• Zalo

Châu Âu đối mặt nguy cơ suy thoái vì xung đột ở Biển Đỏ

Tư liệuChủ Nhật, 21/01/2024 16:56:15 +07:00Google News

Xung đột ở Biển Đỏ khiến châu Âu một lần nữa lại nằm ở tuyến đầu của những căng thẳng địa chính trị.

Lần thứ hai trong 3 năm, một cuộc xung đột ở khu vực lân cận của châu Âu đe dọa làm suy yếu nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của lục địa già.

Lần này, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhắm vào các tàu chở hàng ở Biển Đỏ đã buộc nhiều hãng vận tải phải lựa chọn hành trình an toàn hơn nhưng dài hơn và tốn kém hơn đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi.

Việc thay đổi tuyến đường đang làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa và khiến các nhà bán lẻ lo ngại về tình trạng khan hiếm hàng hóa. Một số nhà máy đã tạm dừng hoạt động do thiếu các linh kiện cần thiết. Nếu mối đe dọa vẫn tiếp diễn, các nhà kinh tế cho rằng, lạm phát ở châu Âu có thể tăng trở lại, đẩy lùi khả năng cắt giảm lãi suất cơ bản.

Các tàu đi qua Biển Đỏ vận chuyển khoảng 40% hàng hóa trao đổi giữa châu Âu và châu Á. (Ảnh: Getty)

Các tàu đi qua Biển Đỏ vận chuyển khoảng 40% hàng hóa trao đổi giữa châu Âu và châu Á. (Ảnh: Getty)

Nguy cơ suy thoái

Ana Boata, nhà kinh tế trưởng tại công ty bảo hiểm Allianz Trade, cho biết: “Đây rõ ràng là một trong những rủi ro lớn, nó có thể làm giảm tăng trưởng và làm tăng lạm phát. Chúng ta có thể nói về nguy cơ suy thoái”.

Các tàu đi qua Biển Đỏ vận chuyển khoảng 40% hàng hóa trao đổi giữa châu Âu và châu Á. Lực lượng Houthi ban đầu tuyên bố nhắm mục tiêu vào các tàu của Israel hoặc những tàu đi đến các cảng của nước này, nhưng trên thực tế mục tiêu của họ bao gồm cả các tàu quốc tế. Điều đó đã thúc đẩy nhiều công ty vận tải chuyển hướng sang tuyến đường đi vòng qua Mũi Hảo Vọng.

Tuần trước, Tesla cho biết sự chậm trễ trong việc giao linh kiện do thay đổi lộ trình vận chuyển đường biển sẽ buộc hãng phải tạm thời đình chỉ sản xuất tại nhà máy lớn duy nhất ở châu Âu.

Nhà máy tại Bỉ của Volvo Cars, hãng sản xuất ô tô Trung Quốc - Thụy Điển, cũng phải ngừng sản xuất trong 3 ngày.

Các nhà máy của Volkswagen không bị ảnh hưởng nhưng hãng này vẫn tiếp tục theo dõi tình hình và liên hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp.

Oxford Economics ước tính, một con tàu di chuyển với tốc độ 16,5 hải lý/giờ từ Đài Loan (Trung Quốc) đến Hà Lan qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez sẽ mất khoảng 25,5 ngày. Nếu hành trình chuyển hướng đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, thời gian sẽ tăng lên khoảng 34 ngày, thậm chí có thể còn kéo dài hơn nữa nếu các tàu chuyển hướng phải chờ tiếp thêm nhiên liệu.

Thời gian di chuyển kéo dài thêm sẽ làm giảm năng lực vận chuyển hàng năm của mỗi tàu và có thể tác động dây chuyền đến chi phí vận chuyển hàng hóa. Theo Chỉ số Freightos Baltic, chi phí trung bình để vận chuyển hàng hóa trong một container đi khắp toàn cầu đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ ngày 22/12/2023 đến ngày 12/1/2024.

Đối với châu Âu, tác động của cuộc khủng hoảng phần lớn sẽ phụ thuộc vào mức độ và thời gian gián đoạn. Các nhà kinh tế tại Allianz Trade tính toán rằng khoảng thời gian chi phí vận chuyển tăng gấp đôi kéo dài hơn 3 tháng có thể đẩy tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng euro lên 0,75 điểm phần trăm và làm giảm tăng trưởng kinh tế gần 1 điểm phần trăm. Với nền kinh tế khu vực đồng euro vốn đã suy yếu, điều đó có thể đẩy khu vực này vào tình trạng thu hẹp trong năm 2024.

Paolo Gentiloni, quan chức kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu, nói rằng tình hình ở Biển Đỏ “cần được theo dõi chặt chẽ” vì nó có thể khiến giá năng lượng và lạm phát tăng trở lại.

Bối cảnh đã khác thời kỳ đại dịch Covid-19

Dù vậy, sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng ở châu Âu hiệu nay ít nghiêm trọng hơn so với tình trạng tắc nghẽn năm 2020 và 2021. Tác động kinh tế của chúng có thể sẽ nhỏ hơn tương ứng. Các doanh nghiệp cũng đã rút ra bài học từ sự gián đoạn trong đại dịch Covid-19 và hiện có lượng hàng lưu kho lớn hơn so với thời điểm đó.

Ông chủ IKEA, Jesper Brodin cho biết xung đột ở Biển Đỏ đã khiến hành trình vận chuyển bằng đường biển của họ kéo dài thêm khoảng 10 ngày, thậm chí lâu hơn nhưng khách hàng của họ không bị ảnh hưởng.

“Sự khác biệt lớn ở thời điểm hiện nay là chúng tôi đã hồi phục sau đại dịch. Số lượng hàng trong kho của chúng tôi vẫn đủ để cung ứng cho khách hàng”, ông Brodin cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.

Nhà bán lẻ giảm giá Pepco cho biết xung đột ở Biển Đỏ ít ảnh hưởng đến lượng hàng sẵn có nhưng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trong những tháng tới nếu tình trạng này tiếp diễn. Các cuộc tấn công của Houthi vào tàu thương mại đã khiến giá cước vận chuyển giao ngay cao hơn và thời gian vận chuyển bị kéo dài hơn.

Có một số lý do khiến tác động của cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ đối với nền kinh tế châu Âu ít nghiêm trọng hơn so với các đợt tăng chi phí vận chuyển hàng hóa trước đây.

Patrick Lepperhoff, chuyên gia tư vấn của Inverto, một đơn vị của BCG, cho biết các cuộc khủng hoảng trước đây đã giúp các công ty chuẩn bị tốt hơn cho những cú sốc bất ngờ.

Ngoài sự chuẩn bị tốt hơn, môi trường kinh tế cũng khác so với thời kỳ đại dịch — một sự kiện toàn cầu ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Cuộc khủng hoảng hiện nay mang tính cục bộ, các nhà cung cấp có nhiều lựa chọn thay thế hơn và nhiều doanh nghiệp cũng giữ lượng hàng trong kho lớn hơn so với trước khi đại dịch xảy ra.

“Biển Đỏ không còn nguy hiểm đối với thương mại toàn cầu như những sự kiện cách đây vài năm”, ông Lepperhoff cho biết.

Hoàng Phạm/VOV.VN(Theo WSJ)
Bình luận
vtcnews.vn