Sáng 26/2, tại Văn phòng Chính phủ diễn ra cuộc họp giữa các doanh nghiệp ô tô trong nước để giải quyết các khúc mắc trái chiều về một số quy định tại Nghị định 116.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Nghị định 116 là một tiến bộ lớn của Chính phủ Việt Nam. Có thể nói rằng một Nghị định được ban hành công phu, được lắng nghe ý kiến của các Hiệp hội, ngành hàng, lắng nghe ý kiến của các bên liên quan.
Tuy nhiên, giữa các doanh nghiệp ô tô trong nước vẫn đang có nhiều khúc mắc và chưa được thỏa đáng. Vì vậy, Hội nghị do Văn phòng Chính phủ tổ chức sẽ làm rõ hơn những yêu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, để cơ quan quản lý nhà nước báo cáo với Thủ tướng về những giải pháp và công bố cụ thể liên quan đến Nghị định 116 và thông tư 03.
Trong khuôn khổ cuộc họp, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã đưa ra 3 vấn đề đang gây tranh cái trong Nghị định 116 là: Đường thử, giấy chứng nhận kiểu loại và thị trường thiếu hụt xe.
Về việc này, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty ô tô Trường Hải (Thaco) đã có lời phản biện.
Thiếu hụt xe là do các doanh nghiệp tự tạo ra
Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cho rằng, Nghị định 116 ra đời là để đưa ngành sản xuất, bảo hành và bảo dưỡng ô tô vào một ngành kinh doanh có điều kiện nhằm bảo đảm được 4 mục tiêu chính là: Đảm bảo điều kiện về môi trường; Đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng; An toàn giao thông và Đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu với nhau, giữa các DN nhập khẩu với các DN sản xuất lắp ráp (SXLR) trong nước, và giữa các DN SXLR trong nước với nhau.
Về việc này, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Trường Hải cho rằng, việc thị trường ô tô Việt Nam đang thiếu hụt xe không phải là do Nghị định 116 mà do chính các doanh nghiệp ô tô nhập khẩu gây ra.
Ông Dương nhấn mạnh: “Hiện nay do chiến lược, kế hoạch của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam đã chuyển một phần từ sản xuất lắp ráp sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ năm 2018. Thì như vậy xe trong nước không sản xuất nữa mà nhập từ xe nguyên chiếc, mà khi nhập về thì lại có các quy định thành ra bị thiếu hụt một lượng xe ở thị trường, mà tôi xin nói việc này là do chính các anh gây ra”.
Ông Dương cho rằng, bản thân Thaco cũng là một đơn vị nhập khẩu xe, trong đó có dòng xe sang BMW của Đức. Chính vì vậy, doanh nghiệp này vẫn phải chịu các quy định của Nghị định 116.
Trước yêu cầu tạm hoãn Nghị định 116 của một vài doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương cho rằng, không chỉ riêng Thaco, đã có 9 DN khác phải tích cực hoàn thiện hồ sơ để đáp ứng các yêu cầu của Nghị định. Điều này không thể phản ánh hết được cục diện của thị trường và không có lý do gì để hoãn.
“Đơn cử, Volkswagen ở Châu Âu cũng nhập xe nguyên chiếc bán ở đây, thì rất nhiều họ cũng đều tích cực để thực hiện Nghị định này và họ cũng không có ý kiến gì về vấn đề tạm hoãn”, ông Dương nói.
Nhiều quy định trong Nghị định 116 đã được áp dụng từ lâu
Ngoài ra, ông Trần Bá Dương cho rằng, Nghị định 116 không thiên vị doanh nghiệp ô tô “nội” hay “ngoại”. Nhiều quy định, khoản mục, các doanh nghiệp “nội” đã áp dụng từ lâu.
Cụ thể, bản sao giấy chứng nhận kiểu loại cho xe nhập và cho xe sản xuất lắp ráp trong nước đã được Thaco áp dụng từ năm 2006.
“Tôi xin nhấn mạnh là giấy này không chỉ riêng cho xe nhập khẩu, kể cả xe SXLR trong nước của Thaco chúng tôi cũng phải xuất trình giấy này. Quy định này có từ năm 2006. Đến 2011, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định nằm trong thông tư 31 ngày 15/4/2011”, ông Dương nói.
Theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam đối với xe SXLR trong nước, Thaco đã có giấy chứng nhận kiểu loại. Theo thông tư 31, Thaco đã làm từ năm 2011. Đây là các bản chứng nhận kiểu loại mà doanh nghiệp này mang theo, trong đó có: chứng nhận của KIA từ Hàn Quốc, chứng nhận của Peugeot của Pháp, chứng nhận của Mazda của một tổ chức của Đức và mới đây là BMW của Đức.
Ông Dương cho rằng, tác dụng của giấy chứng nhận kiểu loại này như lý lịch của 1 chiếc xe, nói về công nghệ và các tính năng của xe, được chứng thực của các cơ quan có thẩm quyền chứ không phải là nói bằng phương thức marketing của các hãng.
Vị chủ tịch của Thaco nêu ví dụ: "Khi chúng tôi xuất khẩu xe Bus sang Đài Loan, chúng tôi phải mang mẫu xe sang đó để thử nghiệm. Họ có một trung tâm thử nghiệm rất lớn và thời gian thử nghiệm trong vòng 45 ngày. Khi đạt yêu cầu họ mới đồng ý cho xuất khẩu”.
"Vậy thì nếu bỏ chứng nhận kiểu loại thì cần có trung tâm kiểm định đủ thẩm quyền như thế này. Vậy không cần loại bỏ quy định chứng nhận tiểu loại này mà nên chăng chỉ cần rà soát lại để thống nhất có một mẫu chứng nhận kiểu loại của Việt Nam cho phù hợp".
Ông Dương cho rằng, giấy chứng nhận kiểu loại là cần thiết và theo thông lệ quốc tế là có, làm cũng không khó lắm. “Tôi cũng có tìm hiểu và cũng đã gửi cho Bộ Giao thông. Giấy chứng nhận chủng loại này mỗi hãng xe là chứng nhận khác nhau, những chứng nhận này rất chi tiết, nên chăng chúng ta không nên bác bỏ cái này, mà phải tiến hành nhanh, để rà soát lại các biểu mẫu của giấy chứng nhận chủng loại để có được một bộ chứng nhận chủng loại của Việt Nam”.
Video: Thị trường xe ô tô sẽ bùng nổ trong năm 2018?
Vấn đề thứ ba là quy định về đường thử. Theo ông Dương, đường thử trước đây đã quá lỗi thời, gần 20 năm, hiện nay các tính năng xe cũng khác, tốc độ xe cũng cao hơn, khi làm một đường thử vòng cũng đã phân tích rất kỹ mấy trăm mét là thử thắng, mấy trăm mét là thử tốc độ, tính rất kỹ cuối cùng là 800m.
“Việc áp dụng này nếu ngài Chủ tịch VAMA nói áp dụng ngay gây khó khăn cho các thành viên VAMA thì tôi cũng xin lưu ý rằng Nghị định nói rằng việc này duy trì cho đến 1 năm rưỡi, tức là đến 15/4/2019, chứ không phải áp dụng ngay”.
“Tôi cũng xin nói rằng, với sự tự trọng của tôi, tôi không xin sự ưu đãi. Nghị định 116 này không ưu đãi cái gì cho doanh nghiệp trong nước. Đây gần như là giống nhau, chúng tôi đã bị thử nghiệm, hiện nay các phụ tùng chúng tôi đang làm liên quan đến chất lượng, chúng tôi phải có giấy chứng nhận từ nhà sản xuất nước ngoài, thậm chí đăng kiểm đi cùng chúng tôi qua Nhật, qua các nhà máy để kiểm tra”, ông Dương nói.
Bình luận