• Zalo

Chuyên gia Nga phân tích sự cố tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông: Trung Quốc vô can?

Quân sựThứ Năm, 14/10/2021 18:47:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo phân tích của chuyên gia Nga khả năng Trung Quốc liên quan đến sự cố tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông là rất thấp, bởi Bắc Kinh không muốn gây chiến với Washington.

Trong bài bình luận mới đây trên tờ Svpressa, chuyên gia quân sự người Nga Alexander Sitnikov cho rằng dù phía hải quân Mỹ đã mở cuộc điều tra nguyên nhân dẫn đến sự cố va chạm của tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut (SSN-22) ở Biển Đông vào đầu tháng 10 (2/10). Thế nhưng kết quả cuối cùng khó có thể được phía Mỹ công bố một cách đầy đủ. Thay vào đó họ sẽ tìm một nguyên nhân mang yếu tố khách quan về kỹ thuật hoặc một tình huống bất khả kháng để che đậy sự thật.

Cũng cần phải nói thêm rằng USS Connecticut là một trong ba tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf tiên tiến của hải quân Mỹ, nó không khác gì biểu tưởng về sức mạnh quân sự của nước Mỹ trên đại dương.

Chuyên gia Nga phân tích sự cố tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông: Trung Quốc vô can? - 1

Tàu ngầm USS Connecticut trở về căn cứ hải quân Kitsap-Bremeton ở bang Washington, Mỹ tháng 5/2018. (Ảnh: US Navy)

Trước đó, ngày 7/10, văn phòng báo chí Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã phát đi thông báo cho biết về một vụ va chạm giữa tàu ngầm USS Connecticut với một vật thể lạ ở vùng biển quốc tế thuộc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dù phía Mỹ không nói rõ nhưng có nhiều bằng chứng chỉ ra sự cố này xảy ra ở Biển Đông.

Vụ va chạm đã làm 11 thủy thủ trên tàu bị thương, còn USS Connecticut thì hư hại nặng ở phần mũi tàu, hải quân Mỹ sẽ mất rất nhiều thời gian lẫn tiền bạc mới có thể phục hồi tàu ngầm này.

Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, nó nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới truyền thông lẫn chuyên gia quân sự, bởi khả năng một tàu ngầm va chạm vạ một vật thể không xác định là rất thấp, nhất là khi đây lại là một trong những tàu ngầm hạt nhân tấn công tiên tiến của Mỹ.

Một số đồn đoán ban đầu cho rằng, Trung Quốc có liên quan đến sự cố của tàu ngầm của Mỹ. Vụ việc diễn ra chỉ 2 tuần sau khi Washington thông qua kế hoạch bán các tàu ngầm tấn công hạt nhân cho Australia dựa theo thỏa thuận an ninh AUKUS. Dĩ nhiên Bắc Kinh cảm thấy khó chịu trước thỏa thuận này bởi AUKUS được thành lập nhằm chống lại Trung Quốc.

Do đó nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc đã dằn mặt Mỹ và cả các nước AUKUS thông qua sự cố của USS Connecticut. Tuy nhiên một kế hoạch như vậy có vẻ không thực tế và quá rủi ro khi nó có thể dẫn đến một cuộc chiến không đáng có giữa Bắc Kinh và Washington.

Sự cố của USS Connecticut cũng phủ “bóng đen” lên hợp đồng tàu ngầm hạt nhân đang còn dở dang giữa Mỹ và Australia, nhiều nhà phân tích cảm thấy hoang mang khi không thể hiểu được làm thế nào một tàu ngầm tiên tiến trị giá hàng tỷ USD được trang bị hệ thống sonars tốt nhất thế giới lại gặp nạn dưới nước và chính xác điều này đã xảy ra như thế nào?

Chuyên gia Nga phân tích sự cố tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông: Trung Quốc vô can? - 2

Nhiều chuyên gia quân sự đang so sánh vụ tai nạn của USS Connecticut với tàu ngầm USS San Francisco vào năm 2005. (Ảnh: US Navy)

Tàu ngầm Mỹ đâm phải thứ gì?

Rất khó để xác định được USS Connecticut đã va chạm với vật thể nào khi phía hải quân Mỹ từ chối công bố thông tin chi tiết về vụ việc. Các khả năng như đụng độ với một tàu ngầm khác hay va vào vách đá ngầm dưới đáy biển đều đã được loại trừ, với thiệt hại của USS Connecticut có thể thấy nó đã đâm phải một vật thể rất lớn.

Điều đầu tiên các chuyên gia tàu ngầm nghĩ đến khi USS Connecticut không phát hiện từ xa vật thể nó sắp va chạm chính là do lỗi của con người, chính xác hơn là phán đoán sai lầm của sĩ quan điều khiển sonar hoặc do chính người chỉ huy tàu. Trên thực tế, tàu ngầm luôn di chuyển dưới đáy biển theo hệ thống hải đồ số được xây dựng dựa trên địa hình thực tế của khu vực hoặc thông qua việc sử dụng hệ thống định vị sóng âm.

Hải đồ chi tiết có độ chính xác cao luôn là lựa chọn hàng đầu, tuy nhiên nếu di chuyển vào vùng biển “lạ” tàu ngầm Mỹ buộc phải dùng đến sonar. Trên thực tế hệ thống định vị sóng âm trên các tàu ngầm tiên tiến của Mỹ có thể đưa ra các “hình ảnh” chính xác về khu vực tàu hoạt động từ khoảng cách lên đến 4,5km, tuy nhiên điều này khiến chúng dễ bị tàu ngầm hoặc tàu săn ngầm của đối phương pháp hiện ở khoảng cách 10km. Nói một cách khác tàu ngầm hạt nhân của Mỹ có tính năng không vượt trội hơn quá nhiều so với tàu ngầm Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh khi ở dưới nước.

Chính vì điều này trong các nhiệm vụ thông thường, tàu ngầm Mỹ luôn sử dụng hải đồ số mà chúng được trang bị sẵn bởi độ chính xác gần như tuyệt đối của chúng, từ đó tạo ra môi trường hoạt động an toàn cho tàu ngầm. Thế nhưng không phải có những nguy cơ phát sinh bởi dưới đáy đại dương luôn có sự thay đổi không thể lường trước.

Chuyên gia Nga phân tích sự cố tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông: Trung Quốc vô can? - 3

Bên trong trung tâm chỉ huy một tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia của hải quân Mỹ. (Ảnh: CNET)

Bỏ qua các yếu tố về thay đổi địa tầng dưới đáy biển thì con người là một nguyên nhân khác có thể dẫn đến việc các hệ thống hải đồ số bị sai lệch. Điển hình như việc các tàu chở container thường đánh rơi container xuống biển, việc này không phải hiếm ở Biển Đông. Ví dụ như vào tháng 5/2020, một tàu chở hàng của Singapore đã đánh rơi 40 container xuống Biển Đông khi đi qua vùng biển này.

Theo Hội đồng Vận tải biển thế giới (WSC) hàng năm có hơn 1.300 container bị đánh rơi xuống đáy biển vì nhiều nguyên nhân, một số trường hợp còn tạo thành các “vách đá” nhân tạo dưới đáy biển. Đây là rủi ro mà các tàu ngầm không thể lường trước kể cả khi chúng hoạt động trong vùng biển “quen thuộc”.

Mặt khác, không gì chắc chắn những chiếc container “vô chủ” dưới Biển Đông là nguyên gây ra thiệt hại cho USS Connecticut bởi cú va chạm khiến tàu ngầm Mỹ hư hại khá nặng lớn hơn nhiều so với một cú đâm vào chiếc container.

Từ những phân tích trên nhiều chuyên gia đều đồng ý với quan điểm rằng hệ thống định vị sóng âm của tàu ngầm Mỹ có thể đã có sai sót sau thời gian dài hoạt động, sai số có thể lên đến 100m so với dữ liệu mà hệ thống báo về. Đây có thể nguyên nhân dẫn đến va chạm. Rõ ràng là điều này làm tổn hại đến hình ảnh lực lượng tàu ngầm hạt nhân “bất khả chiến bại” mà Mỹ luôn xây dựng.

Chính vì vậy, truyền thông Mỹ đang có xu hướng đổ lỗi cho Trung Quốc về vụ va chạm của USS Connecticut ở Biển Đông, họ đưa ra các giả thuyết về một phương tiện lặng không người lái Trung Quốc có thể là vật thể lạ tàu ngầm Mỹ đâm phải.

Ở một khía cạnh khác, kết quả cuộc điều tra của hải quân Mỹ sẽ không đưa ra phần lỗi thuộc về tàu ngầm USS Connecticut bởi nó sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh công nghệ tàu ngầm Mỹ, vì vậy việc quy trách nhiệm cho các yếu tố khách quan về con người sẽ là phương án tốt nhất.

Trà Khánh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp