Hôm 31/5, Gazprom cho biết họ đã cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho công ty kinh doanh khí đốt Hà Lan GasTerra. Sau đó, công ty Nga nói thêm họ cũng sẽ dừng cung cấp khí đốt cho Orsted của Đan Mạch và dừng hợp đồng khí đốt của Shell Energy tại Đức kể từ ngày 1/6, sau khi cả hai nước đều từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Các thông báo được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu tuyên bố cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu vào Nga đến cuối năm, phản ứng cứng rắn nhất của khối đối với chiến dịch quân sự tại Ukraine.
GasTerra, công ty thay mặt chính phủ Hà Lan mua và kinh doanh khí đốt, cho biết họ đã ký hợp đồng ở nơi khác để có được 2 tỷ mét khối khí đốt mà đáng ra có thể nhận từ Gazprom đến hết tháng 10. Người phát ngôn Bộ Kinh tế Pieter ten Bruggencate cho biết: “Đây vẫn chưa được coi là mối đe dọa đối với nguồn cung".
Orsted cũng cho biết chưa có rủi ro đối với nguồn cung khí đốt của Đan Mạch. Công ty nói họ sẽ chuyển sang thị trường khí đốt châu Âu để lấp đầy khoảng trống.
Moskva cũng đã ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan vì họ từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Tuy nhiên, trước đó, các công ty Đức, Italia và Pháp từng tuyên bố sẽ tham gia chương trình thanh toán để duy trì nguồn cung.
Việc cắt giảm khí đốt Nga đã thúc đẩy giá khí đốt tiếp tục tăng cao, làm tăng lạm phát và thúc đẩy các chính phủ châu Âu tìm nguồn năng lượng thay thế cũng như mở rộng cơ sở hạ tầng liên quan. Châu Âu đang gấp rút lấp đầy các địa điểm lưu trữ khí đốt của mình trước mùa đông. Dữ liệu từ cơ quan Cơ sở hạ tầng khí châu Âu cho biết kho chứa khí đốt của Hà Lan hiện đã đầy khoảng 37%. Các kho chứa khí đốt của Đan Mạch đầy 55% và sẽ có thể cung cấp cho tất cả các khách hàng ở Đan Mạch và Thụy Điển trong 5 tháng dù nguồn cung cấp từ Đức bị cắt, theo Bộ trưởng Năng lượng Đan Mạch Dan Jorgensen.
Chính phủ Hà Lan tuần trước cho biết họ sẽ tăng các khoản trợ cấp lên 406 triệu euro nhằm khuyến khích các công ty lấp đầy Bergermeer, một trong những cơ sở lưu trữ khí đốt mở lớn nhất ở châu Âu.
Bình luận