Nhìn đứa cháu gần 3 tuổi luôn miệng gọi “bà ơi, bà ơi” rồi thỉnh thoảng bi bô câu hát “bà ơi bà, cháu yêu bà lắm”, khoé mắt bà Vũ Thị Hương (SN 1959, ở khu dân cư Triệu Thái, thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện, Hải Dương) lại cay xè.
Chỉ cho tôi hậu môn nhân tạo được giấu kín sau chiếc áo phông đã cũ, bà Hương khẽ cười bảo, bà bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối. Đầu năm 2020, thấy mẹ ngày càng gầy và hay bị đau, các con đưa bà đi mổ. Cuối năm đó, cả gia đình đón thêm thành viên mới là cháu Phạm Văn Khôi.
Khi Khôi được 6 tháng tuổi, mặc dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng để phụ giúp các con kiếm tiền trả nợ và nuôi con nhỏ, những lúc cơ thể không đau yếu, bà Hương tranh thủ trông cháu để con dâu đi làm công ty, con trai đi xây đắp bên Quảng Ninh. Nhưng cũng chính thời điểm này, sóng gió liên tục ập xuống gia đình nhỏ.
“Hết thời gian nghỉ sinh, con dâu tôi đi làm trở lại. Trông cháu, tôi thấy cháu ăn uống kém dần. Một ngày giữa tháng 6/2021, khi Khôi đang chơi đùa thì đi vệ sinh ra máu tươi. Lúc ấy chân tay tôi bủn rủn, đứng không vững. Quá hốt hoảng, tôi vội gọi con dâu về đưa cháu đi bệnh viện thăm khám”, bà Hương nhớ lại.
Chị Nguyễn Thị Tình (SN 1990) khi ấy đang đi làm, nhận điện thoại từ mẹ chồng cũng vội vã trở về. Mặc dù say xe ô tô nhưng khi ôm đứa con trai nhỏ đang ngủ trong vòng tay mình để tới bệnh viện, mọi mệt mỏi trong chị đều tan biến. Hai mẹ con chị Tình đưa Khôi đi khám tại một bệnh viện ở Hải Dương. Ngày bé Khôi nhập viện cũng là thời điểm chuẩn bị giỗ ông nội (chồng bà Hương).
Lúc này, từ Quảng Ninh, anh Phạm Văn Bộ (SN 1985) nhận điện thoại từ mẹ thông báo tình trạng sức khoẻ của bé Khôi, vừa nói bà vừa khóc. Vội thu xếp công việc, anh trở về Hải Dương ngay trong đêm và lên bệnh viện, thay vợ chăm sóc con để vợ về đi làm.
Nằm viện ở Hải Dương một thời gian, Khôi được chuyển lên tuyến Trung ương. Là một người đàn ông bươn chải, từng đối diện với không ít thăng trầm cuộc đời nhưng anh Bộ đã bật khóc sau khi biết con trai bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh thể Wiskott Aldrich, bệnh hiếm.
Đến bây giờ, bà Hương vẫn nhớ như in hình ảnh con trai ngồi một mình trầm ngâm rất lâu ở cửa nhà sau khi lên mạng tìm hiểu thông tin về căn bệnh Khôi mắc phải.
Hết thời gian điều trị, con trở về nhà, vợ chồng anh Bộ mang theo hi vọng tìm thầy, tìm thuốc chữa bệnh cho con. Mỗi lần thấy cơ thể con xuất hiện vết tím, anh Bộ lại đưa con lên bệnh viện ở Hà Nội điều trị. Nhìn con khóc thét lúc bác sĩ lấy máu, lòng anh quặn lại.
Theo chia sẻ từ gia đình anh Bộ, bác sĩ có chỉ định ghép tuỷ để điều trị căn bệnh bé Khôi đang mắc phải, chi phí lên tới khoảng 2 tỷ đồng. Số tiền quá lớn khiến gia đình từng nghĩ tới việc bán nhà, vợ chồng, con cái đi ở nhờ.
Chưa có tiền ghép tuỷ, để duy trì sự sống cho con, từ giữa năm 2021 đến nay, đều đặn khoảng 3 tuần, anh Bộ lại đưa con lên Hà Nội để truyền kháng thể. Hai bố con ở lại bệnh viện, ít cũng 3 ngày, nhiều thì 1 tuần hoặc có thể hơn. Mỗi tháng, chi phí đi lại, điều trị cho con cũng mất gần 20 triệu đồng, có đợt nhiều hơn.
Đồng hành cùng con trên chặng đường điều trị bệnh, thêm mẹ già mắc bệnh hiểm nghèo, đồng nghĩa với việc anh Bộ phải giảm thời gian đi làm, thu nhập vì thế cũng ít đi. Hiện tại, mỗi tháng anh chỉ đi làm chừng 10 ngày. Công ty chị Tình không còn nhiều việc như trước, không tăng ca, nghỉ thứ 7 và Chủ nhật. Tổng thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng chỉ khoảng 10 triệu đồng. Khó khăn chồng khó khăn trong khi số nợ cũ lên tới hàng trăm triệu đồng.
“Hai con lớn của tôi một đứa năm nay lên lớp 9, một đứa học lớp 5, cùng là học sinh cuối cấp lại sắp vào năm học mới với bao khoản phải đóng. Mẹ tôi vì để dành tiền chữa bệnh cho cháu, từ đầu năm tới nay đã không chữa bệnh, để mặc cơn đau hành hạ, chỉ mong cháu khoẻ mạnh, vui đùa như những đứa trẻ khác”, anh Bộ trải lòng. Anh bảo, thời gian này hai con lớn đang nghỉ hè nên cũng trông em, đỡ bà và bố mẹ phần nào. Cả nhà phải để mắt tới Khôi thường xuyên vì bác sĩ căn dặn, không được để bé bị ngã.
Hơn 3 sào ruộng muốn dành để trồng hoa màu cũng được gia đình bán đi, lấy tiền trang trải cho những chuyến anh Bộ đưa bé Khôi đi chữa bệnh nhưng tất cả chỉ như muối đổ biển. Những biến cố không ngừng ập đến gia đình khi cách đây 2-3 ngày, vừa đưa con trai đi chữa bệnh không lâu, anh Bộ lại phải nhập viện để mổ ruột thừa.
Thời điểm chúng tôi tới nhà, chị Tình đang đi làm. Chuông điện thoại vừa reo, từ bên kia đầu dây, giọng chị Tình nghẹn lại khi có người hỏi thăm bệnh tình con trai út. Chị bảo, thời gian đầu khi biết con mắc bệnh hiếm, tâm trí chị lúc nào cũng rối bời, nhìn con lại muốn khóc. Thời gian qua đi, chị đã tĩnh tâm hơn vì chị biết, bản thân phải khoẻ mạnh mới cùng chồng làm việc kiếm tiền nuôi hai con ăn học, nuôi mẹ bệnh tật và đồng hành cùng con trai trên hành trình điều trị bệnh.
“Sau khi tan làm ở công ty về nhà, tôi lại ra đồng mò cua, bắt ốc để sáng hôm sau dạy sớm đi bán, bán xong lại đi làm. Ngày nhiều cũng được gần 20 kg, bán được 200 nghìn đồng nhưng có ngày cũng chỉ 4-5 kg. Thứ 7, Chủ nhật tôi tranh thủ đi làm thêm kiếm đôi ba trăm nghìn”, chị Tình tâm sự.
Mong ước lớn nhất của gia đình lúc này chỉ mong sao con có thể ghép tuỷ, sống khoẻ mạnh và không còn cảnh hàng tháng phải đi bệnh viện.
Hiện, con trai và con gái anh Bộ cũng đến bệnh viện xét nghiệm tuỷ để hiến cho bé Khôi, kết quả xét nghiệm có tỷ lệ hợp tuỷ của hai anh em với bé Khôi là 50%.
Trả lời PV VTC News, đại diện thị trấn Thanh Miện cho biết, gia đình anh Bộ thuộc diện hộ cận nghèo của địa phương.
Cũng theo vị đại diện này, cháu Khôi không may mắc bệnh hiếm, chi phí điều trị và ghép tuỷ rất cao. Bà nội cháu ở cùng nhà cũng mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Cuộc sống hiện tại của gia đình gặp nhiều khó khăn.
Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email [email protected] hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.
Bình luận