Thông tin được GS Dutta, Hiệu trưởng trường Kinh doanh Said, Đại học Oxford, Vương quốc Anh trao đổi bên lề Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2023. Ông là thành viên mới của Hội đồng Giải thưởng VinFuture kể từ năm 2023.
Là người sáng lập hai chỉ số đổi mới/công nghệ uy tín (Chỉ số sẵn sàng kết nối thông tin toàn cầu (NRI) và Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), GS Dutta cho rằng, hai chỉ số này rất quan trọng. Chỉ số thể hiện bức tranh tổng thể của mỗi quốc gia, giúp Chính phủ hiểu được các chính sách đổi mới sáng tạo được ban hành đã tác động thế nào đến nền kinh tế. Thông qua hai chỉ số này, Chính phủ các nước sẽ có những hành động, định hướng phát triển tốt hơn.
Theo Báo cáo chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023, Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022, xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế. Năm 2021 chỉ số này là 44.
GS Dutta đánh giá các chỉ số của Việt Nam, được thế giới đặc biệt quan tâm, từ đó mở ra cơ hội lớn phát triển các ngành công nghiệp. Chính phủ cần tạo ra các điều kiện cơ bản để thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư vào nguồn lực sản xuất trong nước, đặc biệt là sự sẵn sàng phát triển, đổi mới cho tương lai của Việt Nam.
Vị chuyên gia này cho rằng, khi đưa ra định hướng phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cần phải xem nhân lực hiện tại đáp ứng thế nào. Khi nghĩ đến đổi mới sáng tạo mỗi quốc gia cần nghĩ tới từng thành phần cả nhân lực, cơ sở hạ tầng, điều kiện hỗ trợ... "Mục tiêu cuối cùng là hướng tới tính tác động của việc đổi mới công nghệ, tác động bao trùm thế nào tới môi trường và sự phát triển của xã hội", GS Dutta nói.
Theo ông, Việt Nam may mắn vì có đội ngũ nhân tài đông đảo, luôn sẵn sàng thích ứng với hoàn cảnh mới và có đội ngũ lãnh đạo khao khát và sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Ông đánh giá cao cách Việt Nam được ghi nhận trong bảng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu thời gian qua.
Để tiếp tục tăng hạng chỉ số GII, Việt Nam cần không ngừng đầu tư vào công nghệ, tạo ra các nhu cầu mới và sản phẩm mới cho tương lai. Trước mắt, có thể sử dụng công nghệ để giải quyết nhu cầu nội tại giống như cách nhiều quốc gia đang phát triển làm.
Thế nhưng quan trọng hơn là phải tạo ra được công nghệ mới mở ra lĩnh vực mới cho nền kinh tế. "Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ mới này, đầu tư vào nghiên cứu phát triển", ông nói, để làm được đòi hỏi cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ đầu tư vào nguồn lực con người có chất lượng.
Ông cho rằng, GII có thể diễn ra ở các lĩnh vực của toàn xã hội chứ không riêng gì lĩnh vực công nghệ. Ví dụ, một người nông dân không có bằng tiến sĩ nhưng họ vẫn là những người đổi mới sáng tạo. Hay những người nghệ sĩ, truyền thông... họ không phải là các nhà khoa học nhưng vẫn có thể sáng tạo.
Như vậy chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu cho phép các quốc gia đánh giá các thành phần kinh tế của xã hội tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo thế nào chứ không đơn thuần chỉ tập trung vào học thuật thuần túy.
Trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2023 diễn ra chuỗi tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" với bốn phiên gồm:
- Công nghệ bán dẫn, nền tảng của thế giới hiện đại
- Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn
- Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh
- Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức
Bên cạnh đó, chuỗi đối thoại khám phá khoa học tương lai VinFuture - các hoạt động kết nối, chia sẻ tri thức giữa các nhà khoa học hàng đầu thế giới với cộng đồng khoa học trong nước - sẽ diễn ra đồng thời ở các trường đại học hàng đầu của Việt Nam trong ngày 19/12.
Mùa giải thứ 3, VinFuture nhận được 1.389 đề cử giải thưởng (mùa 1 là 599, mùa 2 là 970) từ các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Lễ trao giải thưởng VinFuture diễn ra vào tối mai 20/12 tại Hà Nội, trực tiếp trên kênh VTV1.
Bình luận