Làn sóng COVID-19 lần thứ tư chưa có dấu hiệu dừng lại đã mang lại rất nhiều thách thức cho phân khúc khách sạn tại Việt Nam. Trong những tháng vừa qua, thị trường đã chứng kiến hàng trăm khách sạn lớn nhỏ được rao bán. Cùng với việc hạn chế di chuyển bằng đường hàng không và đóng cửa biên giới, nguồn cầu từ khách du lịch quốc tế của Việt Nam hiện nay thực sự bằng không.
Mặc dù vậy, theo số liệu của Savills, công suất cho thuê của các khách sạn trong thành phố ở cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM trong quý II đã tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đi cùng với đó là sự cải thiện về giá phòng do các khách sạn hiện đã được sử dụng làm các cơ sở cách ly. Trong giai đoạn khó khăn, có khá nhiều khu nghỉ dưỡng được hưởng lợi từ hoạt động cách ly này.
Liên quan tới việc mua bán, sáp nhập các dự án bất động sản khách sạn trong thời gian qua, ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết có một số giao dịch chủ chốt về mua bán khách sạn vẫn đang được tiến hành.
Cụ thể, các khách sạn lớn thuộc quyền sở hữu của các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính vững mạnh và được quản lý bởi các đơn vị quốc tế vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định mà không áp dụng các phương án giảm giá sâu. Nhờ đó, các nhà đầu tư và nhà điều hành có cơ hội đầu tư dài hạn hơn, có thể vượt qua đại dịch với nguồn vốn ổn định để chờ tới khi khách sạn mở cửa trở lại.
"Tuy nhiên, đối với những khách sạn quy mô nhỏ có số lượng tương đối áp đảo tại thị trường Việt Nam, các chủ sở hữu và nhà điều hành phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn lưu động thông qua doanh thu của khách sạn. Chính vì vậy, đối tượng này đang gặp không ít khó khăn trong giai đoạn đại dịch, từ đó sẽ phải tìm kiếm cho mình những lối thoát", ông Troy Griffiths nhấn mạnh.
Theo ông, trước khi đại dịch xảy ra, thị trường khách sạn nghỉ dưỡng tại Việt Nam phát triển tương đối vững chắc. Vì vậy, các hoạt động M&A từ những đơn vị đầu tư quốc tế sẽ sớm được tiến hành tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Troy Griffiths đánh giá trước thời điểm xảy ra đại dịch và giữa các đợt COVID-19 tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh của ngành du lịch trong nước luôn nằm trong trạng thái cao điểm. Các khu nghỉ dưỡng và khách sạn mới được khai trương hàng loạt, các hãng hàng không bùng nổ và bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng là loại hình tài sản được giới đầu tư yêu thích.
"Một trong những chìa khoá thành công của thị trường khách sạn du lịch tại Việt Nam là việc tập trung rất tốt tới nhóm đối tượng khách du lịch trong nước. Trong khi đó, các địa điểm du lịch khác như Thái Lan vốn dĩ luôn dựa nhiều vào khách du lịch quốc tế, nên sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn do phụ thuộc nhiều vào khách quốc tế do những tác động của đại dịch COVID-19 gây ra”, ông nói thêm.
Đại diện Savills Việt Nam cho rằng điều quan trọng đối với các chủ doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh bất khách sạn nghỉ dưỡng để có thể tồn tại và thích ứng trong bối cảnh mới là xác định được rằng đại dịch rồi sẽ kết thúc. Với nhu cầu di chuyển và du lịch sau một thời gian dài hạn chế di chuyển, thị thường du lịch sẽ phục hồi, kéo phân khúc bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng quay trở lại nơi nó vốn đã từng đứng vững trước đây.
Ông cũng nhấn mạnh tại một số thị trường như Mỹ và các nước châu Âu, các khách sạn có giá phòng tăng gấp 5 lần so với mức trước đại dịch. Vấn đề đặt ra lúc này là với một giá phòng gấp 5 lần, khách du lịch cũng sẽ mong đợi những gói dịch vụ tốt.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp ở Mỹ, nhân viên khách sạn thậm chí còn không quay lại làm việc, kéo theo những vấn đề nan giải trong việc cung cấp chất lượng dịch vụ. Ông Troy Griffiths nhìn nhận lợi thế của Việt Nam lúc này càng được phát huy tác dụng, khi mà đối tượng chủ đạo là khách du lịch trong nước nhìn chung khá dễ tính có thể thích ứng với những thay đổi nhỏ khi lĩnh vực khách sạn đi lên.
Bình luận