Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), thần Táo quân cưỡi cá chép lên thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu trong năm của từng người trong gia đình. Vì vậy cứ đến ngày này, người Việt thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể.
TS. Nguyễn Hoàng Diệp, chuyên gia về lĩnh vực văn hóa, phong thủy tư vấn cách cúng ông Công, ông Táo chuẩn văn hóa nhất cho độc giả VTC News.
Trước tiên, theo TS. Nguyễn Hoàng Diệp, để tiễn Táo quân cần chuẩn bị những lễ vật sau:
Ba bộ mũ áo gồm hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Mỗi Táo quân cần thêm hia, hài.
Ba con cá chép sống để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời. Ở miền Bắc người ta cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được phóng sinh, thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng.
Ngoài ra, gia chủ nên chuẩn bị 1 mâm cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi, tiền vàng (đốt rất ít và chỉ tượng trưng).
Tuy nhiên, tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, mỗi gia đình có thể làm lễ mặn hay chỉ đơn giản là lễ chay để tiễn Táo công. Điều quan trọng vẫn là tấm lòng thành tâm của gia chủ chứ không phải cứ sắm sửa nhiều lễ vật là tốt.
Khi mua đồ cúng ông Công, ông Táo cần lưu ý màu sắc của mũ bởi áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Năm Đinh Dậu (2017) hành hỏa thì chọn mũ áo màu đỏ cho Táo quân là phù hợp nhất.
Theo chuyên gia phong thủy TS. Nguyễn Hoàng Diệp, trong lễ cúng ông Công ông Táo, nếu gia chủ có ban thờ Táo quân (thường đặt gần bếp) thì thắp hương ở ban thờ này.
Thời điểm đẹp nhất để cúng ông Công, ông Táo là tối 22 và sáng 23 tháng Chạp.
TS. Nguyễn Hoàng Diệp
Nếu không có ban thờ Táo quân riêng thì phải thắp hương ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên cúng lễ ở bếp vì quan niệm của tổ tiên ta từ xưa đến nay, ban thờ luôn được coi là "sợi chỉ đỏ xuyên suốt" để giao tiếp giữa hai thế giới âm dương, giữa người trần thế và thần linh.
Thời gian cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng. Từ 11h – 13h là giờ Ngọ và đây thời điểm các thần quy tụ để chuẩn bị về trời nên thời điểm đẹp nhất vẫn là tối 22 và sáng 23 tháng Chạp.
Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để cá chở ông Táo lên chầu trời.
"Người dân chỉ nên thả cá chứ không nên thả túi bóng xuống ao, hồ, sông, suối tránh gây ảnh hưởng đến môi trường", tiến sĩ Diệp nói.
Video: Quang Thắng khoe giọng hát hậu trường Táo quân 2017
Bình luận