Trong nhóm Big Tech, nhiều doanh nghiệp như Google, Microsoft, Facebook đã có nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) riêng, thậm chí từng đưa ra cộng đồng nhưng sớm phải thu hồi vì nhiều lý do, trong đó có dự án buộc phải đóng. Nhưng thế giới gần như "phát cuồng" với sự xuất hiện của ChatGPT do OpenAI phát triển, ra mắt vào tháng 11/2022 vừa qua.
ChatGPT nhanh chóng trở thành "hiện tượng" trên internet khiến Microsoft tức tốc duyệt chi 10 tỷ USD vào OpenAI. Cùng lúc, giới chuyên môn tại Google, Meta (công ty mẹ của Facebook) cũng tỏ rõ sự quan tâm tới ChatGPT và thừa nhận công cụ này đang đặt nặng áp lực phát triển AI lên vai các doanh nghiệp thuộc Big Tech.
Một bản ghi chú nội bộ lọt ra từ Meta xác nhận hãng đang tăng tốc quy trình phê duyệt AI để kịp thời tận dụng công nghệ mới. Ở Google, "gã khổng lồ tìm kiếm" ban hành mã xung quanh hoạt động ra mắt sản phẩm AI, đồng thời đề xuất rút ngắn quy trình đánh giá, giảm rủi ro tiềm ẩn ở trí tuệ nhân tạo. AI cũng trở thành vấn đề ưu tiên cao nhất của CEO Google - Sundar Pichai và muốn đầu tư thêm vào đây.
Trước đó, Google đã mua lại DeepMind (năm 2014) - công ty về AI, tới 2015 thì sở hữu thêm mã nguồn mở phần mềm máy học TensorFlow. Năm 2018, hãng công bố bộ nguyên tắc AI sau khi nhiều nhân viên phản đối dự án Maven. Nhưng tham vọng AI của Google gặp trở ngại khi nhiều nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực này quyết định rời bỏ công ty để chuyển sang làm startup riêng.
Tìm kiếm - công cụ mang lại tên tuổi cho Google cũng đang bị đánh giá tiêu cực với dự đoán sụp đổ vì sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo trên internet. Người dùng AI như ChatGPT có thể dễ dàng tìm được thông tin cần thiết thông qua các hỏi đáp đơn giản với chương trình, không cần tới các cụm từ khoá chính xác hay buộc phải nhấp vào liên kết (đường link) nào để tra cứu. Giao diện công cụ Tìm kiếm cũng cồng kềnh, rối mắt hơn do quảng cáo và các nhà tiếp thị luôn tìm cách "bẫy" người dùng nhấp chuột theo ý họ.
Bình luận