• Zalo

Ngân hàng ADB: Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm nay

Đầu TưThứ Ba, 04/04/2023 11:51:40 +07:00Google News

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lạc quan rằng tăng trưởng Việt Nam có thể đạt mức 6,5% trong năm nay.

Đây là con số dự báo đưa ra trong báo cáo “Triển vọng kinh tế Việt Nam và dự báo trong năm 2023-2024”  vừa được ADB công bố sáng 4/4 tại Hà Nội.

Trong năm 2022, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng, với mức tăng gần như mạnh nhất trong khu vực châu Á. Điều này đạt được là do 2 yếu tố chính, đó là tăng trưởng tương đối đồng đều trên tất cả các cực tăng trưởng, đặc biệt là thương mại, đầu tư và tiêu dùng trong nước; cùng với môi trường kinh tế vĩ mô ổn định khi Việt Nam thực hiện linh hoạt chính sách tiền tệ.

ADB dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% như Chính phủ đã đề ra. Theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần có 3 đột phá chính.

Ngân hàng ADB: Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm nay - 1

Ảnh minh họa: KT

Ông Cường cho biết: "Thứ nhất là đầu tư công; năm nay đầu tư công khác với mọi năm vì khối lượng đầu tư rất lớn. Đến năm 2023, theo kế hoạch Việt Nam sẽ giải ngân tương đương gần 30 tỉ USD. Đây là mức rất lớn nhưng sẽ tạo đột phá mạnh. Điều này có thể góp 1% vào mức tăng trưởng GDP.

Thứ hai là việc chuyển hướng chính sách của Việt Nam, từ thắt chặt kiểm soát lạm phát sang hỗ trợ tăng trưởng, rất quan trọng. Cuối cùng là sự mở cửa của Trung Quốc. Hầu hết các lĩnh vực chủ chốt của Trung Quốc từ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đều tăng trưởng manh. Điều này hỗ trợ phục hồi của Việt Nam rất tốt".

Tuy nhiên, ADB cũng đánh giá những rủi ro bên ngoài có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó có thể kể đến tình hình kinh tế suy thoái với những biến động trong hệ thống ngân hàng trên thế giới, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn đang có xu hướng diễn ra ở các nền kinh tế phát triển. Ngoài ra, các yếu tố khác có thể kể đến căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu, thể chế chính sách…

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, khẳng định, trong bối cảnh này, ADB vẫn giữ nguyên lòng tin vào sự phát triển của Việt Nam.

Theo ông Andrew Jeffries: "Hiện ADB đang có dự án đầu tư tại một số ngân hàng của Việt Nam và đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy những rủi ro nào mang tính hệ thống nào. Tương lai chúng tôi đang đưa ra những chiến lược mới để hỗ trợ tăng trưởng tại Việt Nam, giúp các bạn chuyển sang kinh tế xanh, thúc đẩy lĩnh vực tư nhân, đảm bảo công bằng xã hội. ADB luôn sẵn sàng đưa ra các khoản vay để hỗ trợ VIệt Nam và tôi nghĩ các đối tác phát triển lớn khác của Việt Nam cũng có chung quan điểm này".

Đồng thời, trong báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á” công bố ngày 4/4, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay. Việc các hạn chế do đại dịch COVID-19 tiếp tục được nới lỏng, đặc biệt tại Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ  thúc đẩy tiêu dùng, du lịch và đầu tư. 

Các nền kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay và năm sau so với 4,2% của năm ngoái.  Trong khi đó, lạm phát của khu vực sẽ giảm dần về mức trước đại dịch, mặc dù có sự khác biệt đáng kể giữa các nền kinh tế.

Theo Nhà kinh tế trưởng Albert Park, cải thiện tiêu dùng và đầu tư đang thúc đẩy sự phục hồi ở nhiều nền kinh tế trong khu vực, bù đắp tác động của giá lương thực và năng lượng tăng cao do cuộc xung độ tại Ucraina và những cơn gió ngược toàn cầu khác.

Nhà kinh tế trưởng Albert Park cho biết: “Việc Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero COVID và mở cửa lại nền kinh tế đã làm gia tăng triển vọng kinh tế khu vực. Nhu cầu đối với hàng hoá sản xuất và dịch vụ được vực dậy. Du lịch và kiều hối có xu hướng tăng lên. Ở nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch, lượng khách du lịch đang dần cải thiện theo mức trước đại dịch. Các điều kiện thị trường tài chính cũng được cải thiện từ cuối năm ngoái”.

Tuy nhiên, rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng khu vực vẫn tồn tại. Các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, kết hợp với sự gia tăng nợ trong thập kỷ qua và trong thời kỳ đại dịch đã làm tăng rủi ro ổn định tài chính.

Nhà kinh tế trưởng Albert Park nhấn mạnh: “Tác động của những căng thẳng địa chính trị đối với thương mại và chuỗi cung ứng, cùng với những hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ là những cơn gió ngược đe doạ triển vọng tăng trưởng của châu Á. Để đối phó với những thách thức này, nên các chính phủ trong khu vực cần tập trung vào các chính sách hỗ trợ hợp tác và hội nhập mạnh mẽ hơn để thúc đẩy thương mại, đầu tư, năng suất và khả năng phục hồi”.

Với việc dỡ bỏ chiến lược “Không COVID” (Zero COVID) vào tháng 12 năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay và 4,5% vào năm 2024, so với mức tăng trưởng 3% vào năm 2022. Trong khi đó, Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm nay và 6,7% trong năm sau do nhu cầu nội địa được cải thiện.

Hoạt động du lịch và nhu cầu nội địa tăng mạnh mẽ đang thúc đẩy các nền kinh tế Đông Nam Á như Indonesia, Philippines và Việt Nam, với tăng trưởng dự báo đạt 4,7% trong năm nay và 5% vào năm 2024. Lạm phát khu vực sẽ giảm tốc xuống 4,2% vào năm 2023 và 3,3% vào năm 2024 sau khi đạt 4,4% vào năm ngoái. Áp lực chuỗi cung ứng giảm dần, điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn và giá cả hàng hóa giảm được cho là sẽ định hình triển vọng phát triển của châu Á.

Hồ Điệp - Thu Hoài(VOV1)
Bình luận
vtcnews.vn