Tuy nhiên, đến năm 2020, tỷ lệ lấp đầy của thị trường này chỉ còn trung bình 30%, giảm âm 44 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước đó. Giá phòng cũng lập tức giảm xuống mức âm 30%, chỉ còn khoảng 81 USD/phòng/đêm. Trong 2 quý đầu của năm 2021, thị trường tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm, với tỷ lệ lấp đầy chỉ còn 25% và giá trung bình đạt khoảng 72 USD/phòng/đêm.
Các chuyên gia nhận định, cũng như đa số các nước trên thế giới, ngành du lịch khách sạn tại Việt Nam đang hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề, đặc biệt là trong làn sóng dịch thứ tư này do những quy định về đóng cửa biên giới quốc tế, hạn chế đường bay trong nước và giãn cách xã hội...
Mặc dù vậy, mô hình khách sạn chuyển đổi thành cơ sở cách ly y tế lại đang có tỷ lệ lấp đầy lên tới 78% được coi là một điểm sáng của ngành du lịch khách sạn. Điều này đem lại nhiều kỳ vọng về sự phục hồi trong những tháng cuối năm 2021.
Nhìn lại những khó khăn trong thời gian qua, các chuyên gia của Công ty Savills dẫn chứng, tại Đà Nẵng - địa điểm du lịch trọng điểm của Việt Nam có tỷ lệ lấp đầy các khách sạn vào thời điểm năm 2019 đạt 61% với giá phòng trung bình 108 USD/phòng/đêm thì đến năm 2020 đã giảm tương ứng chỉ còn 17% với giá phòng khoảng 54 USD/phòng/đêm. Đến năm 2021, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn 3-5 sao tại Đà Nẵng tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm vừa qua, chỉ còn 11% và giá trung bình đạt 49 USD/phòng/đêm.
Tương tự, tại TP.HCM, trước tác động của đợt dịch thứ 4 bùng phát cùng những quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội cũng khiến tỷ lệ lấp đầy trong quý II ở thị trường này chỉ đạt 18% với giá phòng trung bình là 69 USD/phòng/đêm.
Thế nhưng, khi so sánh với điểm “trũng” nhất của thị trường vào đợt dịch đầu tiên năm 2020 thì con số này đã tăng 5 điểm phần trăm, tương đương mức tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái về tỷ lệ phòng khách sạn được lấp đầy. Kể từ quý II/2020 đến nay, giá phòng trung bình tại đây đã tăng khoảng 3 USD mỗi quý với lực đẩy đến từ các cơ sở và dịch vụ cách ly tập trung có giá thuê cao hơn từ 5-60% so với giá trung bình của thị trường – các chuyên gia của Savills dẫn chứng.
Theo ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam, những con số này đã phản ánh chính xác tác động rất lớn của đại dịch COVID-19 tới phân khúc khách sạn và nghỉ dưỡng trên toàn quốc. Du lịch khách sạn là một trong những ngành công nghiệp có đóng góp lớn cho nền kinh tế với việc sử dụng lao động nhân công lớn, có nhiều liên kết và bổ trợ cho nhiều lĩnh vực dịch vụ khác. Chính vì thế, sự sụt giảm của phân khúc du lịch khách sạn cũng ảnh hưởng nhiều tới chuỗi cung ứng chung.
Việc các khách sạn chuyển đổi thành cơ sở cách ly tập trung, ông Troy đánh giá, đây là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường khách sạn nghỉ dưỡng nói chung, đặc biệt là với những cơ sở vừa và nhỏ. Hiện nay có khoảng 10% số lượng các khách sạn trên thị trường được chuyển đổi thành các cơ sở cách ly, và con số này có thể tăng lên trong thời gian sắp tới, để đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc cách ly và hỗ trợ chống dịch.
Tại Hà Nội, hiện đang có khoảng 20 khách sạn chuyển đổi theo mô hình này, tương đương khoảng 1.600 phòng. Còn ở Đà Nẵng là khoảng 34 khách sạn với khoảng 3.000 phòng. Con số này ở Thành phố Hồ Chí Minh là 25 khách sạn với hơn 3.000 phòng; trong đó, số lượng khách sạn ở Quận 1 chiếm 42%, tương đương 13 khách sạn, quận Tân Bình là 32% và số còn lại ở các Quận 7, Quận 3, Quận 5.
Cũng chính từ xu hướng này, thị trường TP.HCM đã chứng kiến điểm sáng ở một số khách sạn tại khu vực quận Tân Bình – địa bàn gần Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và ghi nhận tỷ lệ lấp đầy lên đến 78%.
Tất cả các khách sạn 5 sao trong khu vực này đều đã được sử dụng thành sở cách ly y tế. Điều này cho thấy, nhu cầu về khách sạn cách ly đang có xu hướng tăng lên với nhóm đối tượng khách hàng là nhân viên thuộc phi hành đoàn, nhà ngoại giao quốc tế, chuyên gia nước ngoài..., những người thường xuyên nhập cảnh ra vào Việt Nam, ông Troy nhận xét.
Đánh giá về tiềm năng phục hồi của ngành du lịch khách sạn và nghỉ dưỡng trong những tháng cuối năm, ông Troy nhận định, một điểm đặc biệt của thị trường du lịch khách sạn tại Việt Nam là 80% khách hàng nội địa (người Việt Nam) hoặc những người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Chính vì vậy, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, sự khôi phục mạnh mẽ của ngành du lịch trong nước sẽ hoàn toàn khả thi.
Hiện mô hình staycation (du lịch tại chỗ) cũng là xu hướng được khách hàng ưa chuộng, giúp các khách sạn cải thiện doanh thu. Bởi vậy, nhiều khách sạn 4-5 sao đang dùng những gói dịch vụ khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách nội địa trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, việc triển khai hộ chiếu du lịch cũng là một yếu tố rất quan trọng để Việt Nam có thể mở cửa với các khách du lịch nước ngoài.
Đồng quan điểm, ông David Jackson – Tổng giám đốc Collier Việt Nam cho rằng, đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, những tháng cuối năm lượng khách nội địa vẫn là nguồn cầu chủ đạo. Các gói giảm giá của khách sạn, khu nghỉ dưỡng và hàng hàng không được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng nguồn khách nội địa khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát. Bên cạnh đó, các phương án đón khách quốc tế trong tương lai dài hạn hơn cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm sẵn sàng đón nguồn cầu này những mục tiêu cao nhất vẫn phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Ông Troy phân tích thêm, trong giai đoạn 2022-2023, một loạt các thương hiệu mới sắp ra mắt trên thị trường du lịch nghỉ dưỡng như Grand Mecure, Fairmont, Eastin, Four Seasons, Lottee, Dusit and Wink Hotel với số lượng hơn 1.200 phòng chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách nước ngoài tới Việt Nam, ngay sau khi các quy định về hạn chế du lịch được nới lỏng.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã có những chính sách rất kịp thời về các gói hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thuế… giúp giảm bớt khó khăn cho chủ đầu tư khách sạn và nhà điều hành để có thể lấy đà, cùng chung sức khôi phục ngành du lịch trong những tháng tiếp theo.
Nhận xét về triển vọng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) Đỗ Viết Chiến khẳng định, thời gian qua, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã chịu tác động mạnh mẽ bởi ảnh hưởng dịch bệnh. Mặt khác, tính pháp lý của thị trường này cũng vẫn chưa chặt chẽ. Bởi vậy, trong thời gian tới, nếu như giải quyết được các điểm “nghẽn” này thì phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ trở thành một trong những điểm sáng của thị trường thời kỳ hậu COVID-19.
Bình luận