Ngoại trưởng Nga Sergei Lavor ngày 1/6 tới thủ đô Riyadh bắt đầu chuyến thăm chính thức Saudi Arabia và gặp gỡ ngoại trưởng các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Chuyến thăm Saudi Arabia và trước đó là Bahrain của Ngoại trưởng Nga Lavrov diễn ra chưa đầy 1 tuần sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cử hai quan chức cấp cao đến khu vực và chỉ một ngày trước cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) tại Vienna (Áo).
Thời gian gần đây Mỹ và các đồng minh phương Tây không ngừng gia tăng sức ép với Saudi Arabia và các thành viên OPEC nhằm tăng sản lượng dầu mỏ và hạ nhiệt giá cả trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.
Đánh giá về chuyến thăm vùng Vịnh của Ngoại trưởng Nga Lavrov, chuyên gia Boris Dolgov thuộc Viện nghiên cứu phương Đông cho rằng, chuyến thăm không chỉ phản ánh ưu tiên đối ngoại của Nga đối với khu vực Trung Cận Đông, mà còn là một phần nỗ lực của Moskva nhằm nâng cao vị thế cân bằng mà các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh vẫn cho thấy tới nay trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong một phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Oman tuyên bố cuộc khủng hoảng hiện nay đòi hỏi một giải pháp của châu Âu và một cách tiếp cận theo kiểu “bạn ở bên chúng tôi hay chống lại chúng tôi sẽ không hiệu quả. Saudi Arabia thậm chí còn phát đi tín hiệu sẽ đứng về phía Nga với tư cách là thành viên của nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu bất chấp các lệnh trừng phạt ngày một tăng của phương Tây với Moskva hay lệnh cấm nhập khẩu dầu mới đây của Liên minh châu Âu.
Bên cạnh dầu mỏ, an ninh lương thực cũng là một trọng tâm của chuyến thăm vùng Vịnh lần này của Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, với vai trò là quốc gia duy trì sự cân bằng và ổn định tại khu vực địa chiến lược quan trọng và là mỏ dầu của thế giới này. Cuộc xung đột tại Ukraine đã đẩy giá lương thực lên cao chưa từng có và an ninh lương thực một lần nữa trở lại vị trí hàng đầu trong mọi chương trình nghị sự quốc gia và quốc tế. Ngoại trưởng Nga Lavrov ngày 1/6 một lần nữa khẳng định, việc giá dầu tăng hay cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay phần lớn là do phương Tây đã thổi phồng một cách giả tạo mối nguy cơ từ Nga.
“Mọi sáng kiến đưa ra đến nay nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu đều chĩa mũi nhọn về phía Nga. Tuy nhiên, thực tế là phương Tây đã thổi phồng các mối nguy cơ bằng cách đóng cửa cảng biển đối với các tàu của Nga, ngăn chặn chuỗi cung ứng và tài chính. Vì vậy họ nên suy nghĩ nghiêm túc về điều nào thực sự quan trọng: sự chú ý của giới truyền thông hay giải quyết vấn đề bằng những bước đi cụ thể. Điều này phụ thuộc vào chính họ chứ không phải nước Nga”, ông Lavrov nhấn mạnh.
Có thể nói mối quan hệ giữa Nga và các quốc gia vùng Vịnh đang đứng trước bước ngoặt quan trọng. Hai bên từng có khác biệt về cách tiếp cận cũng như lợi ích trong vấn đề Syria nhưng quan hệ song phương đã thay đổi nhiều kể từ sau chuyến thăm lịch sử của Quốc vương Saudi Arabia tới Moskva vào tháng 10/2017. Chính vì thế chuyến thăm các nước vùng Vịnh của Ngoại trưởng Lavrov sẽ củng cố lòng tin cho cả hai phía trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đang đặt thế giới trước những thách thức an ninh, kinh tế và chính trị chưa từng có.
Bình luận