Theo Sputnik, sau vụ tử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh (ASAT) hôm 15/11 vừa qua, Mỹ cùng nhiều nước đồng minh phương Tây đã lên tiếng chỉ trích hành động này của Nga là liều lĩnh và tạo ra mối đe dọa cho các sứ mệnh đưa người vào không gian, cũng như các vệ tinh đang hoạt động.
Trước đó, tại sân bay vũ trụ Kosmodrom Plesetsk ở miền bắc nước Nga, quân đội nước này đã tiến hành thử nghiệm một mẫu tên lửa diệt vệ tinh mới. Mục tiêu lần này là một vệ tinh do thám có tên Tselina-D đã ngừng hoạt động từ nhiều năm trước.
Vụ thử nghiệm diễn ra trên Bắc Băng Dương, phía Nga cũng tính toán thời gian tiến hành vụ phóng tên lửa nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ các mảnh vỡ từ Tselina-D ảnh hưởng trạm vũ trụ quốc tế ISS, cũng như một số vệ tinh còn hoạt động gần đó.
Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn cho rằng hành động trên của Moskva là thiếu cân nhắc, vụ thử nghiệm đã tạo ra ít nhất 1.500 mảnh vỡ trong không gian, tạo ra các mối đe dọa không cần thiết cho các hoạt động nghiên cứu không gian trên quỹ đạo Trái Đất.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Thử nghiệm này sẽ làm tăng đáng kể rủi ro đối với các phi hành gia và nhà du hành vũ trụ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, cũng như các hoạt động bay vào vũ trụ khác của con người”.
“Hành động nguy hiểm và vô trách nhiệm của Nga đã tạo ra các mối đe dọa đến sự bền vững của các chương trình nghiên cứu không gian của nhân loại. Nó cũng thể hiện rõ những tuyên bố phản đối vũ khí hóa không gian của Nga là đạo đức giả”, ông Price nhấn mạnh.
Các tuyên bố tương tự cũng được đưa ra từ các bộ quốc phòng của Anh và Pháp.
Cũng theo Sputnik, với những tuyên bố như trên, dư luận sẽ có suy nghĩ rằng Mỹ và đồng minh chưa từng thử nghiệm một loại vũ khí nào trong không gian, càng không bắn hạ một vệ tinh nào đó trước đây. Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược hoàn toàn, bởi Lầu Năm Góc có hẳn một chương trình nghiên cứu vũ khí ngoài không gian khá kéo dài trong nhiều thập kỷ, mà kết quả cuối cùng là việc họ đưa vũ khí hạt nhân lên trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp.
Chưa dừng lại đó, Mỹ cũng từng thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong không gian, với vụ thử nghiệm Starfish Prime vào năm 1962.
Kích nổ đầu đạn hạt nhân ở độ cao 400km
Starfish Prime là một phần của loạt thử nghiệm thuộc Dự án Fishbowl, nhằm tìm hiểu vũ khí hạt nhân sẽ gây ra nguy hiểm gì nếu được kích nổ ở độ cao lớn, đặc biệt là tác động của xung điện từ vụ nổ đối với thiết bị điện tử bên dưới mặt đất, cũng như ngoài không gian.
Phải nhấn mạnh rằng cả Mỹ và Liên Xô đều đã có cuộc thử nghiệm hạt nhân quy mô nhỏ (chưa thể cấu thành vũ khí) trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp (dưới 2.000km). Nhưng một vụ thử vũ khí hạt nhân đúng nghĩa ở độ cao này lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Vụ thử nghiệm Starfish Prime, diễn ra vào ngày 9/7/1962, một đầu đạn hạt nhân có sức công phá 1,4 megaton được đưa lên từ tên lửa đạn đạo tầm trung PGM-17 Thor đã được kích nổ ở độ cao 400km gần quần đảo san hô Johnston ở Thái Bình Dương.
Mặc dù sức nóng hủy diệt và sóng xung kích của nó không thể gây ảnh hưởng đến bất cứ thứ gì trên Trái Đất, nhưng xung điện từ của vụ nổ lại lan ra xa hơn mức các nhà khoa học Mỹ dự đoán và ảnh hưởng của nó kéo dài tới tận 5 năm.
Theo Tạp chí Smithsonian, cựu Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Hạt nhân Mỹ, Glenn Seaborg đã viết trong hồi ký của mình: “Trước sự ngạc nhiên và thất vọng lớn lao của chúng tôi, Starfish đã bổ sung đáng kể các electron trong Vành đai bức xạ Van Allen. Kết quả này trái ngược với tất cả các dự đoán của chúng tôi trước đó".
Còn theo tạp chí Discover, bức xạ từ xung điện từ từ vụ nổ Starfish Prime đã luân chuyển xung quanh Trái đất trong nhiều tháng sau đó, tạo ra một vành đai bức xạ riêng biệt, và nó cũng phá hủy ít nhất 6 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo khi đó.
Chỉ một tháng sau vụ thử Starfish Prime, hai phi hành gia Liên Xô, Andriyan Nikolayev và Pavel Popovich, lần lượt được phóng lên không gian từ tàu vũ trụ Vostok 3 và Vostok 4, đồng nghĩa với việc họ cũng gặp nguy hiểm bởi vành đai phóng xạ từ vụ thử hạt nhân của Mỹ.
Tuy nhiên, vụ thử Starfish Prime cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định bên dưới mặt đất, cách Johnston khoảng 1.400km ở Honolulu, Hawaii, các nhân chứng vẫn thấy rõ ánh sáng khi đầu đạn được kích hoạt, xung điện từ cũng làm hỏng 300 bóng đèn đường. Chưa dừng ở đó các máy bay và hệ thống liên lạc vô tuyến trong khu vực cũng chịu ảnh hưởng.
Ngay như ở quốc đảo Fiji, vẫn có thể theo quan sát thấy ánh sáng từ vụ nổ hạt nhân trên không.
Một năm sau thử nghiệm Starfish Prime, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó Robert McNamara đã yêu cầu trang bị đầu đạn hạt nhân cho các tên lửa thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Nike-Zeus đang được triển khai ở đảo san hô Kwajalein, chúng được sử dụng như một thứ vũ khí để vô hiệu hóa các vệ tinh Liên Xô khi cần thiết.
Sau đó quân đội Mỹ cũng đã sử dụng tên lửa Thor của họ như một vũ khí diệt vệ tinh vào những năm 1970, trước khi phát triển một loại tên lửa chống vệ tinh đặc biệt có thể được bắn bởi máy bay chiến đấu F-15 Eagle là ASM-135 vào năm 1985.
Từ những dẫn chứng trên, Sputnik cho rằng quân đội Nga phát triển các loại vũ khí diệt vệ tinh là có cái lý của họ khi người Mỹ cũng như các nước đồng minh đang được trang bị các loại vũ khí này.
Bình luận