• Zalo

COVID-19: Số người thiệt mạng ở Anh và Pháp vượt 20.000

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 26/04/2020 08:27:59 +07:00Google News
(VTC News) -

Tổng số người chết do COVID-19 tại Anh và Pháp tăng lên hơn 20.000 trường hợp, trong khi WHO cảnh báo về nguy cơ "tái nhiễm" COVID-19 lần hai.

Số người chết ở Anh, Pháp vượt 20.000

Theo số liệu Chính phủ Anh công bố hôm thứ Bảy (25/4), có thêm 813 người chết vì COVID-19 ở nước này, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh lên 20.319. 

Gần 6 tuần trước, cố vấn khoa học của chính phủ Anh, ông Patrick Vallance, nói rằng việc giữ con số dưới mức 20.000 sẽ là "một kết quả tốt mà chúng ta hy vọng có được".

COVID-19: Số người thiệt mạng ở Anh và Pháp vượt 20.000 - 1

Số người chết và nhiễm bệnh tại Anh và Pháp tiếp tục tăng. 

Trong khi đó, số người chết ở Pháp do COVID-19 đã tăng thêm 369, đưa tổng số ca thiệt mạng lên 22.614, Bộ Y tế nước này cho biết hôm thứ Bảy (25/4). 

Bộ Y tế nước này cho biết, có 124 bệnh nhân được đưa vào các đơn vị chăm sóc đặc biệt trong 24 giờ qua, mặc dù số người chết hàng ngày do COVID-19 tại Pháp đã giảm đều đặn trong 2 tuần qua.

Hiện Chính phủ Pháp đang xem xét dữ liệu để giảm nhẹ lệnh phong tỏa được áp dụng từ giữa tháng 3. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt mục tiêu giảm bớt một số biện pháp phong tỏa vào ngày 11/5 với việc các trường học mở cửa lại trước. 

Số ca nhiễm trên tàu Costa Alantica tăng nhanh

Số ca mắc COVID-19 trên tàu Italy Costa Alantica ở Nhật Bản đã tăng lên gần 150 trường hợp. Con tàu đang cập cảng ở phía Tây Nhật Bản. Nhà điều hành tàu lần đầu tiên thông báo cho chính quyền địa phương về ca nghi nhiễm virus vào cuối tuần trước.

COVID-19: Số người thiệt mạng ở Anh và Pháp vượt 20.000 - 2

Số ca nhiễm trên tàu Costa Alantica tiếp tục tăng nhanh.

Nhật Bản trước đó đã xử lý một ổ dịch khác trên tàu du lịch, cập cảng ở Yokohama vào tháng 2 sau khi một hành khách đã rời tàu được xác nhận mắc bệnh. Hơn 700 người sau đó được xác nhận mắc bệnh và 13 người chết.

WHO cảnh báo về nguy cơ "tái nhiễm" COVID-19

WHO hôm 25/4 cảnh báo chưa có bằng chứng nào việc những người mắc COVID-19 đã hồi phục không bị tái nhiễm, mặc dù họ có kháng thể.

Cơ quan y tế Liên hợp quốc cho rằng việc sử dụng “hộ chiếu miễn dịch” hay “chứng nhận không có nguy cơ” đối với những người đã bị mắc bệnh và hồi phục có thể làm tăng nguy cơ lan truyền bệnh dịch. Bởi vì những người này dễ bỏ qua các khuyến cáo phòng bệnh cơ bản.

WHO cũng cảnh báo, độ tin cậy và chính xác của các xét nghiệm kháng thể với virus corona chưa được thể khẳng định chắc chắn.

WHO: Sản xuất vaccine COVID-19 cần ít nhất 12 tháng

Phương Anh(Nguồn: The Guardian, Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn