• Zalo

Cơ quan đăng kiểm: 'Máy tàu vỏ thép được làm giả tinh vi'

Kinh tếThứ Sáu, 23/06/2017 07:13:00 +07:00Google News

Lãnh đạo cơ quan đăng kiểm hàng chục tàu vỏ thép bị hư hỏng ở Bình Định nhận trách nhiệm và cho rằng máy tàu được làm giả tinh vi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định vừa công bố kết quả thẩm định chất lượng 17 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

Về nguồn gốc xuất xứ, 5 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng sử dụng thép Trung Quốc, 12 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu đóng sử dụng thép Hàn Quốc.

Trong 17 tàu, 12 tàu có động cơ hoạt động không ổn định. Trong đó, 9 máy chính tàu hiệu Mitsubishi MPTA. Hãng Mitsubishi đã có văn bản xác nhận đây không phải là những máy do hãng sản xuất.

tau-vo-thep-1206-1498136328

Nhiều tàu cá vỏ thép mới ra khơi vài chuyến đã rỉ sắt, hư hỏng. (Ảnh: Thạch Thảo) 

Riêng 3 máy chính của hãng Doosan có kết cấu đồng bộ của động cơ thủy, tuy nhiên trong quá trình hoạt động không ổn định, động cơ bị nóng. Trong đó, một máy chính Doosan lắp trên tàu của ông Trần Đình Sơn bị hư hỏng nặng, gãy trục khuỷu và hư piston.

Trong 25 máy phụ được lắp trên 17 tàu vỏ thép, có một máy do Trung Quốc sản xuất, nhiều máy không ghi nhãn mác. Thực tế, 3 máy phụ hoạt động không ổn định, 2 máy phụ bị hư hỏng.

Tổ thẩm định cũng đã phát hiện nhiều thiết bị hàng hải, các thiết bị của hệ thống đèn không đạt chất lượng, không đúng với hợp đồng doanh nghiệp đóng tàu ký với ngư dân. Trong 17 tàu, có 14 tàu hầm bảo quản hải sản bị đọng nước, giữ nhiệt kém, bơm phôm không đều, rỉ sét .

Sau khi báo cáo, ông Trần Văn Phúc - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Bình Định đề nghị Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương phải thay máy mới cho ngư dân, cũng như thay thế các thiết bị khác bị hư hỏng, các thiết bị doanh nghiệp lắp đặt không đúng với hợp đồng.

Trước yêu cầu này, ông Bùi Hữu Hùng - Phó tổng giám đốc Công ty Nam Triệu hứa sẽ thay máy mới theo đúng hợp đồng cho ngư dân.

Về xuất xứ của động cơ, ông Hùng cho rằng máy Mitsubishi lắp cho tàu vỏ thép được mua từ Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát. Hợp đồng mua máy thủy chính hãng mới 100%.

Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Bình Định, cho biết ngoài bồi thường theo hợp đồng, Tổ công tác thẩm định đề nghị các địa phương thống kê để làm việc với doanh nghiệp yêu cầu bồi thường việc ngư dân lỡ chuyến biển trong thời gian tàu nằm bờ.

Liên quan đến trách nhiệm đăng kiểm, ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá - Tổng cục thủy sản nhận trách nhiệm và cho rằng máy tàu được làm giả tinh vi, trình độ của đăng kiểm viên còn yếu năng lực nên không phát hiện. Ông cho biết, chưa phát hiện có sự cấu kết giữa đăng kiểm viên và đơn vị đóng tàu.

"Chúng tôi đã kiểm điểm về vấn đề này và xem xét nâng cao trình độ của cán bộ đăng kiểm trong thời gian tới", ông Đức nói và cho biết Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo rà soát lại tất cả tàu vỏ thép đã đóng theo Nghị định 67 để đảm bảo an toàn cho ngư dân.

tau-vo-thep-2-3258-1498136328

Gần 5 tháng qua, ông Lê Ngô Hát (huyện Phù Cát) thắc thỏm khi tàu nằm bờ ở cảng cá Đề Gi. (Ảnh: Thạch Thảo)

Lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm tàu cá cho hay, phí đăng kiểm một con tàu trị giá 20 tỷ là khoảng 60 triệu đồng. Tuy nhiên trước câu hỏi về việc bồi thường cho ngư dân khi cơ quan đăng kiểm không làm tròn trách nhiệm, ông Đức cho rằng "phí này là theo quy định Nhà nước".

Nhiều tháng qua, hàng chục tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Bình Định bị hư hỏng nằm bờ. Ngư dân Trần Đình Sơn (huyện Phù Mỹ) cho biết ông vay ngân hàng đóng tàu vỏ thép gần 20 tỷ đồng.

Hai chuyến biển gặp sự cố do tàu hỏng máy khiến ông lỗ gần 200 triệu đồng, tàu nằm bờ không khai thác khiến ông không có tiền trang trải, trong khi hàng tháng phải trả nợ ngân hàng. Tàu vỏ thép hư hỏng khiến nhiều ngư dân như ông lâm vào tình cảnh khốn đốn.

Video: Tàu vỏ thép 'đắp chiếu' ở Bình Định - Công ty đóng tàu đánh tráo thép Trung Quốc

Trước phản ánh của ngư dân, đầu tháng 6, UBND tỉnh Bình Định đã thành lập Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép.

Tháng 7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Sau hơn một năm triển khai, chính sách này được sửa đổi, bổ sung một số điều thành Nghị định 89. Theo đó, cả nước sẽ đóng mới 2.079 tàu đánh bắt xa bờ, 205 tàu dịch vụ hậu cần.

Tại Bình Định có 47 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ và 5 tàu composite đóng theo Nghị định 67. Tuy nhiên có 17 tàu vỏ thép bị hư hỏng. Trước sự việc này, Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp làm rõ các thông tin liên quan đến hoạt động đóng mới, nâng cấp, đăng kiểm tàu cá theo Nghị định này; kịp thời đề xuất xử lý nghiêm sai phạm và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/6.

(Nguồn: VnExpress )
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn