Chuyên gia: Tâm lý thỏa hiệp khiến người tiêu dùng mất khả năng tự bảo vệ

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Năm, 01/09/2022 15:34:00 +07:00
(VTC News) -

Theo các chuyên gia, chính tâm lý thỏa hiệp, ngại khiếu nại, đòi quyền lợi đến cùng khiến người tiêu dùng mất khả năng bảo vệ chính mình.

Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên Học viện Tài chính Hà Nội) cho biết, trên thị trường, nhiều mặt hàng tự do hiện đang được mua - bán tự phát, theo kiểu thuận mua - vừa bán. Vì thế, người kinh doanh càng giữ được giá cao thì họ càng hưởng lợi. Chính điều này là một trong những nguyên nhân khiến giá hàng hóa khi đã tăng rồi thì không dễ gì được giảm. Và nếu người tiêu dùng chấp nhận, thỏa hiệp với "luật bất thành văn" này thì chỉ gánh thiệt. 

Người tiêu dùng 'cắn răng' chịu thiệt

Thời điểm giữa năm 2022, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao kỷ lục đã kéo theo hàng loạt các mặt hàng thiết yếu tăng giá phi mã. Các loại rau xanh, củ quả có lúc tăng giá tới 200%, thịt cá cũng tăng từ 100 - 150%. Người tiêu dùng phải "cắn răng" chấp nhận mua hàng với giá đắt gấp nhiều lần, trong thời gian dài mà không thể phàn nàn với ai.

Nhưng đến khoảng đầu tháng 9/2022, khi giá xăng dầu đã bình ổn trở lại, liên tục giảm nhiệt thì các mặt hàng đã tăng giá trước đó vẫn chây ỳ không giảm hoặc giảm giá rất nhỏ giọt. 

Khảo sát của PV VTC News cuối tháng 8/2022 tại nhiều chợ dân sinh tại Hà Nội cho thấy, giá các mặt hàng rau xanh, thực phẩm đứng im không nhúc nhích dù lúc đó giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm nhiều lần trong 2 tháng liên tiếp.

Các tiểu thương đã đưa ra hàng loạt lý do thỏa đáng cho việc giá cả hàng hóa do chịu tác động của việc giá xăng dầu leo cao nên đã phải tăng theo nhưng lại không giảm tương ứng sau đó.

Chị Ngọc, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Thành Công B nói: “Thú thật là tôi cũng không hiểu vì sao giá xăng dầu giảm nhiều lần như vậy rồi mà giá nhập thịt heo vẫn thế. Trước đó chúng tôi phải nhập giá cao hơn khi xăng dầu lên giá. Các lò mổ đều giải thích là giá xăng dầu tăng thì cái gì cũng tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển. Ấy thế mà giờ xăng dầu giảm, giá heo nhập vẫn neo cao. Chúng tôi cũng muốn được giảm giá để dễ bán hơn mà chưa được”.

Còn người tiêu dùng mỗi khi được hỏi thì chỉ “tặc lưỡi ậm ừ" hoặc băn khoăn đặt câu hỏi không hiểu vì sao giá cả hàng hóa chỉ tăng không giảm.

Theo khảo sát của PV VTC News, 90% những người được hỏi cho rằng giá cả hàng hóa tăng cao trong thời gian đó bộc lộ nhiều điểm vô lý, 40% cho rằng có hiện tượng tiểu thương “tát nước theo mưa" để trục lợi. Tuy nhiên, 100% số người được hỏi vẫn không chịu khiếu nại tiếp tục mua hàng, cho dù họ thấy giá hàng quá tăng cao một cách vô lý.

Chuyên gia: Tâm lý thỏa hiệp khiến người tiêu dùng mất khả năng tự bảo vệ - 1

Tâm lý thỏa hiệp khiến người tiêu mất khả năng tự bảo vệ mình. (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, người tiêu dùng cũng chính là đối tượng khiến giá hàng hóa khó hạ. "Khi hầu hết các sản phẩm đều đang vận hành theo cơ chế thị trường thì việc tăng hay giảm giá sẽ phụ thuộc lớn vào cung - cầu, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để kéo giá xuống. Điều đó có nghĩa là nếu người tiêu dùng đã chấp nhận mặt bằng giá mới và hoàn toàn phụ thuộc vào tiểu thương, tư thương kinh doanh thì cũng chính là góp phần khiến các mặt hàng khó hạ giá", ông Thịnh nhấn mạnh.

Tương tự, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói: “Tâm lý của người bán hàng là thuận mua, vừa bán, nên khi giá cả đưa ra được chấp nhận rồi thì động lực để hạ xuống là không có. Giữ được mức giá đã được chấp nhận mang lại nguồn lợi ích lớn cho họ. Chỉ khi nào mức độ cạnh tranh thị trường khiến người tiêu dùng không thể chấp nhận thì các doanh nghiệp, tư thương mới chấp nhận thay đổi”.

Dễ thỏa hiệp - thói quen xấu của người tiêu dùng 

Nhiều ý kiến cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam rất dễ bức xúc, dễ lên án nhưng cũng dễ thỏa hiệp. Rất ít người có xu hướng "tẩy chay" những cửa hàng, những địa chỉ bán giá bất hợp lý. Chính sự dễ dãi này khiến người bán không e ngại trong việc đẩy giá hoặc "cố thủ" mức giá cao, dù có thể hạ xuống.

Cũng vì thế mà người tiêu dùng mất khả năng tự bảo vệ mình, để mặc giá cả hàng hóa cho tiểu thương tự quyết định.

Theo các chuyên gia, chuyện tăng giá kiểu "tát nước theo mưa" dường như là thói quen xấu của tiểu thương tự do, trong khi việc "ngại" khiếu nại, lên tiếng phản đối đến cùng sự bất hợp lý trên thị trường lại là thói quen cần phải sửa của khách hàng Việt. 

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận xét, muốn giải quyết tận gốc vấn đề, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, người tiêu dùng là chuyện không đơn giản.

“Ở trong các cửa hàng tiện lợi, siêu thị thì cơ quan nhà nước dễ dàng quản lý giá cả hơn. Cơ quan Quản lý giá có thể thực hiện kê khai giá đối với tất cả các mặt hàng từ đó có những tác động lên giá cả thị trường. Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động giao dịch, mua bán, các mặt hàng thiết yếu diễn ra tại chợ truyền thống, là giao dịch thỏa thuận giữa người tiêu dùng và tiểu thương, rất khó quản lý.”, ông Phú nói.

Do đó, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chính người tiêu dùng cũng cần phải biết tự bảo vệ mình bằng cách lên tiếng, đấu tranh thậm chí là “tẩy chay" nếu như nhận thấy giá cả hàng hóa đắt một cách vô lý hoặc có dấu hiệu vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhiều ý kiến cho rằng, nghịch lý biết là sẽ chịu thiệt nhưng dễ dàng đồng tình với người bán hàng là do tâm lý thỏa hiệp, ngại lên tiếng của đông đảo người mua. Nguyên nhân một phần là dù họ có muốn kêu nhưng cũng không biết kêu ai, không biết cơ quan nào phụ trách, không có số điện thoại liên hệ, địa chỉ email để gửi phản ánh.

Trên thực tế, rất ít người biết đến thông tin người tiêu dùng có thể gửi những yêu cầu, khiếu nại của mình đến các Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng hoặc gửi đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương).

Thời gian qua, hoạt động tư vấn, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) đã được Bộ Công Thương, Cục CT&BVNTD rất quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, Cục CT&BVNTD đã tiến hành nâng cấp, hoàn thiện và mở rộng kết nối hệ thống Tổng đài Tư vấn, Hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 (“Tổng đài 1800.6838”) tới nhiều tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức liên quan trong cả nước, nhờ đó công tác này của năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. 

Hiện nay, các phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng đã được Cục CT&BVNTD tiếp nhận thông qua đa dạng các phương thức, như qua Tổng đài 1800-6838; qua Thư điện tử (tại địa chỉ: [email protected]); qua Website (Hệ thống tiếp nhận yêu cầu, khiếu nại trực tuyến của người tiêu dùng http://khieunai.bvntd.gov.vn) và qua đường Bưu điện, Công văn trực tiếp. 

Số liệu từ cục này cho thấy, tính cả năm 2021, Cục đã ghi nhận hơn 13.000 cuộc gọi với người tiêu dùng trên đa dạng các lĩnh vực, tăng 17,6% so với năm 2020. Trong đó, Cục đã tiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ giải quyết cho gần 2.600 trường hợp thông qua gọi điện và gửi đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng; với gần 1.300 vụ việc (chiếm khoảng 50% tổng vụ việc mà Cục đã tư vấn, hỗ trợ) được giải quyết qua đơn, thư phản ánh, yêu cầu hỗ trợ của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giảm khoảng 12% so với năm 2020, nhưng tăng 122% so với năm 2019 và 185% so với năm 2018. Hầu hết các vụ việc này đều được Cục CT&BVNTD và các cơ quan, tổ chức có liên quan hỗ trợ và giải quyết hiệu quả, thành công, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và xã hội đối với hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam.

Hạo Nhiên
Bình luận
vtcnews.vn