Chốt phiên giao dịch chứng khoán sáng 14/12, mã TIS của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) tạm đứng mức 9.000 đồng, giảm 7,2%, tương ứng mỗi cổ phiếu “bay” 700 đồng.
Đáng chú ý, tính từ đầu năm (1/1 – 14/12), cổ phiếu TISCO lao dốc tới 33,3%, tức giảm 4.500 đồng mỗi cổ phiếu. Với hơn 284 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hoá thị trường TISCO “bay hơi” khoảng hơn 1.200 tỷ đồng.
Quan sát diễn biến thị trường có thể thấy, cổ phiếu TISCO lao dốc sau thông tin khởi tố 14 bị can liên quan đến những sai phạm tại TISCO II. Theo đó, ngày 13/12, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đang điều tra vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II (TISCO II).
Cơ quan chức năng đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 14 bị can về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Không chỉ giá cổ phiếu lao dốc, lợi nhuận 9 tháng đầu năm của TISCO cũng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 cho thấy doanh thu TIS giảm nhẹ 2,5% so cùng kỳ còn 2.105 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 415 triệu đồng, giảm “sốc” so với số lãi hơn 3,2 tỷ đồng quý III/2019.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần TIS đạt 7.009 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 60% xuống còn 16 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 14,5 tỷ đồng.
Liên quan đến sai phạm tại dự án Gang thép Thái Nguyên, tại kỳ họp thứ 41, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam.
Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận Ban thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để tổng công ty có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO II), gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, gây bức xúc trong xã hội.
Tháng 5/2005, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II Giang thép Thái Nguyên được Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư mở rộng để tăng thêm năng lực sản xuất 500.000 tấn phôi thép/năm, sử dụng nguồn quặng trong nước.
Tháng 7/2007, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và Tập đoàn Xây lắp luyện kim (MCC) của Trung Quốc ký hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt (EPC). Đến ngày 29/9/2007 thì dự án được khởi công. Dự án có tổng mức đầu tư dự tính ban đầu gần 3.844 tỷ đồng.
Mặc dù theo cam kết tại Hợp đồng, giá hợp đồng tổng thầu là trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện, song đến năm 2012, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) và TISCO có văn bản gửi Bộ Công Thương và Chính phủ xin điều chỉnh mức đầu tư.
Theo đó, ngày 15/5/2013, Chủ tịch Hội đồng quản trị TISCO ký phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên tới trên 8.104 tỷ đồng (tăng 4.261 tỷ đồng), thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động. Tuy nhiên, gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.
Đến thời điểm Thanh tra Chính phủ vào cuộc, đầu năm 2017, TISCO đã thanh toán cho dự án gần 4.500 tỷ đồng, trong đó chi phí thiết bị hơn 2.100 tỷ đồng, chi phí xây dựng gần 1.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả của dự án là 3.900 tỷ đồng, tức tương đương với tổng mức đầu tư của dự án ban đầu. Trong đó, TISCO (chủ đầu tư) đã thanh toán cho nhà thầu MCC trên 92% giá trị hợp đồng, nhưng các hạng mục chính của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành.
Bình luận