Thông tin trên được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu tại kỳ họp thứ 20, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra sáng 10/12, liên quan đến định hướng sắp xếp lại bộ máy hành chính.
Mục tiêu chính của việc sắp xếp này là xây dựng một hệ thống hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển của thành phố.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung sắp xếp bộ máy hành chính theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, phân định cụ thể các nội dung công việc do hệ thống chính trị, dịch vụ công, hay khu vực kinh tế - xã hội đảm nhận. Để triển khai hiệu quả, thành phố sẽ kiến nghị Trung ương sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, tạo cơ sở thuận lợi và sát thực tiễn hơn.
“Sắp xếp bộ máy không chỉ đơn thuần là sáp nhập, mà cần rà soát, đổi mới thể chế và củng cố đội ngũ. Thành phố phải xác định rõ nội dung nào hệ thống chính trị cần đảm trách, nội dung nào dịch vụ công thực hiện và nội dung nào để xã hội tham gia. Đây là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến giữa năm 2025. Chúng tôi mong nhận được ý kiến đóng góp từ đại biểu, chuyên gia và người dân để hoàn thiện hơn”, ông Mãi nói.
Ông Mãi cũng thông tin, hiện Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã phân công Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải, phối hợp cùng Sở Tư pháp và Sở Nội vụ, tổng hợp ý kiến từ các sở, ngành liên quan. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan và Văn phòng UBND TP.HCM đang tiến hành rà soát các quy trình nhằm đơn giản hóa và nâng cao hiệu quả vận hành.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, việc sắp xếp bộ máy và cải thiện thể chế không chỉ nhằm tinh gọn tổ chức mà còn giúp nâng cao năng lực đội ngũ, thúc đẩy hiệu quả quản lý và đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của TP.HCM.
TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 10% năm 2025
Trao đổi tại kỳ họp HĐND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5 - 8% năm 2024 mà thành phố đặt ra là một thách thức lớn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, mức tăng trưởng ước đạt 7,17% trong năm 2024, dù chưa đạt kỳ vọng, vẫn tiệm cận mục tiêu đề ra và phản ánh nỗ lực to lớn của toàn thành phố.
Ông Mãi nhấn mạnh, với quy mô kinh tế lớn, đây là một thử thách rất khó khăn. Ông phân tích, 1% tăng trưởng tại TP.HCM tương đương 1,3% của Hà Nội, 4,1% của Hải Phòng, 14,5% của Đà Nẵng và 17,3% của Cần Thơ. Điều này cho thấy, nếu đạt được mục tiêu này, TP.HCM sẽ có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Qua quá trình điều hành, TP.HCM đã rút ra nhiều bài học để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong thời gian tới. Sau Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố giữa năm, UBND TP.HCM đã rà soát lại các mục tiêu và đề ra các giải pháp cụ thể. Chỉ thị số 12, được ban hành để thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 và 2025, đã bước đầu mang lại kết quả tích cực.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ sơ kết 4 tháng thực hiện Chỉ thị 12 để xác định các trọng tâm và giải pháp đột phá, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2025. Một trong những giải pháp quan trọng là tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt 500.000 tỷ đồng, trong đó 100.000 tỷ đồng từ ngân sách (20%), còn lại 400.000 tỷ đồng huy động từ đầu tư xã hội.
Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh, việc tháo gỡ các dự án tồn đọng sẽ đóng góp rất lớn vào tăng trưởng. Thành phố cũng kỳ vọng vào chương trình kích cầu của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC). Nếu HFIC đầu tư 20% vào các dự án hợp vốn cùng ngân hàng thương mại, chỉ cần bỏ ra 10.000 tỷ đồng, có thể huy động thêm 40.000 tỷ đồng từ ngân hàng. Ông đề nghị trong tháng 12 phải chọn ngay 6 dự án để triển khai.
TP.HCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, các động lực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, xuất khẩu, và tiêu dùng sẽ được tận dụng để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng. Chỉ với sự đồng lòng và quyết tâm, thành phố mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng này.
Bình luận