không hay còn yếu tố nào khác khiến lực sĩ này thất bại?

Quá trình chữa trị chấn thương cho vận động viên Thạch Kim Tuấn và tổ chức tập luyện cho cậu ấy hoàn toàn không tốt trong cả năm 2020 và năm nay. Trình độ huấn luyện viên của chúng ta thấp. HLV Huỳnh Hữu Chí không phải là người có khả năng đưa vận động viên lên tầm châu lục được. Vấn đề nữa là ăn uống của đội tuyển cử tạ không đảm bảo, chế độ không đảm bảo. Về quản lý, huấn luyện không đảm bảo và rất nhiều yếu tố khác nữa.

- Nhìn từ thất bại của các niềm hy vọng huy chương như Hoàng Thị Duyên và Thạch Kim Tuấn tại Olympic Tokyo 2020 cho thấy “căn bệnh” lớn nhất của Thể thao Việt Nam là gì thưa ông?

Có thể nói đó là công tác chuẩn bị cho Olympic và hệ thống đào tạo vận động viên chưa được chặt chẽ và chưa được đầu tư đủ mức. Đây là nguyên chính của việc thất bại chứ không phải do vận động viên.

 

Bài học sâu sắc của Thể thao Việt Nam sau thất bại Olympic Tokyo 2020 - 4

Screen Shot 2021-08-04 at 10.33.21 AM.png

Các vận động viên của chúng ta thua là trình độ thấp và thấp là do quá trình huấn luyện, đào tạo trong nhiều năm chứ không 1 năm.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh

Những vận động viên chỉ là người thể hiện trực tiếp ở sân chơi này. Ví dụ như Ánh Viên, cách đây 4 năm có thành tích tốt ở các nội dung 200m và 400m, nếu người ta chỉ tập trung những nội dung đó để nâng cao thành tích để hướng tới mục tiêu lớn thì sẽ khác. Tuy nhiên, Ánh Viên phải làm quá nhiều việc, thi đấu ở nhiều nội dung nên giờ đã nhiều tuổi không còn thời gian để tập trung cho những nội dung sở trường nữa.

Bản thân Ánh Viên bắt đầu tập luyện bơi từ 13-14 tuổi, độ tuổi cũng đã muộn. Trong khi, ở bộ môn này người ta đào tạo từ 5-6 tuổi. Từ 5-6 tuổi cho đến 14 tuổi, tức là cũng 5-7 năm huấn luyện, đó là cả một thời kỳ để tích lũy để đạt thành tích cao.

Ở đây, vận động viên không có quá trình huấn luyện chặt chẽ trước đó của thời kỳ trẻ. Thực tế thì thời kỳ trẻ của huấn luyện thể thao chiếm 3/5 đến 4/5 thời gian đạt thành tích cao. Ví dụ các vận động viên cần 8-10 năm mới đạt được kết quả thi đấu thì cần 6-8 năm để họ tập luyện làm nền tảng rồi mới có thành tích tốt được. 

Đó là nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân quyết định thắng lợi là trình độ cao hay không. Olympic là sân chơi có trình độ cao chứ không phải SEA Games vì SEA Games là nơi mà trình độ của vận động viên rất thấp nên để lấy được huy chương ở Olympic là rất khó. Những người giành HCV Olympic là những người có trình độ rất cao, còn giành được huy chương cũng là các vận động viên rất giỏi. 

Trong số 11.500 vận động viên đến tranh tài phần lớn là những nhà vô địch châu lục và được đào tạo ở các nước có nền thể thao mạnh như: Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và rất nhiều nước khác. Hệ thống huấn luyện thể thao của họ rất chặt chẽ. Trong khi đó, chúng ta đầu tư không có hệ thống và không đủ mức, không đủ kinh phí để đầu tư cho lực lượng này và đây là nguyên nhân sâu xa chứ không phải là do các vận động viên đến tranh tài. 

Các vận động viên của chúng ta thua là trình độ thấp và thấp là do quá trình huấn luyện, đào tạo trong nhiều năm chứ không 1 năm.

- Kể từ khi Việt Nam tham gia sân chơi Olympic thì chúng ta mới giành được 1 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ, nếu so sánh với Thái Lan, Indonesia, Singapore, thậm chí là Philippines thì số huy chương của chúng ta vẫn thua kém các đối thủ. Có phải Thể thao Việt Nam tiến bộ quá chậm?

Sự việc này là tổng hòa của nhiều vấn đề mà trong đó vẫn là tổ chức huấn luyện. Vấn đề nữa là xã hội hóa, bởi tiền để đầu tư cho thể thao thành tích cao của Việt Nam là tiền từ Chính phủ. 

Ngân sách cho thể thao bao giờ cũng rất thấp. Trong khi đó, các nước khác xã hội hóa thể thao, huy động nguồn lực của xã hội. Các Liên đoàn lấy tiền của xã hội để làm và trở thành hệ thống từ nhiều năm, thậm chí có nước hàng trăm năm, họ tập trung đầu tư chứ không phụ thuộc Chính phủ. Đầu tư ngân sách không đủ vì tiền của Chính phủ còn phải lo những vấn đề quan trọng hơn của đất nước thì không thể nào có tiền là đủ cho thể thao, do đó phải xã hội hóa thể thao.

- Ông đánh giá thế nào về thực trạng xã hội hóa thể thao ở Việt Nam?

Ở Việt Nam bây giờ các nhà cao tầng xa hoa tráng lệ, các khu nghỉ dưỡng và nhiều thứ khác đều do các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân làm chứ không phải do Chính phủ đầu tư. Do đó, trong thể thao cũng như vậy, phải huy động được nguồn lực của xã hội, chứ không chỉ dựa vào số tiền của Chính phủ mỗi năm mấy trăm tỷ rất hạn hẹp. Nó không thể đủ sức để đầu tư cho thể thao thành tích cao được, tất cả các nước khác đều như vậy.

Những nước xung quanh mình như Philippines, Indonesia, Thái Lan hoàn toàn là kinh phí do tư nhân xã hội hóa chứ không phải do Chính phủ. Ví dụ như vận động viên Joseph Schooling, cậu ấy đi tập ở Mỹ là 5-7 năm đều gia đình bỏ tiền ra. Chỉ khi nào vận động viên thi đấu thì Chính phủ người ta mới chi tiền để đi máy bay, thi đấu vì màu cờ sắc áo.

Ở Thái Lan, vận động viên giành HCV ở Olympic Tokyo 2020 môn Taekwondo cũng vậy. Trước đó, họ giành 5 HCV cử tạ, 4 HCV boxing không có vận động viên nào Chính phủ đầu tư cả, hoàn toàn do các Liên đoàn thể thao và xã hội hóa đầu tư. Đó là con đường của các nước đã đi còn Việt Nam không phải là chậm mà làm chưa đúng quy hoạch, chưa thúc đẩy thể thao trở thành một chiến lược mạnh mẽ theo đúng quy luật, vẫn quan liêu bao cấp, chỉ dựa vào Nhà nước. Do đó, chỉ có thể làm được một số vận động viên mà không thể làm dài hơi được và chất lượng không đảm bảo.

Nguyên nhân sâu xa là như vậy. Về con người thì trình độ huấn luyện viên cũng thấp, nhưng không phải là bản thân họ muốn thấp mà vì chưa được đào tạo chính quy hiện đại, chưa được nâng cao trình độ để đưa vận động viên đến tầm Olympic được, cho nên vận động viên nỗ lực, cố gắng nhưng chỉ đạt được đến đấy.

- Liệu rằng chúng ta đang đầu tư không trọng điểm, ngay như Ánh Viên dù được đầu tư, nhưng thành tích ngày một đi xuống?

Việt Nam là đang đầu tư trọng điểm, chúng ta đi đúng đường lối là đầu tư trọng điểm bởi ít tiền nên phải chọn người giỏi, thế nhưng không đủ lực để làm rộng. Chúng ta không đủ lực để nâng cao trình độ, chứ không phải là không đầu tư trọng điểm. Chiến lược của chúng ta là tập trung vào một số nội dung và một số vận động viên, nhưng trên thực tế là chỉ được mấy trăm vận động viên nên không ăn thua.

Thứ hai, quan trọng nhất là chúng ta không đủ sức để nâng cao trình độ trong suốt quá trình huấn luyện để vận động viên nâng cao thành tích.

- Theo ông, Việt Nam nếu để đầu tư một cách bài bản thì môn thể thao nào mà chúng ta cần đầu tư để có thể đi thi Olympic và hướng tới việc giành huy chương?

Ngay cả ở các nước trên thế giới thì không ai khẳng định được điều đó, bởi vì chiến lược khi lựa chọn các môn để đi tham gia thi đấu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một là con người, hai là điều kiện để phát triển. Số lượng vận động viên của Việt Nam không thiếu, nhưng chủ yếu là chúng ta không đầu tư được hết mà phải lựa chọn. Những môn thể thao Việt Nam lựa chọn gồm cử tạ và các môn võ là đúng vì thi đấu theo hạng cân. Những môn bơi, điền kinh cũng theo nội dung, thể dụng dụng cụ, bắn súng thì khéo léo linh hoạt, bình tĩnh, đó là những yếu tố phù hợp với người Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta thiếu đầu tư để nâng cao và ứng dụng kỹ thuật để cải tiến và công tác huấn luyện. 

Nói tóm lại, nguyên nhân chủ yếu là đầu tư không đủ mức để đáp ứng được việc nâng cao trình độ lên tầm châu lục thế giới cho nên ông Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam ở Olympic Tokyo 2020 nói là trình độ vận động viên của Việt Nam cách họ quá xa. Đó là giờ ông Phấn tham dự thì thấy thế còn tôi trước đây dự nhiều lần và thấy điều này từ lâu rồi.

Ngay như vận động viên Bùi Thị Thu Thảo vô địch châu Á về nhảy xa, nhưng không đủ tiêu chuẩn để dự Olympic vì còn khoảng cách hơn 20cm nữa mới đạt tiêu chuẩn. Trong khi đó, một số môn đối kháng thì các vận động viên phải đánh thắng bao nhiêu người thì mới có vé.

- Ngoài các vấn đề về chất lượng vận động viên thì khâu rất quan trọng trong việc đào tạo và phát triển vận động viên, là áp dụng khoa học công nghệ cũng như là dinh dưỡng và y học, vấn đề này ở Việt Nam mình đã thực hiện vẫn còn yếu?

Việc áp dụng khoa học công nghệ, vấn đề dinh dưỡng và y học hầu như không đóng góp được gì, chúng ta rất thiếu. Khoa học không đảm bảo dinh dưỡng, không đảm bảo chữa trị chấn thương, không đảm bảo cho việc kiểm soát và không đảm bảo việc hồi phục, tất cả những cái đó đều là hạn chế trong việc nâng cao thành tích. Hiện tại, khoa học chưa có vai trò tác dụng gì, hay nói cách khác, chúng ta hầu như chưa đầu tư đầu tư cho khoa học kỹ thuật. 

- Vậy nếu Việt Nam làm công tác xã hội hóa tốt, có đủ kinh phí và áp dụng được công nghệ, khoa học kỹ thuật và y học vào huấn luyện, đào tạo thì bao nhiêu năm nữa chúng ta có thể tranh tài ở Olympic sòng phẳng với các nước?

Sòng phẳng ở đây là lực lượng hay chất lượng? Lực lượng thì các nước nhỏ không bao giờ có đủ lực lượng với các nước lớn được. Còn chất lượng thì đương nhiên vẫn có những động viên tranh tài được với họ. Hiện tại, chúng ta đã có rồi chứ không phải không. 

Bởi vì, trong thể thao không phải vận động viên cứ mạnh toàn diện là có thể thắng được. Ngay như vận động viên bắn súng đã nhiều lần vô địch Olympic, thế giới như các xạ thủ của Trung Quốc, Hàn Quốc và Brazil, nhưng vẫn thua Hoàng Xuân Vinh và kỳ Olympic Tokyo 2020 tất cả đều bị loại. Do đó, thể thao không phải bất biến là cuộc đua tranh quyết liệt và người nào tiến bộ sẽ chiến thắng.

Người Việt Nam không phải là không làm được cái việc ấy. Vấn đề là phải làm đúng quy luật, phải đầu tư, phải làm có hệ thống, kiểm soát quá trình một cách chặt chẽ. Hiện nay, chúng ta không kiểm soát được.

Chúng ta không thể thao đua tranh với những đoàn 600-700 vận động viên trong khi chỉ có 18 người tham gia tranh tài được. Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là nước có nhiều vận động viên dự nhất với 42 người, Malaysia 30 người, Indonesia 28 người và Philippines 19 người, nhưng họ có những vận động viên có thể lấy được huy chương.

Những đoàn lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Nga có nhiều vận động viên nên giành được nhiều huy chương, đó là chất lượng vận động viên cao, đầu tư đúng đắn. Tuy nhiên, Việt Nam không thể đi theo vì chúng ta là một đất nước nhỏ, tiềm lực yếu nên không thể chơi sòng phẳng, điều này là không thể được.

Do đó, Việt Nam chỉ có thể lựa chọn một số nội dung nào để nâng cao trình độ, giành huy chương, đó là thành công rồi.

Dương Thuật(VOV.VN)
Chuyên đề: Olympic Tokyo 2020
Bình luận
vtcnews.vn