Trả lời trực tuyến từ Singapore, PGS.TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, nhận định trái phiếu là kênh huy động nguồn vốn đặc biệt quan trọng, không chỉ cho doanh nghiệp mà cả Chính phủ. Vì thế, ông Khương nêu quan điểm: Việt Nam cần chú ý hơn nữa về vấn đề tạo nền móng cho tương lai.
Ông Khương phân tích, nhìn những quốc gia đã tạo ra những phát triển thần kỳ thì trái phiếu có vai trò rất quan trọng, đến 100% của GDP, trong đó khoảng 50% của doanh nghiệp và 50% của Chính phủ. Chẳng hạn như Hàn Quốc, có đến 18 địa phương phát hành trái phiếu xây dựng đường sắt, tàu điện ngầm, các công trình được xây dựng, phát triển mạnh. Việc đầu tư vào những cái tạo ra giá trị thì chúng ta không tiếc đầu tư, không tiếc sức để vay tiền nếu thực sự có thể tạo ra giá trị. Khi một đồng được đầu tư vào những thứ chuẩn xác, đúng hướng sẽ tạo ra nhiều lời lãi, giúp tăng trưởng rất nhanh, rất thần kỳ.
Ông Khương dẫn giải: "Tôi nghĩ chúng ta cần đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh. Chúng ta phải biến những thách thức thành cơ hội để những ý chí, quyết tâm, nỗ lực của chúng ta trong việc xây dựng nền tảng, hệ thống trái phiếu trở thành đẳng cấp thế giới trong thời gian tới.
Tôi thấy kinh nghiệm thế giới, trái phiếu phát hành 3 loại. Một là phải mua bảo hiểm. Khi mua bảo hiểm thì dân rất yên tâm mua, vì bảo hiểm đã kiểm tra rất kỹ trình độ trái phiếu ra sao.
Dạng thứ hai là phát hành trái phiếu nhưng có bảo lãnh. Tôi mua miếng đất này, xây dựng công trình tàu điện ngầm kia ra sao, hoàn toàn có bảo lãnh, bảo đảm bằng chính tài sản của mình. Đây cũng là công thức tốt, nghĩa là ta phải tạo ra nền móng rất khoa học.
Loại trái phiếu thứ ba là loại hoàn toàn không có bảo lãnh, không bảo hiểm thì phải ít nhất có hai công ty đánh giá kinh nghiệm, năng lực, thẩm định để giúp người dân yên tâm.
Nhìn những báo cáo quốc tế của Việt Nam vừa rồi phát hành thấy lãi suất quá cao trong bối cảnh đồng tiền Việt Nam ổn định so với USD thì tôi thấy các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp khó. Ví dụ vừa rồi lãi suất 13% so với thế giới là rất cao, như vậy là rất khó. Nếu dùng đòn bẩy quá cao, tức là hầu hết dựa vào trái phiếu, để đầu tư xây dựng thì lại càng khó nữa vì lãi suất cao sẽ dễ làm lỗ. Do đó cần có khảo sát, giúp đỡ họ thật kỹ".
Ông cũng nêu 3 tuyến phòng vệ trong vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp để tránh vấn đề hình sự. Tuyến phòng vệ thứ nhất là các lãnh đạo doanh nghiệp khi chuẩn bị cần hiểu thật kỹ về quản trị doanh nghiệp. Tuyến phòng vệ thứ hai là bảo đảm vấn đề pháp lý, phản ứng cứu hộ. Tuyến phòng vệ thứ ba là cần kiểm toán hằng năm đề đánh giá, bởi tình hình kinh tế biến đổi rất nhanh, do đó cần cập nhật các ý kiến kiến nghị thường xuyên, liên tục.
Có thể nhìn thấy, một số quốc gia không chú ý đầu tư nâng cấp hệ sinh thái cho trái phiếu nên khó phát triển, ví dụ như Indonesia hay Philippines vẫn quanh quẩn 30 USD cho doanh nghiệp trái phiếu. Chỉ mức đó thì khó tiến lên được, trong khi ở Hàn Quốc, họ có thể phát hành cả nghìn tỷ USD.
"Nói chung, xây dựng một nền tảng cho hệ thống tài chính lành mạnh cho tương lai của Việt Nam là vấn đề rất cấp bách. Tôi tin là Chính phủ nhiệm kỳ này có thể làm được vấn đề đó và coi thách thức hiện giờ chúng ta gặp phải là một quyết tâm chiến lược để Việt Nam để tạo ra một nền móng thật tốt trong thời gian tới".
Cùng quan điểm, GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp là một thị trường vốn rất quan trọng cho doanh nghiệp. Trong năm 2021 và quý đầu năm 2022, chúng ta chứng kiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất sôi động. Tuy nhiên, sang đầu năm 2022, thị trường rơi vào khó khăn, huy động của phát hành trái phiếu mới giảm đi. Thậm chí nhiều doanh nghiệp năng lực khá tốt nhưng vì tâm lý của nhà đầu tư mà phát hành giảm sút.
Khó khăn thứ hai là nhiều khoản trái phiếu chưa đến hạn đáo hạn mà nhà dầu tư đã muốn rút. Rồi có nhiều doanh nghiệp năng lực yếu cho nên đến thời kỳ là phải đáo hạn trái phiếu, bây giờ không phát hành được các lô mới lại không có nguồn để đáo hạn. Đó là yếu tố tạo ra rủi ro và tạo ra sức ép lớn cho nhiều doanh nghiệp…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng nhìn nhận: thị trường của chúng ta rất non trẻ, mới bắt đầu hình thành và chắc chắn các chủ thể trong thị trường này cũng non trẻ cùng với sự hình thành và phát triển đó, kể cả là các doanh nghiệp phát hành, các nhà đầu tư đến bản thân các cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Ông Chi nêu một số giải pháp chính để gỡ khó cho thị trường quan trọng này.
Thứ nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được lãi suất, tỉ giá, lạm phát...từ đó điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, giải quyết các khó khăn. Nếu giữ được như hiện nay và tiếp tục quá trình đó thì đó chính là điểm tựa để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động tốt dần lên và hiệu quả hơn, từ đó quay trở lại phát triển.
Thứ hai phải có những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường trái phiếu. Nó phải được ứng xử một cách linh hoạt và hiệu quả, đáp ứng kịp thời diễn biến thực tiễn. Thời gian vừa qua, Chính phủ ra 2 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và số 08/2023/NĐ-CP. Những quy định pháp lý mới nhất như vậy đã kịp thời giúp các doanh nghiệp phát hành, rồi nhà đầu tư có điều kiện và công cụ pháp lý, có thời gian để giải quyết những khó khăn trước mắt về dòng tiền, thanh khoản, tài sản đảm bảo, và giải quyết những vấn đề khác liên quan…trên nguyên tắc xuyên suốt là lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ.
Thứ ba, khi tình hình thị trường bất động sản gặp khó khăn, Chính phủ đã có nhiều giải pháp khác nhau để hỗ trợ và giúp cho các doanh nghiệp phát hành. Chính phủ đã có chính sách giãn nợ, chuyển nhóm nợ của các doanh nghiệp, rồi giảm lãi suất, giãn thuế, giảm thuế…Những giải pháp này sẽ tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường tiếp tục ổn định trở lại và phát triển bền vững.
Thứ tư, các cơ quan chức năng của Nhà nước thời gian vừa qua cũng tăng cường giám sát, kiểm tra, thậm chí thanh tra để đảm bảo thị trường này minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhưng bên cạnh đó, thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Doanh nghiệp phải tôn trọng các thỏa thuận của doanh nghiệp phát hành với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật và phải thực thi trách nhiệm của mình. Nhà nước đảm bảo việc đó được thực hiện.
"Tôi đồng tình là vẫn phải tiếp tục làm và làm tốt hơn, thậm chí phải đào tạo cho thị trường một bản lĩnh vững vàng. Tất cả các chủ thể khi tham gia thị trường là đón nhận lợi ích và chia sẻ rủi ro, khi đó chúng ta có một thị trường trái phiếu thực sự phát triển ổn định, bền vững. Bên cạnh các kênh dẫn vốn khác, nó sẽ giúp nền kinh tế đồng bộ và phát triển một cách hiệu quả", ông Chi nhấn mạnh.
Ổn định kinh tế vĩ mô rất thành công
Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng chung nhận định: Kinh tế trong nước và thế giới năm 2022, những tháng đầu năm 2023 đối diện với khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi; biến động nhanh; rất khó lường, khó dự báo, có những thực tiễn xảy ra còn vượt quá dự báo và độ phức tạp của tình hình thế giới tác động đến các nền kinh tế.
Tuy nhiên, các chính sách, điều hành từ năm ngoái cũng như đầu năm nay vẫn có thể giúp kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra.
GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: "Trong bối cảnh thế giới có những cơn sóng chao đảo như vấn đề lạm phát, sụt giảm tăng trưởng, Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là thành công lớn nhất để chúng ta tạo được sự ổn định rất nhiều mặt, kể cả đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chúng ta không phải trả giá cho việc khôi phục lại các cân bằng".
Ông Cường phân tích kỹ trên 3 góc độ:
Thứ nhất, ổn định vĩ mô rất thành công, việc điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ đã ứng phó rất kịp thời, phù hợp và hiệu quả. Trong bối cảnh dịch, rất nhiều nước cũng dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, nhưng hậu quả kéo theo sau dịch là lạm phát. Nhưng Việt Nam vẫn hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, cũng dùng tài khóa nhưng không bị rơi vào lạm phát. Trong bối cảnh khó khăn như thế, đương nhiên nguồn thu có xu hướng bị sụt giảm, nhất là chúng ta lại miễn, giãn, hoãn các khoản thu. Nhưng thực tế hai năm qua, năm 2021 và 2022, thu đều vượt qua dự báo rất nhiều, thể hiện ở chỗ chúng ta tranh thủ cơ hội để khai thác được nguồn thu để bù đắp cho phần giãn, hoãn, chậm nộp của doanh nghiệp. Chính vì thế, nợ công giảm xuống rất thấp, trước đây có thời kỳ trên 50%, nếu tính theo GDP mới thì năm 2021 xuống 42% và 2022 chỉ còn hơn 38%. Đây là dư địa rất tốt để chúng ta tiếp tục sử dụng những chính sách tài khóa này. "Đấy là thành công và cho thấy chúng ta rất khéo léo, hiệu quả trong sử dụng tài khóa", ông Cường nói.
Về tiền tệ chúng ta là nước duy trì được giá đồng tiền ổn định nhất, tốt nhất. Tỉ giá của chúng ta không phải cứng nhắc, có sự điều chỉnh, thay đổi linh hoạt. Đấy là những yếu tố thể hiện sự thành công của Việt Nam, cả thế giới lạm phát cao như thế, chúng ta duy trì được, nhất là nền kinh tế của chúng ta mở, khi giá đồng tiền các nước tăng cao, đồng tiền của chúng ta nguy cơ mất giá là rất cao. Ngay gần đây, trong năm 2022 và những tháng gần đây, trong khi thế giới dự báo lạm phát có xu hướng chậm lại, các ngân hàng lớn của các nước hầu như chưa có động thái giảm lãi suất điều hành, nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, nhằm đưa mặt bằng lãi suất thấp xuống, giúp cho doanh nghiệp có nguồn lực. Đây là hành động quyết liệt trong bối cảnh hiện nay và cũng cương quyết.
Thứ ba, công tác điều hành giữa Chính phủ, Quốc hội có sự tương tác, hỗ trợ đồng hành rất rõ, gần như là các chính sách ra đời luôn có sự hỗ trợ đồng hành và tương tác nhanh chóng. Trong năm qua, có rất nhiều chỉ thị của Chính phủ để giải quyết ách tắc, thậm chí lãnh đạo Chính phủ có nhiều cuộc thị sát tới tận địa bàn, thể hiện quyết tâm, quyết liệt rất tốt của Chính phủ.
PGS.TS Vũ Minh Khương cũng cho rằng, Việt Nam đồng là đồng tiền tốt nhất thế giới hiện nay. "Đáng mừng là Việt Nam đang thể hiện bản lĩnh tốt. Bên ngoài nhìn vào Việt Nam hiện như con tàu chòng chành thế nhưng có sự chèo lái vững vàng, hệ số tín nhiệm cải thiện, thu chi ngân sách tốt, lạm phát kiểm soát chặt chẽ so với nhiều nước...Tôi đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp các nhà đầu tư quốc tế yên tâm. Họ nói khả năng ứng đáp cũng Việt Nam khá tốt, Việt Nam đồng là đồng tiền tốt nhất, các đồng tiền khác đều mất giá", ông Khương nói.
Trong khi đóm Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin: Để so sánh với các nước trên thế giới và khu vực, qua các con số tổng hợp – thống kê, bối cảnh vĩ mô của chúng ta vẫn ở mức khá tích cực. Ví dụ như sau khi hết quý I, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,32%, trong khi các đối tác chính, nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng thấp như Mỹ đạt 1,6%; EU đạt 1,3%; Nhật đạt 1,3%; Hàn Quốc đạt 0,8%.
Mức tăng trưởng 3,32% so với dự báo của World Bank và IMF trong năm 2023 là hơn 2% cho thấy chúng ta vẫn ở mức khá tích cực, tạo tiền đề để phấn đấu trong các tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, sau 4 tháng, chúng ta đạt chỉ số lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Các nền kinh tế khác đều ở mức khá cao như: Singapore (5,5%); Indonesia (khoảng 5%), Eu (khoảng 7%); Mỹ (khoảng 5%). "Đây là các nền kinh tế đối tác của chúng ta và họ đều đang chống đỡ với tình trạng lạm phát gia tăng. Với phân tích như vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào các chính sách, điều hành của chúng ta từ năm ngoái cũng như đầu năm này để đạt mục tiêu đã đề ra", ông Phương nhận định.
Bình luận