• Zalo

Chuyên gia: Doanh nghiệp không chuyển đổi xanh sẽ bị loại khỏi cuộc chơi

Chuyển đổi xanhThứ Ba, 28/11/2023 12:10:04 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT (Bộ TNMT) chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc của doanh nghiệp, nếu không thực hiện sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Chia sẻ tại toạ đàm Kinh tế tuần hoàn: Từ thực tế đến chính sách do CLB Báo chí Phát triển Xanh hướng đến NetZero Carbon tổ chức, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) đánh giá, vai trò của các doanh nghiệp trong việc giảm phát thải rất quan trọng. 

Hiện nay, chúng tôi coi việc chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc của các doanh nghiệp, nếu chúng ta không thực hiện các quy định về tuần hoàn thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Nguyễn Đình Thọ chia sẻ.

Theo ông Thọ, với khái niệm thể chế kinh tế tuần hoàn thì Việt Nam đặt ra yêu cầu cao hơn về các quy định như quyền phân loại rác thải tại nguồn, quy định phiếu xanh kinh tế tuần hoàn sinh thái... 

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) đánh giá, vai trò của các doanh nghiệp trong việc giảm phát thải rất quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) đánh giá, vai trò của các doanh nghiệp trong việc giảm phát thải rất quan trọng. 

Nói một cách đơn giản là tất cả những gì mà chúng ta đang được hưởng miễn phí như nước, không khí, đất đai… thì dần dần tài nguyên đó phải có phí", PSG.TS Nguyễn Đình Thọ nói và cho rằng, từ trước đến nay, người dân và doanh nghiệp gần như đang sử dụng miễn phí hệ sinh thái tự nhiên.

Tuy nhiên, chúng ta phải dần tính phí chi trả cho hệ sinh thái tự nhiên nhằm để cân bằng phát triển bảo tồn, cân bằng giữa miền ngược miền xuôi và cân bằng thế hệ hiện nay, mai sau. 

Chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Nestlé cho rằng, để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn cần đảm bảo 3 nguyên tắc. Trong đó, bắt đầu từ thay đổi thiết kế sản phẩm gồm loại bỏ rác thải và ô nhiễm; tăng vòng đời sản phẩm và nguyên vật liệu; tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.

Đồng thời, mô hình này cần được doanh nghiệp áp dụng trong 5 giai đoạn.

Thứ nhất, cải tiến thiết kế sản phẩm nhằm tăng khả năng tái chế và tái sử dụng. Thứ hai, quá trình sản xuất hạn chế/ không tạo ra rác thải. Thứ ba, tiêu dùng có trách nhiệm. Thứ tư, quản lý rác thải và cuối cùng là biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị thông qua việc tái sử dụng và tái chế.

Trong đó, khâu thiết kế đóng vai trò quan trọng vì có thể giúp giảm rác thải ngay từ lúc sản phẩm chưa đến tay người tiêu dùng.

Theo ông Hưng, hoạt động của con người và phát triển kinh tế trong những năm qua gây ra sự mất cân bằng tự nhiên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững, Nestlé Việt Nam đã chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn từ khâu thiết kế sản phẩm đến việc biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị, nhằm bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Nestlé.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Nestlé.

Cũng theo ông Hưng, để giải quyết thực trạng này, cần thiết phải dịch chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính (khai thác tài nguyên thiên nhiên để sản xuất nguyên vật liệu và sản phẩm, bán ra thị trường và thải rác ra môi trường) sang mô hình kinh tế tuần hoàn (sản xuất, tiêu dùng và tái chế nhằm tăng vòng đời của nguyên liệu và sản phẩm) nhằm giúp giảm khai thác tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong đó, các cải tiến thiết kế nhằm loại bỏ những phần bao bì không cần thiết, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, thay thế bằng nguyên liệu thân thiện môi trường đã giúp Nestlé Việt Nam giảm gần 2.500 tấn bao bì nhựa trong 2 năm (2021 - 2022).

"Đến nay, khoảng 94% bao bì sản phẩm của công ty được thiết kế có thể tái chế và tái sử dụng.  Ngoài ra, một số sáng kiến của Nestle Việt Nam có thể kể đến như sử dụng nhựa PE tái sinh cho bao bì sản phẩm... Hiện Nestlé Việt Nam cũng đang hướng đến sử dụng bao bì đơn lớp giúp tái chế dễ dàng hơn", ông Hưng nói.

Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Nestlé chia sẻ thêm, Chính phủ Việt Nam đã có cam kết về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành những chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, cũng như định hướng thu hút đầu tư thế hệ mới.

"Định hướng này đòi hỏi sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân để có thể đẩy nhanh tiến độ hiện thực hoá nền kinh tế carbon thấp và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu", ông Hưng chia sẻ thêm.

Tại toạ đàm, bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phát triển Bền vững Heineken Việt Nam cho rằng, kinh tế tuần hoàn là 1 trong 3 lĩnh vực chính của trụ cột môi trường, bên cạnh 2 lĩnh vực khác là phát thải ròng bằng không và bảo tồn nguồn nước.

Heineken Việt Nam đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn Resolve của tổ chức Ellen MacArthur Foundation. Trong đó Re (Regenerate) là tái tạo; S (Share) là chia sẻ; (Optimize) là tối ưu hóa; L (Loop) là tuần hoàn; V (Virtualize) là số hóa; E (Exchange) là đổi mới. 

Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phát triển Bền vững Heineken Việt Nam.

Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phát triển Bền vững Heineken Việt Nam.

Về tái tạo, Heineken Việt Nam đã thu hồi biogas từ quy trình xử lý nước thải để làm nhiệt năng trong nấu bia. Về chia sẻ và tuần hoàn trong bao bì, tất cả bao bì sản phẩm của Heineken Việt Nam đều có thể tái chế, hơn 98% két nhựa được thu hồi và tái sử dụng từ 5 đến hơn 10 năm, 97% chai thủy tinh được tái sử dụng đến hơn 30 lần....

Từ kinh nghiệm thực tiễn của Heineken Việt Nam, bà Lê Thị Ngọc Mỹ cho rằng, điểm mấu chốt để áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn là nâng cao nhận thức và năng lực. Điểm chính thứ hai là lan tỏa thực hành trong cả công việc và cuộc sống hàng ngày.

Heineken Việt Nam đã áp dụng mô hình văn phòng xanh nhằm kêu gọi phân loại rác, hạn chế sử dụng nhựa 1 lần, lập trạm mượn ly và hộp đựng thức ăn cho nhân viên khi cần mua cà phê, trà sữa và thức ăn từ bên ngoài mang vào văn phòng...

"Điểm chính cuối cùng là truyền thông, việc lan tỏa thực hành kinh tế tuần hoàn trong nội bộ công ty cũng như bên ngoài nhằm chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và nhân rộng các thực hành tốt và khuyến khích sáng tạo trong thực hành kinh tế tuần hoàn", bà Mỹ nhận định.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn