Nguyễn Hải Nam (20 tuổi, quê Yên Bái) sinh viên năm 3 trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, trước đây, chỉ với 4 triệu đồng có thể lo đủ chi phí thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt, đi lại. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá cả hàng hoá đắt đỏ, số tiền đó không đủ trang trải nên phải đi làm thêm nhiều công việc một lúc để có thêm thu nhập.
Trước đây, Nam thuê nhà cách trường 10km vì giá rẻ, nhưng giá xăng tăng giảm thất thường nên chi phí di chuyển bị đội lên cao. Nam sinh chấp nhận chuyển trọ ở gần trường với giá 2 triệu đồng/tháng và đi bộ đi học giảm chi phí đi lại. Bên cạnh đó, thay vì mua thực phẩm ở Hà Nội, bố mẹ Nam thường xuyên gửi đồ ăn từ quê xuống, hạn chế ăn ngoài và tự nấu nướng.
Nam sinh cũng bắt đầu cắt bớt những khoản chi tiêu cá nhân như: Mua sắm, ăn vặt, hạn chế đi cafe hay lê la quán xá như trước đây bởi kinh tế ngày càng eo hẹp hơn.
Thời gian năm hai, Nam đi làm thêm ở quán ăn buổi chiều từ 12h - 17h với mức lương 22.000 đồng/giờ. Nhưng, hiện tại giá cả ngày càng leo thang mức thu nhập không đủ đáp ứng chi tiêu nên Nam xin làm thêm ở quán cà phê vào buổi tối từ 18h - 22h đêm với mức thu nhập 17.000 đồng/giờ. Tổng thu nhập nam sinh nhận lại cho 2 công việc khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng.
"Mức thu nhập dù đã cao hơn nhưng cũng không đủ chi tiêu thoải mái, em vẫn phải tiết kiệm. Ngoài ra, làm từ trưa đến tận đêm muộn rồi sáng lại dậy sớm đi học em thấy khá mệt, thường xuyên thiếu ngủ. Nghĩ đến tiền trang trải sinh hoạt phí nên phải cố gắng vượt qua, bố mẹ ở quê cũng không khá giả là bao", Nam bày tỏ.
Vỡ mộng đi học ở thành phố, cái gì cũng đắt đỏ
Dù mới nhập học được ít ngày nhưng Hoàng Minh Châu (18 tuổi, quê Phụ Thọ) sinh viên năm nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền vội vã tìm việc làm thêm để kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí.
Đặt chân tới Thủ đô, nữ sinh bị vỡ mộng với những chi phí đắt đỏ gấp nhiều lần so với tưởng tưởng của bản thân. Nguyện vọng của Châu là xin ở ký túc xá để giảm bớt gánh nặng kinh tế nhưng gia đình không thuộc diện chính sách ưu tiên theo quy định nên không được chấp thuận.
Hiện, Châu ở trọ với 2 người bạn cùng quê với mức giá 4,5 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền điện nước, dịch vụ). Dù biết mức giá khá cao so với căn phòng 15 mét vuông nhưng cả 3 đều chấp nhận vì không còn giá phòng nào rẻ hơn.
Chưa ở hết tháng nhưng theo tính toán của Châu, riêng tiền phòng trọ đã "ngốn" của nữ sinh khoảng gần 2 triệu đồng (chưa kể tiền chi tiêu cá nhân). Ngại xin thêm tiền bố mẹ, nữ sinh quyết định đi làm thêm ở cửa hàng bán đồ ăn nhanh để giảm bớt phần nào cho gia đình.
Mức lương Châu được trả 20.000 đồng/giờ nếu làm làm ca 6 tiếng và 22.000 đồng/giờ nếu làm ca 8 tiếng/ngày. Điểm thuận lợi nhân viên quán đa phần là sinh viên nên chủ quán cũng linh động phân bổ lịch làm việc phù hợp lịch học của mỗi bạn. Mỗi tuần, Châu đi học năm ngày, hai ngày còn lại sẽ chọn làm “full ca” (8 giờ/ngày).
Nữ sinh cũng chia sẻ, công việc này là cách “lấy ngắn nuôi dài”, tương lai khi học được một thời gian và có chút kinh nghiệm, Châu sẽ chọn công việc làm thêm đúng ngành bản thân đang theo học.
Theo ông Đỗ Đức Long (giảng viên Khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, theo kết quả một số nghiên cứu tại học viện, số lượng sinh viên đi làm thêm chiếm tỷ lệ khá cao với 60,8%.
Việc sinh viên đi làm thêm là xu hướng phổ biến nhằm đáp ứng một số nhu cầu như: Nhu cầu kinh tế, công việc phù hợp, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng, hỗ trợ gia đình... Tuy nhiên, việc sinh viên đi làm thêm cũng có thể gây ra một số hệ quả, làm giảm thời gian dành cho việc học tập hoặc gây ra căng thẳng do áp lực học tập và công việc cùng lúc.
Ông Long khuyên sinh viên cần quản lý tốt thời gian và đảm bảo cân nhắc kỹ lưỡng giữa công việc làm thêm và học tập. Sinh viên nên chọn công việc phù hợp, không được quên mục tiêu chính của bản thân, luôn đảm bảo được sức khỏe tốt nhất, tuân thủ quy tắc của trường học.
Bình luận