Trước ông Công, ông Táo vài ngày, thị trường cá chép và vàng mã đã sôi động. Trong đó, cá chép là mặt hàng “sốt” nhất. Theo nghi lễ cổ truyền của dân tộc Việt Nam, cá chép là phương tiện để ông Công ông Táo cưỡi, bay về trời báo cáo công việc trong gia đình của một năm cũ.
Theo khảo sát của phóng viên báo điện tử VTC News, giá cá chép hiện nay ở các chợ đồng giá 10.000 đồng/con có kích cỡ nhỏ và 15.000 - 20.000 đồng/con có kích cỡ to gấp đôi.
Cá biệt, tại chợ Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) giá cá chép được bán theo cân. Cá chép được bán tại chợ có nhiều loại cá chép thường giá 70.000/kg, cá chép vàng giá từ 120.000 – 150.000/kg, cá chép đỏ có giá từ 200.000 – 250.000/kg. Trong đó, cá chép vàng được ưu chuộng hơn vì giống cá này khỏe, vẩy không bị bong, màu vàng bóng, đẹp mắt.
Chợ Yên Sở là chợ cá chép đầu mối đổ buôn cho các chợ cóc ở khu vực nội thành, vì vậy, tại đây giá cũng rẻ bằng 1 nửa so với các chợ trong nội thành Thủ đô.
Cô Hoa, một người bán cá chép ở chợ Châu Long (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Tôi bán 10.000 đồng/con cá nhỏ, 15.000 đồng/con cá to ở chợ. Một ngày có thể bán tới cả tạ".
Ngoài cá chép, vàng mã cũng là mặt hàng được quan tâm nhiều nhất. Nhu cầu của người dân lớn nhưng tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, như chợ Hôm, chợ Châu Long, chợ Khâm Thiên, giá bán của các mặt hàng vàng mã đều khá ổn định.
Tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm), nơi góc phố nổi danh với những mặt hàng tiền vàng, mũ áo, cá chép, hương, nến... đang rực đỏ để phục vụ nhu cầu tâm linh cho các ngày Lễ, Tết cố truyền, cảnh mua bán diễn ra tấp nập. Tại đây, chỉ tính riêng 3 ngày cận Tết ông Táo, đã có hàng nghìn người tới đây mua sắm vàng mã cung tiến ông Táo về trời.
Tại cửa hàng bà Huê trên phố Hàng Mã, các bộ mũ, giày Táo Quân là mặt hàng bán chạy nhất chúng dao động từ 100.000 – 200.000 đồng tùy thuộc vào kích cỡ. Tiếp đến là bộ đồ cúng thần tài, thỏi vàng tài lộc có giá khoảng 30.000 đồng/vật phẩm.
Bà Huê cho biết, giá vàng mã năm nay có nhiều mẫu mới, phong phú, đa dạng và đẹp hơn nhưng giá cả lại có xu hương giảm nhẹ: "Năm nay có một số mẫu như đào tiên giấy, bánh chưng giấy, hoặc cá chép có khung mây rất đẹp,... được nhiều người tìm đến. Nói chung, năm nay bán hàng chậm hơn mọi năm một chút vì thời tiết nắng, mưa bất thường", bà Huê cho biết.
Tại cửa hàng của anh Dũng, cũng nằm trên phố Hàng Mã có bộ ông Công, ông Táo, kèm bộ thần tài "hàng hiệu" giá 500.000 đồng đang được người tiêu dùng chú ý.
"Xét về mặt bằng chung thì mẫu này đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần các bộ bình dân. Tuy nhiền, tiền nào của đó, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn", anh Dũng nói.
Tuy vậy, năm nay kinh tế khó khăn, thay vì mua sắm vàng mã "hàng hiệu", người tiêu dùng vẫn trung thành với những sản phầm có giá bình dân. Ngoài các cửa hàng vàng mã có "biển hiệu" thì những gánh hàng bán vàng mã rong cũng đang tích cực "chạy show" để kịp thời phục vụ ngày Tết ông Táo, giá vàng mã của các gánh hàng rong cũng đắt hơn đôi chút.
Anh Dũng tiết lộ, chỉ riêng mấy ngày cận Tết ông Công, ông Táo cửa hàng của anh Dũng đã bán được gấp 10 lần ngày thường.
Bình luận