Một số chuyên gia lo ngại các đập thủy điện và công trình dân sinh ở đầu nguồn sông Hồng nằm trong lãnh thổ nước láng giềng khiến Việt Nam khó kiểm soát dòng chảy, mức độ ô nhiễm. Cao hơn nữa là nguy cơ thượng nguồn, trong hoàn cảnh nào đó, có thể trở thành một “vũ khí nước - địa chính trị”, khiến chúng ta rơi vào thế bất lợi.
Video: Sông Đà, nguồn cấp nước quan trọng
>>>Sông Hồng - sông Mẹ và những ẩn họa chực chờ
Đà Giang, sông nội thủy
Theo thạc sĩ Trần Văn Minh, nguyên phó giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Bộ NN&PTNT), sông Đà cơ bản nằm trong lãnh thổ của nước ta và có lượng sinh thủy trung bình trên 44 tỷ m3/năm, đủ cấp nước phục vụ tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội cho khu vực Bắc Bộ đến cuối thế kỷ 21 này.
Ông Minh, thành viên Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng sông Đà khác sông Hồng là chảy trong vùng núi non hiểm trở. Điều quan trọng hơn là lưu vực sông Đà ở Trung Quốc chỉ rộng hơn 1.000 km2, trong khi phần ở Việt Nam rộng tới 51.000 km2, có hệ thống hồ chứa làm lắng chất hữu cơ, hòa loãng nếu có độc tố. Nước sông Đà có thể đảm bảo đủ cho đồng bằng Bắc Bộ hàng trăm năm sau.
Theo ông Minh, trên thượng lưu hồ Hòa Bình có hệ thống các hồ chứa đã được quy hoạch với dung tích 56 tỷ m3. Hiện nay dung tích tổng thể ở mức gần 30 tỷ m3 và dung tích hữu ích đạt trên 20 tỷ m3.
“Với sông Đà và hồ Hòa Bình, hiện nay chúng ta chỉ cần khai thác 5-6 tỷ m3 và đến 2030 khoảng 7 tỷ m3 là đủ thỏa mãn mọi nhu cầu về nước. Tương lai đến hàng trăm năm sau vẫn đủ nước”, ông Minh nói với VTC News.
Chuyên gia đề xuất dùng nước sông Đà trên hồ Hòa Bình cấp nước tự chảy cho Hà Nội
Về ý tưởng tận dụng nước sông Đà thay thế nước sông Hồng, ông Phạm Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống nói ông “hoàn toàn đồng ý”. “Vì các nghiên cứu cho thấy chất lượng nước sông Đà rất tốt”, ông Hùng nói. Theo ông, sông Đà có 3 đập thủy điện ở thượng lưu (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu), được xem là 3 hồ lắng rất lớn, giữ lại phần lớn chất lắng cặn. Và khi sông Đà hợp lưu với sông Hồng tại Phú Thọ thì đã hòa và làm giảm chất ô nhiễm.
Ông Hùng nói kế hoạch điều chỉnh quy hoạch cấp nước của thành phố Hà Nội tháng 4/2021 đã quyết định thay vì chỉ có một nhà máy nước khai thác sông Đà (như hiện nay) thì đã quy hoạch thêm một nhà máy khác lấy nước sông Đà để cấp dọc theo Quốc lộ 6 về Hà Đông trong tương lai.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà, hiện nay mỗi ngày công ty khai thác khoảng 280.000 m3/ngày. Lượng nước sạch cung cấp cho người dân và doanh nghiệp là khoảng 270.000 m3/ngày. Số người sử dụng nguồn nước sạch sông Đà do công ty cung cấp là hơn 1 triệu người. Như vậy là còn quá ít so với nhu cầu của cộng đồng và tiềm năng cấp nước của sông Đà.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng ủng hộ ý tưởng tận dụng nước sông Đà thay thế nguồn sông Hồng.
Ông Hồng nói hiện nay hồ Hoà Bình có dung tích chưa đến 9 tỷ m3, trong đó dự trữ dành cho hạ du là 4 tỷ m3, nhưng hàng năm chỉ phải cấp hơn 2 tỷ m3 vào vụ Đông Xuân.
“Phải chăng chúng ta nên tăng lượng nước của hồ Hoà Bình cho Hà Nội và đồng bằng sông Hồng sử dụng? Đến nay, nhà nước vẫn sử dụng nước hồ này để phát điện là chủ yếu”, ông Hồng nói với VTC News.
“Thuỷ điện Hoà Bình không phải là công trình lớn, để sản xuất điện thì Sơn La và Lai Châu có thể đảm nhận được. Giờ phải giảm vai trò phát điện của thuỷ điện Hoà Bình đi để tăng lượng nước cho đồng bằng sông Hồng. Tôi cũng đến lúc chúng ta nên sản xuất điện bằng cách khác, nước ở các hồ thuỷ điện cần phải tích trữ và cung cấp cho người dân”, vị cựu phó hiệu trưởng Đại học Thủy lợi nhận định.
>>>Sông Hồng và những ẩn số thượng nguồn, ở bên kia biên giới
Dẫn nước tự chảy từ hồ Hòa Bình về Hà Nội, tại sao không?
Với ý tưởng giảm phụ thuộc sông Hồng, cũng là giảm phụ thuộc các yếu tố bên ngoài để đảm bảo an ninh nguồn nước, ông Trần Văn Minh đã đề xuất một dự án dẫn nước tự chảy nhờ thế năng từ hồ thủy điện Hòa Bình về Hà Nội và các vùng lân cận.
Theo ông Minh, nguồn nước trong hồ Hòa Bình với tổng lượng nước đến trên lưu vực xấp xỉ 44 tỷ m3/năm, với mực nước chết ở cao độ 80m, khu vực hạ du đa số nằm dưới cao độ 15m, khu vực trong vòng 150km từ hồ đổ về xuôi có lợi thế cấp tự chảy. Xây dựng đường dẫn nước từ hồ Hòa Bình về khu vực có nhu cầu sử dụng nước tự chảy là có thể dần dần thay thế việc cấp nước bằng động lực (máy bơm).
“Chúng ta lâu nay chưa có một nghiên cứu khai thác trực tiếp nguồn từ hồ Hòa Bình để cấp cho hạ du ngoài công việc phát điện là rất đáng tiếc. Nhu cầu dùng nước tự chảy của các hộ dùng nước phía hạ du hồ đến hàng tỷ m3 nước một năm”, ông Minh nói.
Theo tác giả đề án, địa hình từ hồ Hòa Bình về khu vực đồng bằng Bắc Bộ thoải dần, tuy đồi núi có địa hình phức tạp, nhưng có khả năng xây dựng tuyến dẫn nước với giá thành hợp lý.
Các tỉnh được hưởng lợi từ dự án bao gồm Hòa Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nam. Trong đó Thủ đô Hà Nội nhận được nguồn nước cấp chủ yếu bằng tự chảy.
“Không lẽ nào hàng năm phải xả xuống biển hàng tỷ m3, hiệu suất phát điện thấp, mục tiêu là dâng đầu nước để tháo vào các trục dẫn tạo nguồn cho bơm động lực, mà số lượng nước bơm cấp 1 tạo nguồn bơm cấp 2 khá lớn để chỉ mang lại cho ngành nông nghiệp một phần nhỏ lượng nước trên?”, ông Minh đặt vấn đề. Ông cho rằng giai đoạn xả nước đổ ải lại nằm ở đầu thời kỳ nóng nực, điện lực rất cần tích nước để chuẩn bị cho các đợt nắng nóng tháng 3, tháng tư, tháng 5 thì lại phải hạ thấp đầu nước, lãng phí hàng tỷ m3 nước chỉ phục vụ cho đổ ải mà tỷ lệ sử dụng cho sản xuất nông nghiệp thời kỳ này chỉ cần dăm bảy trăm triệu m3.
Ông Minh nói thời điểm này là cơ hội cuối cùng để khai thác nguồn nước sông Đà trên hồ Hòa Bình bằng tự chảy để cấp cho nền dân sinh kinh tế. Bởi lẽ ngay bây giờ, để tìm một giải pháp thích hợp đưa nước từ các cống lấy nước xây dựng trong hồ Hòa Bình đến khu hạ lưu là rất khó khăn bởi hạ lưu hồ Hòa Bình đã là một thành phố phát triển rất nhanh, càng ngày việc bồi thường giải phóng mặt bằng càng khó khăn, tốn kém.
“Huống hồ khoảng 5 năm, 10 năm nữa khi giữa Hà Nội với Hòa Bình giao thông thuận lợi, tốc độ xây dựng phát triển rầm rộ như hiện nay, tạo thành một đường phố nối từ Hà Nội đến Hòa Bình, thì không ai dám nghĩ một giải pháp hợp lý nào cho tuyến dẫn nước này nữa bởi kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng nhiều lần. Dù khó khăn mấy thì công tác giải phóng mặt bằng ở các vùng hiện nay vẫn thuận lợi hơn giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình trong những năm sau”, ông Minh nói.
Về ý tưởng của ông Trần Văn Minh, GS.TS Vũ Trọng Hồng nói ông rất ủng hộ. “Thạc sĩ Trần Văn Minh cũng đã từng xin ý kiến tôi về đề án chuyển nước từ hồ Hoà Bình về Hà Nội. Tôi đã tham gia sửa chữa và rất ủng hộ nhưng khi đưa lên Bộ NN & PTNT thì không trả lời rõ ràng. Tôi cho rằng, lúc này cần tiếng nói của các nhà khoa học, và bộ cần trả lời dứt khoát dự án này có được hay không”, ông Hồng nói.
Theo vị cựu chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, có thể Bộ NN & PTNT không quyết được vì “việc dẫn nước qua các địa phương sẽ làm mất đất của họ”, và có lẽ chỉ Chính phủ mới đủ tầm xử lý vấn đề này.
TS. Đào Trọng Tứ, trưởng ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cho rằng, có rất nhiều cách đưa nước từ hồ Hoà Bình về Hà Nội và đồng bằng sông Hồng và về lâu dài thì đề án này là “phù hợp”. “Nhưng phải nghiên cứu để hài hoà với các lợi ích khác”, ông Tứ nhận định.
Chúng ta sẽ có lỗi với thế hệ sau nếu ngay lúc này không có chủ trương nghiên cứu thật thấu đáo và nhanh chóng triển khai từng bước dùng nước sông Đà trên hồ Hòa Bình cấp nước tự chảy cho Hà Nội.
Ông Trần Văn Minh
“Chúng ta sẽ có lỗi với thế hệ sau nếu ngay lúc này không có chủ trương nghiên cứu thật thấu đáo và nhanh chóng triển khai từng bước dùng nước sông Đà trên hồ Hòa Bình cấp nước tự chảy cho Hà Nội”, ông Trần Văn Minh nói.
Theo ông, nếu chưa có điều kiện xây dựng công trình, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, lập giải pháp, lập quy hoạch tuyến, cắm mốc chỉ giới để giữ mặt bằng, xây dựng khi đủ điều kiện.
>>>‘Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt’ không dám uống nước sông Hồng
Bình luận