Thông tin về cây ngải cứu
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, cây ngải cứu vốn là loại cây cỏ mọc dại ở nhiều địa phương phía Bắc Việt Nam. Chúng thường được dùng làm món ăn hàng ngày và xuất hiện trong nhiều bài thuốc dân gian. Ngải cứu còn có tên gọi khác là rau ngải, ngải diệp.
Đặc điểm
Ngải cứu là cây thân cỏ, cây trưởng thành có thể cao từ 0,4 - 1m, thuộc họ cúc. Cây có khả năng sống lâu năm, mọc dại nên nhiều nơi coi là cỏ dại cần diệt trừ. Lá cây màu xanh, mặt dưới có một lớp lông nhung trắng, mọc lo le. Cây mùi thơm đặc trưng, lá có tinh dầu.
Thành phần
Trong lá cây ngải cứu có hàm lượng tinh dầu tương đối lớn. Thành phần trong đó chủ yếu là monoterpen, tetradecatrilin, dehydromatricaria ester, tricosanol, rachel ancol và một số chất khác.
Trong dân gian, cây ngải cứu được dùng rất nhiều trong những bài thuốc chữa các bệnh thông thường, đặc biệt là tác dụng tốt đối với cầm máu, điều hòa kinh nguyệt, chữa đau đầu, tiêu chảy, chướng bụng,… Ngài cứu được dùng như một loại rau ăn thường ngày của nhiều gia đình và được yêu thích với vị hơi đắng và thơm.
Chườm ngải cứu có tác dụng gì?
Ngoài là nguyên liệu để chế biến món ăn ngon, ngải cứu còn được biết đến với vai trò là vị thuốc dân gian trong điều trị các chứng do hàn tà gây nên.
Báo Điện tử VTV dẫn lời các bác sĩ khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, chườm ngải cứu là một trong những phương pháp sử dụng ngải cứu để chữa bệnh. Chườm ngải là dùng ngải nóng ấm chườm trực tiếp hoặc gián tiếp lên các vùng da để trị liệu.
Khí ấm nóng kết hợp cùng tinh dầu trong ngải dược tác dụng ôn dương khí, khu hàn tà, thông kinh mạch, điều khí huyết... Đây là phương pháp đơn giản dễ làm, an toàn rẻ tiền, mang lại hiệu quả nhanh chóng.
Chườm ngải thường đem lại một cảm giác dễ chịu cho người bệnh, tuy nhiên có một số điểm cần chú ý như sau:
- Chống chỉ định đặt trực tiếp lên vùng da bị trầy xước, lở loét, mụn nhọt, các tổn thương ngứa rát da, vùng có giãn tĩnh mạch.
- Thận trọng khi sử dụng cho người sốt.
- Thận trọng khi sử dụng cho người bị mất cảm giác.
Phương pháp chườm ngải được áp dụng trong việc điều trị cho người mắc các chứng bệnh: thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, đau do thoái hóa khớp, đau cơ, đau cổ gáy, thắt lưng, đau bụng kinh, tay chân lạnh, cảm cúm…
Cùng với việc sử dụng rất nhiều phương pháp, ứng dụng những tính năng của các loại dược liệu dân gian là phương pháp hỗ trợ điều trị có thể mang lại hiệu quả cao cho người bệnh.
Bình luận