• Zalo

Chống dịch Covid-19: Chiến thắng trận đầu, nhưng chủ quan là tự sát

Tin nóngThứ Tư, 26/02/2020 16:06:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trước thực tế ở một số địa phương chủ quan, lơ là, các chuyên gia cho rằng “trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, tuy chúng ta đã chiến thắng trận đầu, nhưng nếu chủ quan là tự sát”.

Tại cuộc họp ngày 26/2, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhận định, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đang thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hiện chúng ta đã chữa khỏi bệnh cho toàn bộ 16/16 trường hợp nhiễm Covid-19; đang theo dõi, cách ly 31 trường hợp nghi nhiễm; theo dõi sức khoẻ 5.675 người tiếp xúc với người nghi nhiễm và nhập cảnh từ vùng dịch. Qua 14 ngày, Việt Nam chưa ghi nhận thêm các trường hợp nhiễm Covid-19 mới.

Đại diện Bộ Y tế chính thức thông báo, theo các điều kiện, đến hôm nay hai tỉnh Thanh Hoá, Khánh Hoà đủ điều kiện để công bố hết dịch. Tuy nhiên, dù hết dịch tại 2 địa phương, nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, khó lường.

Bộ Y tế nhận định, thời gian tới Việt Nam có thể ghi nhận những trường hợp mắc Covid-19 mới. Nhưng chúng ta đã khởi động toàn bộ hệ thống giám sát y tế, sẵn sàng phát hiện, sàng lọc, tập trung điều trị, khoanh vùng dập dịch tại chỗ.

Chống dịch Covid-19: Chiến thắng trận đầu, nhưng chủ quan là tự sát - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp sáng 26/2. (Ảnh: VGP)

Trước thực tế ở một số địa phương xuất hiện những biểu hiện chủ quan, lơ là, các ý kiến cho rằng: “Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, tuy chúng ta đã chiến thắng trận đầu, nhưng nếu chủ quan là tự sát”.

Ban Chỉ đạo đề nghị cấp uỷ và chính quyền, hệ thống chính trị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng, các bộ ngành trung ương,… về phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tốt “hai mũi giáp công” là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.

Phân tích tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc, quốc gia có quan hệ kinh tế, xã hội sâu rộng với Việt Nam, công dân 2 nước qua lại, làm ăn, sinh sống, du lịch rất nhiều, Ban Chỉ đạo đánh giá các tác động, qua đó thống nhất một số giải pháp ứng phó.

Trước hết, Ban Chỉ đạo đề nghị các Bộ Ngoại giao, Giáo dục và Đào tạo, LĐ-TB&XH phối hợp chặt chẽ, lên danh sách lưu học sinh, người lao động và các đối tượng khác là người Việt Nam đang học tập, sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc để cung cấp cho bộ phận an ninh xuất nhập cảnh, hàng không... Tất cả các trường hợp người Việt Nam từ Hàn Quốc về nước thì tổ chức cách ly y tế theo đúng quy định.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, cả đường bộ, đường hàng không,… nhất là đối với các công dân nước ngoài đến Việt Nam từ vùng có dịch hoặc đi qua vùng có dịch để có các giải pháp ứng phó phù hợp.

Chống dịch Covid-19: Chiến thắng trận đầu, nhưng chủ quan là tự sát - 2

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: VGP)

Đối với các trường hợp từ Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam trong 14 ngày qua (cả người nước ngoài và công dân Việt Nam), Ban Chỉ đạo đề nghị cấp uỷ, chính quyền các địa phương, cơ sở chỉ đạo cảnh sát khu vực, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố,… tổ chức theo dõi sức khoẻ, giám sát y tế theo quy định.

Tiếp tục thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với người đến từ Hàn Quốc, trong đó cần triển khai thực hiện khai báo điện tử, cũng như thông tin, phổ biến về nghĩa vụ, trách nhiệm cho các hành khách khi đến Việt Nam ngay tại các sân bay của Hàn Quốc. 

Cấp uỷ, chính quyền và hệ thống chính trị địa phương phải trực tiếp gặp gỡ, phổ biến cho tất cả các gia đình có người thân đang sinh sống, học tập, lao động tại Hàn Quốc thực hiện nghiêm các khuyến cáo của chính quyền sở tại ở Hàn Quốc về phòng, chống dịch bệnh, không nên di chuyển, kể cả về Việt Nam.

Các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện tốt công tác tuyên truyền tại những khu vực có nhiều cơ sở lưu trú cho người đến từ các vùng dịch, có các tài liệu hướng dẫn bằng các ngoại ngữ phù hợp để người dân hiểu đúng về dịch bệnh Covid-19, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, tránh tâm lý hoang mang, kỳ thị đối với người nước ngoài.

Đáng chú ý, tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng, vừa qua công tác truyền thông tại một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện kịp thời. Cá biệt có nơi cung cấp thông tin không đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo quốc gia, gây ảnh hưởng không tốt tới tâm lý người Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động tại nước ngoài, thậm chí ảnh hưởng tới quan hệ đối ngoại.

Do đó, Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn, thông tin để tránh hiểu lầm, gây hoang mang dư luận.

Video: 'Bệnh nhân 31' ở Hàn Quốc lây nhiễm Covid-19 cho nhiều người thế nào?

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp