Trong cuộc họp báo dành cho các tùy viên quân sự nước ngoài, Tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga xác nhận rằng, trung đoàn đầu tiên của nước này được trang bị hệ thống phòng không S-500 đang tiến gần đến giai đoạn sẵn sàng hoạt động hoàn toàn.
"Hệ thống này không giống bất kỳ hệ thống nào chúng tôi từng triển khai trước đây", Gerasimov tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh khả năng của S-500 trong việc chống lại các mối đe doạ nguy hiểm nhất hiện nay như vũ khí siêu thanh và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. "Việc thành lập trung đoàn này là một bước ngoặt trong khả năng phòng thủ chiến lược của chúng tôi", ông nói thêm.
Như Gerasimov đã ám chỉ, trung đoàn đầu tiên này chỉ là sự khởi đầu. Việc triển khai S-500 có thể sẽ định hình lại cán cân quyền lực và thách thức khả năng triển khai lực lượng của NATO. Với động thái này, Nga đã vạch ra một ranh giới mới không chỉ trải dài trên mặt đất và bầu trời mà còn vươn ra cả không gian.
Khả năng của S-500
S-500 không phải là một nền tảng phòng không thông thường, tên lửa của nó có thể đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách lên tới 600 km, vượt trội hơn bất kỳ thứ gì mà Mỹ hoặc NATO hiện đang triển khai. Để so sánh, hệ thống THAAD của Mỹ chỉ đạt tối đa khoảng 200 km.
Tầm bắn này cho phép S-500 tấn công được các mục tiêu tầm xa, nhắm vào các tài sản có giá trị cao và quan trọng của Không quân NATO, chẳng hạn như máy bay tiếp nhiên liệu và máy bay cảnh báo sớm (AWACS).
Không giống như S-400 với bốn tên lửa trên mỗi bệ phóng, S-500 sử dụng cấu hình hai tên lửa gọn nhẹ hơn. Nhưng những tên lửa này có sức công phá ấn tượng, được thiết kế dành riêng cho các cuộc giao tranh ở độ cao cực lớn, tốc độ cực cao, cho dù đó là phương tiện lướt siêu thanh, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay thậm chí là vệ tinh quỹ đạo thấp.
Các báo cáo về việc triển khai hạn chế S-500 trong những năm gần đây đã xuất hiện không ít. Vào tháng 12/2021, các đơn vị S-500 đã được thử nghiệm ở Bắc Cực, nhằm kiểm tra sức bền của hệ thống trong điều kiện khắc nghiệt. Gần đây hơn, S-500 đã được triển khai ở Crimea, nhằm bảo vệ Cầu Kerch, một tuyến đường chiến lược giữa đất liền Nga và Bán đảo Crimea. Các hoạt động này đóng vai trò là nơi thử nghiệm cho S-500, tinh chỉnh các khả năng của hệ thống trước khi triển khai toàn diện.
Một trong những tính năng hấp dẫn nhất của S-500 là khả năng tương tác. Mặc dù không được tối ưu hóa để tấn công các máy bay chiến đấu nhỏ, nhưng mạng lưới radar mạnh mẽ của S-500 có thể liên kết với các hệ thống S-400 để theo dõi và nhắm mục tiêu vào máy bay tàng hình ở khoảng cách xa. Điều này tạo ra một mạng lưới phòng thủ đáng gờm và làm giảm lợi thế từ công nghệ tàng hình của NATO.
Việc Nga triển khai S-500 là bước ngoặt không chỉ đối với Quân đội Nga mà còn đối với chiến lược phòng thủ toàn cầu. Khi biên giới của chiến tranh đã mở rộng đến tận không gian, S-500 rất có thể là vũ khí định hình chiến trường của tương lai.
Điểm yếu của S-500
Mặc dù S-500 là một kỳ quan công nghệ, nhưng nó không thể hoàn toàn miễn nhiễm với những mối đe dọa ngày càng tăng của chiến tranh mạng. Nga chắc chắn đã đầu tư rất nhiều vào việc bảo vệ hệ thống của họ, nhưng vẫn sẽ có các lỗ hổng để khai thác.
Bên cạnh đó, S-500 không chỉ là một kỳ tích đáng kinh ngạc về kỹ thuật mà còn là một nỗ lực kinh tế khổng lồ. Việc phát triển, sản xuất và duy trì một hệ thống phòng không tiên tiến như vậy đòi hỏi rất nhiều nguồn lực.
Ngoài chi phí để sản xuất một hệ thống tinh vi như vậy, còn có chi phí bảo dưỡng và đào tạo nhân sự, xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ S-500 và hậu quả chính trị của một hệ thống có thể làm gia tăng căng thẳng trên toàn cầu. Nhưng lợi nhuận tiềm năng của S-500 cũng được đánh giá là rất lớn, với việc thị trường quốc phòng toàn cầu đang mở rộng, S-500 có thể trở thành nguồn xuất khẩu mạnh mẽ của Nga, sánh ngang với thành công của S-400.
Thách thức đối với NATO
S-500 của Nga không chỉ là một hệ thống phòng không mà còn là một thách thức trực tiếp đối với tương lai thống trị không gian. Với khả năng nhắm mục tiêu vào các vệ tinh ở quỹ đạo Trái đất thấp, hệ thống này về cơ bản làm thay đổi cục diện chiến tranh hiện đại.
Sự phụ thuộc của NATO vào thông tin liên lạc, giám sát và định vị vệ tinh đã khiến những tài sản này trở nên quan trọng đối với các hoạt động quân sự của khối. Hiện Nga có khả năng vô hiệu hóa các tài sản này trước khi chúng đến gần không phận Nga. S-500 là một tín hiệu cho thấy việc quân sự hóa không gian không còn chỉ là một khái niệm lý thuyết nữa.
S-500 đã trải qua một loạt các cuộc thử nghiệm chuyên sâu kể từ năm 2020. Theo các báo cáo chính thức từ Nga, các cuộc thử nghiệm ban đầu đã diễn ra vào cuối năm 2020 và S-500 được cho là có thể bắn trúng mục tiêu ở phạm vi hơn 600 km.
Vào năm 2021 và 2022, Nga tiếp tục tiến hành các cuộc thử nghiệm, bao gồm chống tên lửa siêu thanh và mục tiêu đạn đạo, chứng minh khả năng đa dạng của hệ thống. Đến năm 2023, S-500 bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, với các nguồn tin từ Nga tuyên bố rằng, hệ thống này sẽ được đưa vào biên chế trong năm 2025.
Phản ứng từ Mỹ
Lầu Năm Góc đã theo dõi chặt chẽ những diễn biến này, với các phân tích cho thấy S-500 đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với kiến trúc phòng thủ toàn cầu. Trong các tuyên bố công khai được đưa ra vào năm 2020, người phát ngôn của Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman nói, "Nga đang mở rộng vũ khí của mình bằng các công nghệ mới, bao gồm cả S-500, có thể thay đổi cán cân quyền lực trong phòng thủ tên lửa toàn cầu".
Mặc dù Mỹ chưa cung cấp phản ứng công khai chi tiết về các cuộc thử nghiệm S-500 cụ thể, nhưng những bình luận này cho thấy rõ mối quan ngại về tiến bộ công nghệ của Nga và tác động tiềm tàng của nó đối với sự ổn định chiến lược.
Năm 2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển S-500, vì đây là một phần trong chiến lược của Nga nhằm tăng cường hệ thống phòng thủ và đặt ra những thách thức mới đối với an ninh toàn cầu”.
Những nhận xét này nhấn mạnh rằng Washington nhận thức rõ về năng lực ngày càng tăng của Nga và đang chuẩn bị ứng phó trong bối cảnh những thách thức toàn cầu mới.
Bình luận