• Zalo

Chuyên gia: Bùng nổ công nghệ không tái chế, gánh nặng quốc gia tăng gấp đôi

Khám pháThứ Ba, 19/12/2023 15:38:14 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo chuyên gia, phát triển năng lượng gió, mặt trời, công nghệ mới, vật liệu mới... nhưng nếu không tái chế được công nghệ đó, gánh nặng quốc gia sẽ tăng gấp đôi.

Chia sẻ tại toạ đàm 'Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh' trong chuỗi sự kiện Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2023 diễn ra ngày 19/12, GS Daniel Kammen chuyên gia hàng đầu thế giới về năng lượng, tài nguyên nêu lên thực trạng dư thừa điện mặt trời ở Mỹ.

Ông cho biết, không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả Mỹ hiện nay điện mặt trời dư thừa rất nhiều ở các bang nguyên nhân do chính sách chưa kiện toàn để được hòa điện lưới.

Ví dụ, bang California trước đây từng đặt mục tiêu lắp đặt một triệu tấm pin năng lượng mặt trời áp mái để người dân sử dụng điện với chi phí rẻ hơn, đồng thời có thể bán cho nhà nước khi dư thừa. Mục tiêu này nhanh chóng đạt được chỉ sau vài năm ngắn ngủi.

GS Daniel Kammen, thành viên hội đồng giải thưởng VinFuture.

GS Daniel Kammen, thành viên hội đồng giải thưởng VinFuture.

Thế nhưng khi lượng điện năng lượng mặt trời dồi dào thì lại vướng rào cản về mặt chính sách khiến các gia đình không thể bán được cho nhà nước. Điều này dẫn đến dư thừa lượng điện lớn mà chưa có hướng giải quyết.

"Việt Nam cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Do đó tôi cho rằng, Chính phủ cần hành động nhanh hơn nữa về mặt chính sách, xác định rõ các lợi ích từ công nghệ xanh và quan trọng giải quyết được bài toán kết nối kinh doanh điện mặt trời giữa người dân và nhà nước", GS Daniel Kammen nói và nhấn mạnh đến yếu tố phát triển hạ tầng bền vững là chìa khoá quan trọng.

GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California - Mỹ cũng nhận thấy rằng, ở cả Mỹ và Việt Nam đều đang gặp phải những vướng mắc về mặt chính sách, sáng chế, sản phẩm để phát triển, tận dụng nguồn điện mặt trời, điện gió. Do vậy việc thuyết phục doanh nghiệp đầu tư hơn vào năng lượng sạch là thách thức lớn của Chính phủ.

"Muốn có doanh nghiệp đầu tư thì Chính phủ phải xây dựng được nền tảng vững chắc, kết nối và kiện toàn về chính sách. Từ đó sẽ rộng cửa cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mới này", GS Thục Quyên gợi ý. 

Nữ GS cũng nhấn mạnh, phát triển năng lượng không phải là vấn đề riêng quốc gia nào hay của riêng ai, ta cần nhìn bức tranh toàn cảnh, tác động xã hội của xanh hóa. Các nước đang tập trung phát triển năng lượng gió, mặt trời, công nghệ mới, vật liệu mới... nhưng điều quan trọng không kém là tái chế. Bùng nổ công nghệ là tốt nhưng nếu không tái chế được công nghệ đó thì sẽ trở thành gánh nặng gấp đôi cho các quốc gia và toàn cầu.

Các chuyên gia bàn luận tại toạ đàm.

Các chuyên gia bàn luận tại toạ đàm.

GS Soumitra Dutta - 'cha đẻ' chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu cũng phân tích, khi bàn tới phát triển bền vững cần làm rõ 3 nội hàm.

Thứ nhất, công nghệ. Vài năm trước ông từng đọc bài viết trên tạp chí IPC với tiêu đề: Liệu 2 cái sai có thể trở thành 1 cái đúng không? Họ giả định về tốc độ biến đổi khí hậu trên thế giới diễn ra chậm và tốc độ đổi mới sáng tạo công nghệ cũng sẽ chậm hơn thực tế. 2 giả định này sau đó được chứng minh là sai. Thực tế công nghệ tác động lớn đến biến đổi khí hậu có thể theo hướng tích cực hoặc tiêu cực.

Thứ hai, biến đối khí hậu. Biến đổi khí hậu không thuần túy là khái niệm khoa học mà nó đang trực tiếp tác động lên mỗi người trên trái Trái Đất này.

Thứ ba, tốc độ và quy mô. Khí hậu không phải vấn đề riêng của quốc gia nào mà Trái đất là của chung. Rất cần sự chung tay của các quốc gia để giải quyết vấn đề khí hậu trên quy mô toàn thế giới và thực hiện linh hoạt, nhanh chóng. "Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa, điển hình như năm 2020 là năm nóng kỉ lục và chắc chắn sẽ còn tiếp diễn ở các năm tiếp", vị này lo ngại.

Với thông điệp chủ đề “Chung sức toàn cầu”, Giải thưởng VinFuture năm nay khẳng định uy tín quốc tế khi quy tụ 1.389 hồ sơ đề cử từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều gấp 3 lần so với mùa giải đầu tiên.

Chủ nhân của các giải thưởng VinFuture với tổng trị giá 4,5 triệu USD sẽ chính thức lộ diện trong lễ trao giải diễn ra vào 20h10 tối mai, 20/12, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. 

Hệ thống Giải thưởng năm nay gồm 4 hạng mục: Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD, là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó là 3 Giải Đặc biệt trị giá 500.000 USD/giải dành cho nhà khoa học nữ, nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn