• Zalo

Chuyện lạ về hai người phụ nữ không chịu lấy chồng, sống cảnh 'người rừng' ở Vĩnh Phúc

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 22/11/2016 07:00:00 +07:00Google News

Trên đảo không thiếu bất cứ một cái gì, lại rất thoải mái, đó cũng là nguyên nhân khiến chúng tôi gần như sống biệt lập với thế giới bên ngoài

Ít ai ngờ được, giữa một vùng ruộng đồng rộng lớn miền trung du của xã Liên Hòa (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc), xung quanh là làng mạc sung túc, trù phú, lại lọt thỏm một cái “ốc đảo”. Ốc đảo tựa như một khu rừng nguyên sinh nhỏ bé, và ở đó, vẫn tồn tại một cuộc sống khác người của 2 chị em được mệnh danh “người rừng”.

 “Ốc đảo” và “đại lục”…

Đó là cách gọi dí dỏm của những người dân ở thôn Ngọc Liễn khi chúng tôi hỏi đến nơi sinh sống 2 chị em “người rừng”. Và quả thực nếu không được chỉ dẫn, chúng tôi cũng không hình dung ra được trên đó lại có người sinh sống.

Cả một vùng đồng ruộng rộng lớn, lầy lội, mọc lên một cái đồi đất nho nhỏ, cây cối mọc cao vút, tre pheo rậm rạp. Nhìn từ xa, nó tựa như một mảnh đất bỏ hoang, hoặc là một khu nghĩa địa nào đó của thôn xóm như hình ảnh thường thấy ở vùng trung du Bắc Bộ, in lìm, đầy bí ẩn. Tìm tòi mãi, chúng tôi mới phát hiện ra một con đường bé xíu ngoằn ngoèo, dài tầm hơn 400 mét, đủ một người đi, băng qua cánh đồng, xuyên thẳng tới “ốc đảo”.

Hai chị em được mệnh danh “người rừng” sinh sống trên “ốc đảo” là bà Nguyễn Thị Ngọc (66 tuổi) và Nguyễn Thị Môn (55 tuổi). Bà Ngọc trước là giáo viên một trường trung học ở Phú Thọ, về sau xin nghỉ hưu non và chuyển về sống cùng với người em gái ở đây. Cả hai đều không lập gia đình, sống nương tựa vào nhau, không giao du với thế giới bên ngoài.

IMG_7179

 Con đường nhỏ dẫn vào "ốc đảo"

Lo cho cuộc sống của 2 chị em, nhất là họ đều đã có tuổi, lỡ lúc có bệnh tật hay cướp bóc thì không biết có ai mà kêu cứu, dân “đại lục” (ám chỉ những làng xóm xung quanh khu đồng ruộng) tìm đủ mọi cách từ vận động đến lôi kéo, bắt ép cả 2 chuyển ra ngoài sinh sống với cộng đồng, nhưng tất cả mọi biện pháp đều không ăn thua. Bao nhiêu năm qua, họ vẫn sống ẩn dật trên khu đất hoang vắng đó.

Biết chúng tôi đang có ý định vào tìm hiểu cuộc sống khác người của những dị nhân trên “ốc đảo”, dân thôn Ngọc Liễn xúm lại thi nhau kể chuyện, họ thêu dệt đủ mọi câu chuyện ma quái. Thậm chí, có người còn bảo 2 chị em “người rừng” vốn bị ma ám, hay là bị bỏ bùa, nên mới sống kiểu tách biệt như vậy.

Diện kiến “người rừng”

Vào đến “ốc đảo”, tôi cảm nhận rõ đây là một thế giới khác hẳn so với bên ngoài. Bên trong là một khu "rừng rậm", không khí mát lạnh, chim chóc véo von… Đi thêm một đoạn nữa, chúng tôi mới thấy một con đường ngoằn ngoèo xuyên giữa khu rừng ấy, dẫn đến một căn nhà cũ kỹ, ngăn cách bởi một cánh cửa tạm bợ buộc bằng mấy thanh tre nứa. Nghe thấy có tiếng người lạ, đàn chó hơn chục con xồ ra gầm gừ, sủa râm ran một vùng. Mãi sau, mới thấy có một bóng người tóc tai bù xù lò dò ra mở cửa.

IMG_7184

"Người rừng" Nguyễn Thị Ngọc bên căn nhà nhỏ lọt thỏm giữa ốc đảo 

Trái ngược với suy nghĩ ban đầu, “người rừng” Nguyễn Thị Ngọc tỏ ra rất thân thiện và gần gũi, và không khỏi ngỡ ngàng khi lâu lắm rồi, nơi đây mới có khách lạ đến chơi. “Người rừng” nhanh nhảu mời chúng tôi vào nhà uống nước, rồi tíu tít kể đủ chuyện trên trời dưới đất.

Bà Ngọc cho biết, sở dĩ 2 chị em bà nuôi thêm đàn chó dữ bởi thời gian trước, khi bọn nghiện phát hiện ra mảnh đất “thiên đường” này, liền y như rằng kéo hết ra đảo hút chích, rồi tiện thể bắt sạch luôn cả đàn gà vịt nuôi trên đảo mang đi bán lấy tiền mua thuốc. Thậm chí, chúng còn giết cả bò, mổ cả lợn. Hai chị em thân cô thế cô không biết làm gì ngoài việc trốn tránh. Cực chẳng đã, họ đành mua chó dữ về trông nhà, vừa bảo vệ bản thân, vừa đánh động cho những người dân ở mấy làng xóm xung quanh biết và kéo vào ứng cứu nếu như trên đảo có sự cố.

123456

 

Untitled12223

Bên trong ốc đảo tựa như một khu rừng nguyên sinh thu nhỏ 

Ốc đảo này có từ những năm 40 thế kỷ trước. Gia đình của bà Ngọc vốn có 7 anh chị em, quê gốc ở Thanh Hóa. Ông cụ thân sinh của họ vốn là một thầy lang nổi tiếng thời Pháp thuộc, được người dân khắp nơi mời đến tận nhà chữa bệnh. Mỗi lúc như thế, ông kéo cả gia đình đi cùng, có khi chuyến đi kéo dài hàng tháng trời. Phiêu bạt mãi, ông cụ dạt đến Ngọc Liễn và nhận ra mảnh đất này khá thuận lợi cho việc trồng những cây thuốc quý, liền bảo cả gia đình dựng nhà và sinh sống với sự giúp đỡ của dân làng.

Không được bao lâu thì Cách mạng tháng 8 nổ ra, rồi một thời gian ngắn sau thực dân Pháp kéo ra đô hộ miền Bắc. Chúng thường xuyên kéo quân vào làng đốt nhà, truy quyét du kích. Không muốn rời bỏ mảnh đất này, ông cụ đành kéo cả gia đình lẩn trốn ra ốc đảo, hồi ấy còn là một khu rừng nguyên sinh rậm rạp, rồi sinh sống luôn ở đó.

Bản thân bà Ngọc cùng bà Môn, với một người em trai khác đều được sinh ra trên ốc đảo đó, nên tuổi thơ của họ luôn gắn bó với mảnh đất rộng gần 3 mẫu này. Về sau, 7 anh em thì 5 người đã thoát ly đi khắp các vùng miền khác nhau trong cả nước, mỗi cô em Nguyễn Thị Môn ở lại trông nom nhà cửa và ngôi mộ thân sinh được chôn ngay trên đảo. Riêng bà Ngọc, một ngày bà bỗng thấy chán cảnh bon chen phố phường nơi mình đang dạy học, liền xin nghỉ hưu non và về đây sống cùng người em gái của mình.

Thời gian đầu, bà Ngọc thường xuyên đi ra ngoài đảo. Vốn có kiến thức về y học được truyền lại của ông cụ thân sinh, cứ đi đâu thấy thảo dược có thể chữa bệnh và ăn được, bà lại mang về trồng hết trên đảo. Đến lúc cảm thấy mọi thứ cần thiết cho cuộc sống đã đầy đủ, bà ở ẩn luôn trên đó, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Cuộc sống đáng mơ ước của 2 chị em trên ốc đảo

“Người rừng” Nguyễn Thị Ngọc bảo rằng, người khác thì không biết thế nào, nhưng đối với bà và em gái, cuộc sống vô tư, thanh thản,  không phải lo nghĩ, và sức khỏe luôn được đảm bảo, chính là cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy nhất, và họ đã tìm thấy được tất cả những điều ấy khi trở về sinh sống trên ốc đảo.

Điều quan trọng nhất, ở đây có không khí trong lành, thoải mái, yên tĩnh và gần gũi với thiên nhiên nơi núi rừng hoang đã. Chính vì thế, họ không muốn rời khỏi hòn đảo, nơi đã sinh ra mình, cũng như “quên” luôn cả việc lập gia đình.

IMG_7191

 

IMG_7198

 Cuộc sống của 2 chị em trên đảo hoàn toàn tự cung tự cấp

“Ở đây nhiều tiền hay ít tiền thì cũng không phải là vấn đề, vì chúng tôi hoàn toàn tự cung tự cấp. May chăng, phải mấy tháng chúng tôi mới phải ra ngoài một lần để mua muối, còn lại trên đảo không thiếu bất cứ một cái gì, lại rất thoải mái, đó cũng là nguyên nhân khiến chúng tôi gần như sống biệt lập với thế giới bên ngoài”, bà Ngọc cho biết.

Nước sinh hoạt và ăn uống được lấy từ cái giếng tự đào gần nhà, nước mát lạnh, không có độc do các rễ cây đã lọc bỏ hết. Cây thuốc thì cũng trồng đầy trên đảo. Về lương thực, 2 chị em có một khoảnh ruộng nho nhỏ ngay bên rìa, lượng lúa gạo trồng được đủ dùng quanh năm. Về thực phẩm, rau sạch thì trồng đủ các loại, hoàn toàn sạch sẽ, cá họ có thể đánh bắt ở ruộng, câu ở cái ao nhỏ nằm giữa đảo, thịt thì có mấy con lợn cùng đàn gà hàng trăm con ở mấy cái chuồng quanh nhà.

Chưa hết, 2 chị em còn nuôi thêm bò, và cả một đàn chim bồ câu cùng với mấy loại chim khác, trứng chim lẫn trứng gà thì ăn đến phát ngán cũng không hết. Mặt khác, cũng chính vì điều kiện thiên nhiên quá thuận lợi nên vật nuôi trên đảo cứ sinh sôi phát triền ầm ầm, lâu lâu phải gọi người bên ngoài vào bán bớt. Tuy nhiên, bán xong thi tiền cũng chỉ để đó chứ chả biết làm gì.

“Cũng vì điều kiện ở đây quá tốt nên bao nhiêu năm qua, chúng tôi chưa hề biết đến chuyện mắc bệnh hay phải đến bệnh viện, và cũng không bao giờ phải mua thức ăn hay bất cứ đồ dùng nào khác ở ngoài, trừ muối. Cho nên, dù có bất cứ ai bảo rằng chúng tôi là người rừng, là lập dị, thì chúng tôi vẫn luôn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc khi được sống trên hòn đảo thơ mộng này, không phải đi đâu hết cả”, bà Ngọc cười phá lên khi PV đặt câu hỏi đến lúc nào đó, họ cảm thấy cần phải quay lại với cộng đồng, với làng xóm hay không?.

Hải Minh

Bình luận
vtcnews.vn